Quản lý giá sữa: DN tự quyết giá, người tiêu dùng vẫn hưởng lợi

GD&TĐ -  Thông tư quy định về kê khai giá sữa vừa được Bộ Công Thương ban hành đang nhận được sự ủng hộ do đề cao tính tự quyết định giá của doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng cũng được bảo đảm quyền lợi rõ ràng hơn. Tuy nhiên, DN vẫn còn nhiều băn khoăn xoay quanh việc thực hiện thông tư này.

Ảnh minh họa, theo CafeF
Ảnh minh họa, theo CafeF

Liên quan đến việc Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã tổ chức “Hội nghị hướng dẫn triển khai Thông tư về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi” vào sáng 2/8 nhằm phổ biến chi tiết cho DN, thương nhân đầu mối về các quy định mới này.

Tôn trọng quyền tự định giá của DN

Ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước cho biết, so với các quy định trước đây, Thông tư 08/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương có nhiều sự đổi mới. Cụ thể, Thông tư mới tôn trọng quyền tự định giá của DN đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức giá kê khai theo đúng chế độ hạch toán kế toán hiện hành. Các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền sẽ giám sát và kiểm tra việc kê khai, đăng ký và thực hiện giá bán này.

Tập trung vào việc quản lý giá bán lẻ hàng hóa do đây mới là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận và cũng chính là mục tiêu quản lý của Nhà nước đối với giá các mặt hàng nhạy cảm này.

“Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tế nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Thông tư đã quy định cho phép DN kê khai các mức giá phù hợp với địa bàn phân phối theo khu vực địa lý nhất định hoặc theo đặc thù hoạt động phân phối. Đặc biệt, đối với các loại hình phân phối có chi phí bán hàng cao thì thương nhân bán lẻ có thể kê khai giá bán lẻ của mình với cơ quan chức năng theo phân cấp nhưng phải giải trình đẩy đủ, cụ thể chi phí phát sinh này”, ông Nguyễn Lộc An cho biết.

Bên cạnh việc quản lý giá bán của hàng hóa, Thông tư cũng yêu cầu DN khai báo về hệ thống phân phối sản phẩm để giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện giá bán trên thị trường, đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng.

Một điểm đáng chú ý mới của Thông tư này là trong phạm vi điều chỉnh giá bán với biên độ nhỏ (dưới 5%), DN được giữ quyền chủ động về việc thay đổi giá nhưng vẫn có sự giám sát thông qua việc DN gửi thông báo điều chỉnh giá cho cơ quan Nhà nước theo phân cấp để các cơ quan này nắm được thông tin đầy đủ, liên tục đối với giá hàng hóa.

Đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng (NFG) của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Matthew Garland nhận định, Thông tư 08 đề ra một hướng quản lý mới, tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

“Hy vọng cách tiếp cận này sẽ giúp đạt được mục tiêu quản lý của Nhà nước, đó là bảo đảm được sự minh bạch của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời tôn trọng quyền tự định giá của DN và các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường”, ông Matthew Garland nhận xét.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Mặc dù nhận được nhiều phản hồi tích cực nhưng Thông tư 08 vẫn khiến nhiều DN băn khoăn. Ví dụ, đại diện Nuticare (DN nhập khẩu sữa) băn khoăn về việc DN nhập khẩu lớn có nhiều nhà phân phối thì các nhà phân phối tại địa phương sẽ phải đăng ký giá sữa lên cấp nào và thủ tục nhiều như vậy có gây mất thời gian cho DN hay không.

Tương tự, đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng chia sẻ: “Khi nhận được Thông tư 08 ban hành chính thức, chúng tôi rất lo lắng vì đây là việc tương đối khó. Bởi việc thực hiện chức năng quản lý và công cụ quản lý không được như mong muốn, rất khó phân biệt sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi”.

Cũng theo vị này, một điểm nữa là, DN sản xuất thì Sở Công Thương nắm được, nhưng DN nhập khẩu được nhập khẩu ở nhiều cửa khẩu, dẫn đến chưa chắc DN nhập khẩu đã là ở địa phương. Do đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đề nghị Tổng cục Hải quan cung cấp danh sách để các Sở Công Thương nắm được.

“Mặt khác, việc thương nhân phân phối cấp 1 bán cao hơn giá khuyến nghị, ở Hải Dương phải có đến 1 vạn cửa hàng, đại lý bán sữa, trong trường hợp họ không kê khai mà vẫn bán hoặc bán giá cao hơn thì có chế tài gì không”, đại diện Sở Công Thương Hải Dương băn khoăn.

Trả lời câu hỏi của Nuticare, bà Lê Thị Hồng (Vụ Thị trường trong nước) cho biết, đối với DN nhập khẩu và phân phối, DN phải đăng ký sản phẩm của mình với Bộ Công Thương và nhận được giá phân phối của đại lý phân phối cấp 1. Các đại lý cấp 2, cấp 3… có thể không nằm trong cùng một địa phương mà thông báo lần lượt lên các đại lý cấp 2, cấp 1 theo chuỗi phân phối và DN nhập khẩu là đơn vị cuối cùng được thông báo lên Sở Công Thương.

Đối với câu hỏi của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, bà Hồng cho biết, việc phân biệt sữa và thực phẩm chức năng sẽ được Bộ Y tế cung cấp danh mục các mặt hàng phải kê khai giá, DN bán sản phẩm nằm trong danh mục buộc phải kê khai lên Sở Công Thương.

“Việc lập danh sách thương nhân đầu mối khi nhập khẩu vào địa bàn thì trước khi sản phẩm lưu hành sẽ phải đăng ký hợp quy với Bộ Y tế, danh sách này sẽ được chuyển sang các Sở Công Thương địa phương để rà soát và xử lý”, bà Hồng cho biết.

Riêng với vấn đề các đại lý phân phối không kê khai giá hoặc bán giá cao hơn mức giá khuyến nghị thì các đại lý đó vi phạm quy định về quản lý giá và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực quản lý giá. Việc này sẽ được các lực lượng quản lý thị trường tiếp quản và xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Lộc An nói thêm, việc tỉnh Hải Dương có trên 1 vạn cửa hàng, đại lý bán sữa thì không cần đăng ký với Sở Công Thương mà chỉ cần niêm yết giá bán trên hộp sữa. Việc kiểm tra, hậu kiểm sẽ có lực lượng quản lý thị trường và các Sở Công Thương thực hiện.

Khi được hỏi về việc quyền lợi người tiêu dùng được thể hiện như thế nào trong Thông tư 08, ông Nguyễn Lộc An cho biết, trong thông tư này có mục đăng ký giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Đây là điểm khác biệt bởi trước đây cơ quan Nhà nước chỉ quản lý giá bán buôn.

“Không chỉ về giá, người tiêu dùng còn lợi về cả chất lượng khi cơ quan quản lý công bố sản phẩm chất lượng và khi cần thiết chúng tôi có thể thu hồi được sản phẩm đó. Đây là bước tiến để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn”, ông Nguyễn Lộc An cho hay.

Thông tư 08/2017/TT-BCT quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10/8 tới.

Về danh mục sữa và thực phẩm chức năng của Bộ Y tế cung cấp, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, danh mục trước đây chỉ có sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng sau này đã đưa thêm thực phẩm chức năng vào danh mục.

Tuy nhiên, thực phẩm chức năng gồm 3 loại: Thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung vi chất và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Do đó, Bộ Y tế đang thống nhất với Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, kể cả với EuroCharm về danh mục sản phẩm để bổ sung những sản phẩm không phải sữa nhưng có bổ sung vi chất cho trẻ em dưới 6 tuổi vào danh sách để Bộ Công Thương quản lý giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ