Tận dụng mặt hồ làm điện mặt trời

GD&TĐ - Theo TS Trần Đình Sính, Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID), hệ thống hồ thủy lợi và hồ thủy điện ở Việt Nam ở khắp mọi nơi. Tận dụng mặt nước để làm điện mặt trời sẽ tạo ra nguồn năng lượng lớn.

Mô hình điện mặt trời được lắp đặt trên mặt nước.
Mô hình điện mặt trời được lắp đặt trên mặt nước.

Lợi ích kép từ mặt hồ thủy điện

TS Trần Đình Sính cho biết, phát triển điện mặt trời đang là xu hướng trên thế giới. Việt Nam không nên nằm ngoài xu thế đó. Việt Nam có khoảng gần 7.000 hồ thủy lợi và thủy điện. Phát triển điện mặt trời cần một diện tích đất lớn. Nó gây ra những xung đột trong việc sử dụng đất. 

Thế nhưng, phát triển điện mặt trời nổi trên nước là một giải pháp tránh được mâu thuẫn. Bởi nó giải quyết được nhu cầu đất cho phát triển điện mặt trời mà vẫn khai thác được dạng năng lượng này cho phát triển. Ngoài ra, lắp đặt điện mặt trời trên hồ chứa cũng giảm tổn thất nước hồ do bốc hơi và hiệu suất tấm quang năng cũng tăng do được làm mát.

Hiện nay đã có một số dự án điện mặt trời nổi (ĐMTN) được xây dựng và đang phát lên lưới ở Việt Nam như Đa Mi công suất 47,5MWp. Hệ thống điện mặt trời trên vùng bán ngập của hồ Dầu Tiếng với tổng công suất 500MWp. Tỉnh Đồng Nai cũng đã trình Bộ Công Thương 8 dự án ĐMTN trên hồ Trị An với tổng công suất 5.400MWp với tổng diện tích 7.100ha, chiếm 22% diện tích hồ Trị An.

GreenID đã nghiên cứu Tiềm năng ĐMTN trên 67 hồ thủy lợi và thủy điện của 11 hệ thống sông chính tại Việt Nam nhằm đóng góp vào Quy hoạch Điện VII đang được Bộ Công Thương lập.

Về tiềm năng lý thuyết, với tổng diện tích mặt nước là 2.829km2, tiềm năng ĐMTN cả ở vùng ngập và vùng bán ngập của 67 hồ của 11 hệ thống sông được ước tính là 210,5GW công suất. Tương đương với điện lượng 304,2 tỷ kWh/năm. Trong đó, 60% tiềm năng nằm tại 6 hồ lớn là Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Bình Điền, Trị An và Dầu Tiếng.

Tiềm năng kỹ thuật của 67 hồ của 11 hệ thống sông được ước tính là 78,5 GW công suất và 103 tỷ kWh/năm. Chiếm khoảng 33% so với tiềm năng lý thuyết. Tiềm năng kỹ thuật vùng ngập tại hai hệ thống sông Hồng và Đồng Nai chiếm đến 65% của 11 hệ thống sông. Tiềm năng vùng bán ngập cũng của 2 sông này chiếm 95% của tổng số trong đó 82% thuộc hệ thống sông Đồng Nai.

TS Trần Đình Sính phân tích, đối với dự án ban đầu có suất đầu tư 1kW điện mặt trời ở vùng ngập hiện nay là 1.370 USD và vùng bán ngập khoảng 1.100 USD. Với suất đầu tư như vậy, tiềm năng kinh tế của 11 hệ thống sông được ước tính là khoảng 31 GW và điện lượng là 47 tỷ kWh, chiếm khoảng 46% tiềm năng kỹ thuật. Trong đó, 2 hệ thống sông Hồng chiếm 16% và hệ thống sông Đồng Nai khoảng 53%. 

Lớn hơn công suất nhà máy thủy điện

Bà Ngụy Thị Khánh, Giám đốc GreenID cho biết, ĐMTN ở Việt Nam là một điều còn khá mới. Chính sách phát triển ĐMTN ở Việt Nam còn thiếu rất nhiều. Các luật liên quan đến hồ chứa chưa có điều nào nói về ĐMTN. Các chính sách về phát triển điện mặt trời cũng chưa đầy đủ và đồng bộ.

Quy hoạch quốc gia về điện mặt trời cũng chưa có. Các quyết định về giá chỉ có thời hạn nhất định nên rất khó khăn cho các nhà đầu tư có kế hoạch đầu tư lâu dài cũng như các cơ quan chức năng quản lý. Vì vậy, việc phát triển ĐMTN cần phải xem xét chi tiết về mặt luật pháp để tránh những rắc rối về pháp lý khi phát triển.

Đặc điểm điện mặt trời là công suất phát phụ thuộc vào cường độ bức xạ mặt trời nên thay đổi theo thời tiết. Việc kết hợp làm việc giữa điện mặt trời và thủy điện tạo nên một tổ hợp phát điện bù nhau giữa điện mặt trời và thủy điện, làm giảm tính “phập phù” của điện mặt trời.

TS Trần Đình Sính cho biết, theo tính toán thì công suất ĐMTN trên hồ lớn hơn rất nhiều so với công suất nhà máy thủy điện. Theo kinh nghiệm quốc tế, ĐMTN được phát triển theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là xây dựng điện mặt trời công suất bằng công suất của nhà máy thủy điện nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng truyền tải hiện có của nhà máy thủy điện.

Giai đoạn 2 xây dựng ĐMTN lớn hơn công suất nhà máy thủy điện. Trong giai đoạn này, do công suất của hệ thống truyền tải nhỏ hơn công suất của điện mặt trời nên cần làm hệ thống truyền tải riêng để truyền tải điện mặt trời.

Tiềm năng ĐMTN của Việt Nam khá lớn. Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta còn thiếu rất nhiều chính sách cũng như luật lệ và các quy trình, quy phạm, các hướng dẫn kỹ thuật và các quy chuẩn liên quan.

Chúng ta cũng chưa có quy hoạch và đánh giá chi tiết về tiềm năng ĐMTN. Vì vậy, chúng ta cần hoàn thiện những chính sách cũng như đánh giá chi tiết tiềm năng ĐMTN để có cơ sở khai thác tiềm năng này trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ