Tuy nhiên, không ít ý kiến, đặc biệt là các bậc phụ huynh, nếu các cơ quan chức năng không quản lý giá sữa thì giá sữa lại “phi mã” ngoài tầm kiểm soát trong thời gian tới.
Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn
Ghi nhận thị trường sữa tại Hà Nội vẫn “im ắng”, sau khi xuất hiện thông tin các cơ quan chức năng bỏ áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi.
Tại cửa hàng kinh doanh sữa trên phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội), bà mẹ Nguyễn Thị Lan (25 tuổi, tập thể Nam Đồng, Hà Nội) đang chọn mua Combo 2 hộp Sữa bột Enfagrow A+4 360 BrandPlus 1.8kg cho cậu con trai 9 tháng tuổi.
Chị Lan cho biết: Hằng tháng con trai chị uống hết 2 hộp sữa bột Enfagrow với giá gần 2 triệu đồng. Dù giá sữa vẫn cao so với mức thu nhập của vợ chồng chị nhưng việc áp trần giá sữa trong thời gian qua đã giúp gia đình chị an tâm, vì giá sữa vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Chị Lan so sánh giá sữa này ở nhiều cửa hàng chỉ dao động từ 1.550.000 đồng/2 hộp - 1.800.000 đồng/2 hộp. Sự lo lắng này của người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở, thực tế dù thị trường sữa có thể điều chỉnh mức giá không cao nhưng một số hãng sữa đã tăng giá rộ lên gần đây, chủ yếu rơi vào nhãn sữa ngoại nhưng mỗi lần điều chỉnh tăng lại ảnh hưởng rất lớn đến gia đình nuôi con nhỏ như gia đình chị Lan.
Đến thời điểm này, không ít bà mẹ băn khoăn giá sữa sẽ như thế nào sau khi được “thả cửa”. Theo một bà mẹ có con dưới 6 tuổi, với việc bỏ giá trần, không loại trừ các hãng sữa lại chạy đua khuyến mãi, quảng cáo để đẩy hàng như từng diễn ra và mọi chi phí đều đổ vào giá sữa, người tiêu dùng phải móc hầu bao nhiều hơn khi mua sữa cho con nhỏ.
Quản lý giá sữa thế nào?
Theo đề nghị của Bộ Công Thương (trước đây Bộ Tài chính quản lý), tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 14.
Dự thảo đề xuất, các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có trách nhiệm: Thực hiện đúng quy định về kê khai giá; Được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, tỉ giá, giá nhập khẩu… biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh và giá bán sữa.
Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 5% thì thực hiện gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh mới cho cơ quan tiếp nhận văn bản trước khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ cộng dồn vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định...
Đa số các đại biểu đến từ các doanh nghiệp, Sở Công Thương, Hiệp hội sữa… đều khẳng định vai trò của biện pháp áp trần giá sữa thời gian qua, đồng thời cho rằng việc kết thúc trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng không khỏi e ngại về việc nếu bỏ áp trần giá sữa thì liệu giá sữa có tăng liên tục và phải quản lý như thế nào.