Phú Lương - Thái Nguyên: Nông thôn mới mang lại diện mạo mới

GD&TĐ - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của nhân dân đến nay diện mạo NTM huyện Phú Lương đã trở thành “luồng gió mới”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Mô hình sản xuất dây thìa canh DK tại xã Yên Ninh
Mô hình sản xuất dây thìa canh DK tại xã Yên Ninh

Qua 5 năm, huyện Phú Lương đã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), với tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM giai đoạn từ năm 2016 - 2019 là 279.200 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Nhà nước: 182.580 triệu đồng, Ngân sách Trung ương: 85.959,8 triệu đồng, Ngân sách tỉnh: 62.329 triệu đồng, Ngân sách huyện: 34.291 triệu đồng. Đóng góp của người dân: 36.923 triệu đồng và nhân dân hiến trên 17 ha đất để thực hiện các dự án.

Đến nay, toàn huyện đã có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân lên 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị được thực hiện nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Phú Lương đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - Thủy sản đạt 4,2%. Sản lượng lương thực cây có hạt bình quân 5 năm 37.969,2 tấn. Sản lượng chè bình quân 5 năm 42.162 tấn, hàng năm trồng mới và trồng lại 176 ha chè, 910 ha rừng.

Toàn huyện có 57 HTX, trong đó có 47 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật hợp tác xã 2012, 42 làng nghề nông thôn được duy trì và phát triển, trong đó có 40 làng nghề chè, các làng nghề truyền thống được công nhận tập trung chủ yếu vào phát triển cây chè.

Hệ thống giao thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp trên 70 km, xây mới 17km đường trục xã, liên xã nâng tỷ lệ đường đạt chuẩn lên 188km/204 km đạt 92,1%. Các công trình thủy lợi được kiên cố hóa, nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới trong đó đầu tư sửa chữa và xây mới 148 phòng học và phòng chức năng cho các cấp học nhằm đáp ứng và nâng cao nhu cầu dạy và học cho giáo viên, học sinh. Toàn huyện có đã có 44/53 trường đạt tỷ lệ 83% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Ông Phạm Thái Hanh, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên cùng các đại biểu dự buổi khánh thành công trình mở rộng nâng cấp quy mô trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Phú Lương
Ông Phạm Thái Hanh, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên cùng các đại biểu dự buổi khánh thành công trình mở rộng nâng cấp quy mô trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Phú Lương 

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ hằng năm được thực hiện nghiêm túc, Ban chỉ đạo PCGD, XMC cấp huyện đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cơ sở thực hiện các giải pháp để duy trì và nâng cao chuẩn phổ cập giáo dục trên địa bàn. Triển khai thực hiện tuyên truyền về công tác PCGD, XMC. Tổ chức các hội nghị triển khai học tập các văn bản, các lớp tập huấn nghiệp vụ về PCGD, XMC cho cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên phụ trách của các cấp học.

Đến nay đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Xóa mù chữ đạt mức độ 2, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học đạt 85,42%, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 41,1%. Mạng lưới y tế, văn hóa, thông tin truyền thông được củng cố, chất lượng ngày càng được nâng cao, kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn được quan tâm đầu tư.

Từ những “trái ngọt” và giá trị NTM mang lại, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Phú Lương đã trở thành phong trào rộng khắp và tạo nên sức mạnh, sự đoàn kết cũng như tính chủ động trong xây dựng NTM của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ