Kiếm tiền triệu từ loại quả mọc hoang trên núi

GD&TĐ - Từ tháng 7, sim đã bắt đầu chín rộ khắp các vùng sườn đồi miền núi Hà Tĩnh. Đây là thời điểm, người dân từ người già đến trẻ nhỏ đổ xô lên đây kiếm thêm nguồn thu nhập.

Tranh thủ dịp hè, nhiều em học sinh cũng lên đồi hái sim kiếm thêm thu nhập để chuẩn bị cho năm học mới.
Tranh thủ dịp hè, nhiều em học sinh cũng lên đồi hái sim kiếm thêm thu nhập để chuẩn bị cho năm học mới.

Quả dại thành đặc sản

Đến tháng 7 mỗi năm, bà Lê Thị Hoa (xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) lại mang theo bao tay, bì tải… trèo đồi để “lẩy” sim. 5 giờ sáng, hàng xóm đã í ới gọi bà đi cho kịp buổi kẻo lên muộn thì “bọn trẻ nhanh tay hái mất”.

Dịp này, đang mùa sim chín rộ. Quả sim từ màu mơ vàng đã chuyển hẳn sang màu tím sậm, trái căng mọng. Chẳng biết từ khi nào, từ loại quả dại mọc tràn lan khắp các đồi bỗng “lên đời” thành đặc sản được người dân săn đón.

Vừa hái sim, bà Hoa cho biết: “Trước đây, sim mọc rụng đầy chẳng ai thèm để ý. Thỉnh thoảng chúng tôi chỉ hái đem lên chợ, hoặc đạp xe lên thị trấn bán với giá 5.000 đồng – 7.000 đồng/kg.

Nhưng khoảng vài năm lại đây, thương lái thường lùng mua sim với số lượng lớn, giá cao hơn nên người dân cũng đổ xô đi hái. Trung bình, mỗi mùa sim nhà tôi cũng kiếm được 5 – 7 triệu đồng”.

Là người nhiều năm gắn bó với nghề hái sim rừng đi bán, chị Nguyễn Thị Thơm (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc) cho biết, khi đi hái phải thông thuộc địa hình, địa thế. Chỗ nào cây sim phát triển tốt, quả to, đẹp mới hái được nhiều, bán được giá cao.

Cây sim quả to, mọng nước thường mọc ở những vùng đất ẩm ướt, tơi xốp. Cây sim choằn, lá vàng, quả nhỏ, chín không đều có vị chát thường mọc ở những vùng đất khô cằn nên bán giá thấp.

Nhờ kinh nghiệm của mình mà mỗi ngày chị Thơm hái được từ 4 - 7kg. Hiện nay giá sim dao động 25.000 - 30.000đồng/kg. Mỗi ngày một người có thể kiếm từ 150 - 300 ngàn đồng.

Còn Nguyễn Thị Nga (xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc) mới vào nghề nói: “Những năm trước thì tôi đi lao động tại Thái Lan nhưng vài năm lại đây do dịch covid-19, công việc cũng bấp bênh tôi chẳng dám sang nữa. Thấy bà con hái sim bán có thu nhập nên tôi tranh thủ đi hái về bán thêm chút tiền cho con đóng đầu đầu năm học”.

Những đứa trẻ hái sim kiếm tiền đi học

Theo dân gian, sim là một cây thuốc mà trong các sách Đông y có tên gọi là sơn nẫm, cương nẫm, nẫm tử, dương lê, đào kim nương, hồng sim. Còn tên khoa học là Rhodomyrtus tomentosa Wight. Trong Đông y xem quả sim như là “thần dược”, có tác dụng dưỡng huyết, chỉ huyết (cầm máu), sáp trường, cố tinh, mũi chảy máu, tiểu tiện ra máu, lị, thoát giang, tai ù, di tinh, băng huyết, đới hạ... Với những lợi ích của quả sim mang lại, nhiều người dân thường mua sim về ngâm nước hay phơi khô để dùng dần.

Không chỉ người lớn, tranh thủ dịp hè, nhiều học sinh cũng lỉnh kỉnh các dụng cụ leo dốc hái những trái sim đầu mùa. Với lũ trẻ, đây là một thứ hàng hóa đổi thành tiền mua sách vở, bút thước và có thể là 1 bộ quần áo đẹp đẽ cho năm học tới.

Từ xa, chen dưới đám cây bụi xanh bạt ngàn là những chiếc nón trắng nhấp nhô. Công việc đã quá quen thuộc, nên các em làm thoăn thoắt. Mắt vừa thoáng thấy thứ quả tím lấp ló sau lá, tay đã hái cho vào túi. Những rổ sim hái về được các em phân loại. Trái nào chín mọng để qua một bên, trái nào chưa chín lắm thì cho qua rổ khác rồi ủ thêm bằng lá sim cho chín thêm.

Dụng cụ để hái sim chỉ 1 chiếc bì, 1 chai nước lọc và 1 chiếc bát để đong sim bán cho khách. Công việc này được chia làm 2 buổi sáng và chiều, khi những chiếc túi dắt trên lưng quần bắt đầu nặng dần là lúc kết thúc 1 buổi công.

Em Nguyễn Hữu Nguyên (SN 2005, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc) cho hay: “Tận dụng thời gian nghỉ hè, em cùng 2 em gái lên rừng để hái sim. Mỗi ngày ba người được khoảng 15kg, sau khi xuống núi sẽ bán lại cho thương lái giá 25 ngàn đồng/kg. Bọn em đi hái để kiếm tiền mua sách vở trong năm học mới”.

Trời ngả về chiều, những chiếc túi cũng đã bắt đầu trĩu nặng, trẻ em và người lớn lại tất tả tìm nơi để bán.

Ông Trần Sỹ Lương, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết: “Những năm gần đây, tranh thủ thời gian nông nhàn, bà con thường lên rừng hái sim để kiếm thêm thu nhập.

Tuy nhiên, một vài năm lại đây một số nơi đã ghi nhận các trường hợp người dân đi hái sim bị ong đốt. Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân, nhất là trẻ em cẩn thận và phòng bị để tránh trường hợp xấu xảy ra”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ