Thái Nguyên: Tạo động lực thúc đẩy giá trị sản phẩm nông nghiệp

GD&TĐ - Sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Thái Nguyên đã có 76 sản phẩn được công nhận đạt chuẩn từ 3 - 4 sao và 7 sản phẩm lập hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá xếp hạnh 5 sao.

Sản phẩm Tương nếp Úc Kỳ của Cơ sở sản xuất tương nếp Úc Kỳ (huyện Phú Bình).
Sản phẩm Tương nếp Úc Kỳ của Cơ sở sản xuất tương nếp Úc Kỳ (huyện Phú Bình).

Xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang lại sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đồng thời, là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Trong giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định hỗ trợ gần 17 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện Chương trình, 63 tỷ đồng từ ngân sách huyện, xã, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác là 246 triệu đồng, nguồn vốn xã hội hóa là 360 tỷ đồng.

Để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ về kinh phí là 620 triệu đồng, tặng thưởng 30 triệu đồng/sản phẩm cho 12 sản phẩm đạt 4 sao, 20 triệu đồng/sản phẩm cho 13 sản phẩm đạt 3 sao.

Ngoài sản phẩm chè đã trở thành thương hiệu nổi tiếng còn có những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu khác như: Miến rong của HTX miến Việt Cường (Huyện Đồng Hỷ), rau an toàn của HTX rau an toàn Hùng Sơn và HTX rau an roàn xã Bình Thuận (Huyện Đại Từ), Tương nếp Úc Kỳ của Cơ sở sản xuất tương nếp Úc Kỳ (Huyện Phú Bình), gạo Bao thai Định Hóa của các HTX trồng lúa huyện Định Hóa...

Trước đây, khi chưa có chương trình OCOP, những sản phẩm này chưa được các địa phương chú trọng, sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác và thị trường tiêu thụ.

Sản phẩm miến Việt Cường của HTX miến Việt Cường (Huyện Đồng Hỷ).

Sản phẩm miến Việt Cường của HTX miến Việt Cường (Huyện Đồng Hỷ).

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã góp phần hỗ trợ về mặt truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm OCOP trên hệ thống truyền thông đa phương tiện. Thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng dữ liệu sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc… Xây dựng mẫu cách thức thực hiện một sản phẩm hoàn chỉnh để đánh giá, xếp hạng OCOP.

Từ 2018 đến nay, Thái Nguyên đã hỗ trợ cho 104 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung hỗ trợ đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp và các chủ thể tạo cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP.

Tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, từ năm 2019 - 2020 đã có 2 đợt đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, năm 2019 đánh giá và xếp hạng được 25 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao.

Năm 2020, các huyện, thành phố, thị xã đăng ký 183 sản phẩm. Sau khi đánh giá và xếp hạng đã có 7 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá và phân hạng OCOP cấp Quốc gia, 51 sản phẩm được xếp loại 3 sao, 4 sao, trong đó có 6 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao và 01 mô hình Làng văn hóa du lịch.

Các sản phẩm OCOP đã và đang tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, không ngừng gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ