Nạn xả thải ra môi trường đã ở mức "báo động đỏ"

Nạn xả thải ra môi trường đã ở mức "báo động đỏ"

C49 cho biết, những vi phạm quy định về xử lý chất thải công nghiệp liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương. Nhiều khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng hệ thống ngầm dẫn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nổi trội là hai vụ việc: Nhà máy Sản xuất khung nhôm định hình thuộc Công ty cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (Đài Loan) tại Cẩm Giàng, Hải Dương xả thải ra môi trường và Nhà máy cồn rượu thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi “đầu độc” sông Trà Khúc.

Nạn xả thải ra môi trường đã ở mức "báo động đỏ" ảnh 1
Cống xả nước thải ngầm của Nhà mày Bia Hà Nội (ảnh: gdtd.vn).

Gần đây nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam phát hiện hàng chục tấn cá của các doanh nghiệp, hộ dân “bỗng nhiên” chết hàng loạt trên sông Châu Giang. Nguyên nhân chính được xác định là do nguồn nước sông Châu Giang bị ô nhiễm từ lượng nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng đổ vào.

Ngoài 3 vụ việc kể trên, trong tháng 5/2010, C49 ghi nhận hàng loạt vụ xả thải của các doanh nghiệp trên toàn quốc. Cụ thể, ngày 20/5/2010, C49 đã phát hiện Công ty cổ phần Thương mại dệt may Tín Thành (quận Hà Đông, Hà Nội) xả nước thải không qua xử lý, với lưu lượng 70 – 80m3/ngày đêm gây ô nhiễm môi trường. Ngày 27/5/2010, C49 bắt quả tang Công ty cổ phần Luyện kim Tân Nguyên (huyện Kinh Môn, Hải Dương) xả nước thải không qua xử lý ra môi trường. Mỗi ngày, công ty này xả ra sông Phi Liệt khoảng 50 - 60 m3 nước thải.

Tại khu vực miền Nam, ngày 21/5, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bình Dương phát hiện Công ty TNHH Jorn Technology tại Khu công nghiệp Việt Hương “xả chui” nước thải qua cống ngầm. Cũng trong thời gian này, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.HCM bất ngờ kiểm tra và phát hiện Công ty cổ phần Giấy Linh Xuân (số 3A đường số 9, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) vi phạm quy định về xử lý chất thải.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện hệ thống pháp lý, quản lý chưa đủ mạnh, khiến các doanh nghiệp không ngại xả thải ra môi trường. Hiện việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm mới dừng lại ở việc dỡ bỏ hệ thống xả thải và phạt tiền.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 117/2009/NĐ-CP, chế tài xử phạt với doanh nghiệp vi phạm chỉ từ 100 đến 500 triệu đồng, trong khi doanh nghiệp có thể được lợi hàng chục tỷ đồng từ việc xả thải chui. Dù có rất nhiều vụ vi phạm xảy ra, nhưng vẫn chưa có vụ việc nào bị khởi tố hình sự.

Nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng gia tăng là do hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, thiếu chế tài xử lý nghiêm. Các quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn mặc dù đã được Chính phủ ban hành, song còn mang tính hình thức.

Ông Phan Hữu Vinh, Phó Cục trưởng C49 cho rằng, sở dĩ chỉ có thể phạt hành chính với doanh nghiệp vi phạm, vì hậu quả về hành vi này thường tích lũy theo thời gian, khó xác định được ngay. Các cơ quan tiến hành tố tụng khó có căn cứ pháp lý để định tội danh, nên không xử lý hình sự được.

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc chưa xử lý hình sự được vụ vi phạm về môi trường nào cũng là lý do để doanh nghiệp vi phạm khinh nhờn pháp luật. Khái niệm “gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” tuy đã quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhưng chưa được định nghĩa trong Bộ luật Hình sự, nên các cơ quan tư pháp lúng túng trong việc áp dụng luật. 

Anh Thư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ