Khởi nghiệp mô hình Hợp tác xã, giúp bà con thoát nghèo

GD&TĐ - Anh Trầm Minh Thuần, cựu sinh viên chuyên ngành Luật, Trường Đại học Trà Vinh đã khởi nghiệp thành công với mô hình Hợp tác xã, giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Anh Trầm Minh Thuần đã khởi nghiệp thành công với mô hình Hợp tác xã.
Anh Trầm Minh Thuần đã khởi nghiệp thành công với mô hình Hợp tác xã.

Nuôi giấc mơ khởi nghiệp trên giảng đường

Tốt nghiệp Cao học ngành Luật Kinh tế tại Trường Đại học Trà Vinh, anh Trầm Minh Thuần (sinh năm 1993) về quê khởi nghiệp và tham gia thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú, Trà Vinh) với mô hình nuôi trùng quế sản xuất phân hữu cơ, sản xuất gạo sạch và kết hợp nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ. Tại đây, anh Thuần làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã, phụ trách chung các vấn đề của Hợp tác xã và chuyên về lĩnh vực đối ngoại và vận hành chính sách về hỗ trợ Hợp tác xã của tỉnh.

Anh Trầm Minh Thuầm thuộc thế hệ 9x thành công trong việc khởi nghiệp từ mô hình Hợp tác xã. Trước khi trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp, anh làm nhân viên cho Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. 

Những năm gần đây, nhận thấy người dân địa phương giảm sút trong quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp, anh Thuần quyết định nghỉ việc về quê thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp, đồng hành cùng bà con nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Anh Minh Thuần tâm sự: “Lúc còn đi học, mình đã có khát vọng muốn tự lập nghiệp, thích tự làm chủ bản thân. Với mong muốn phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, giúp đỡ bà con nông dân nâng cao chất lượng nông sản. Sau nhiều lần cân nhắc, mình đã quyết định chọn mô hình Hợp tác xã để khởi nghiệp, thực hiện ước mơ trên giảng đường từ bấy lâu nay.”

Anh cho biết thêm: Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp là mô hình Hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2018. Với hơn 60 thành viên tham gia cùng xây dựng thành công vùng nguyên liệu sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ trên diện tích hơn 30 ha để sản xuất gạo sạch mang thương hiệu “Hạt Ngọc Rồng”.

Nổi bật trong 6 thành viên tham gia ban điều hành điều là những con người trẻ tuổi và có trình độ chuyên môn cao bao gồm 4 trình độ Thạc sĩ và 2 trình độ Đại học.

Nỗ lực phát triển mô hình hợp tác xã

Tại buổi đến thăm và làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng đánh giá cao về tính hiệu quả của mô hình gắn với những ý tưởng khởi nghiệp, sự tâm huyết cùng việc chủ động tổ chức trong quá trình phát triển của tất cả thành viên Hợp tác xã.

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh nhấn mạnh: Do bước đầu mới được thành lập và đi vào hoạt động nên những khó khăn của Hợp tác xã cần sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện từ các cấp chính quyền trong tỉnh như các chính sách về hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ, công tác xúc tiến thương mại.

Chia sẻ về sự khó khăn bước đầu từ khi thành lập, anh Minh Thuần cho biết, do ảnh hưởng của loại hình hợp tác xã kiểu cũ, nên công tác vận động bà con tham gia còn nhiều khó khăn. Chính nhờ sự tâm quyết và nhiệt tình của các thành viên Ban Giám đốc và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh kiên trì thuyết phục bà con nhân dân về lợi ích của việc thành lập Hợp tác xã và trình bày những ý tưởng phát triển kinh tế từ mô hình Hợp tác xã sản xuất chuỗi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Con đường khởi nghiệp của Trầm Minh Thuần không hề bằng phẳng. Khi được thành lập, Hợp tác xã cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Sau khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh, Hợp tác xã có tiến hành kêu gọi đầu tư. Không nản chí trước khó khăn, anh Thuần mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) với mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ. Tuy kết quả không mong muốn từ Chương trình nhưng bước đầu nhận được 300 triệu đồng từ sự hỗ trợ của các nhà đầu tư trong tỉnh.

Anh Trầm Minh Thuần giới thiệu sản phẩm gạo Hạt Ngọc Rồng.
Anh Trầm Minh Thuần giới thiệu sản phẩm gạo Hạt Ngọc Rồng.

Hướng đến xây dựng gạo đặc sản Trà Vinh

Với truyền thống sản xuất lúa nước từ bấy lâu nay, lúa gạo không chỉ là lương thực chính mà còn là một biểu tượng văn hóa của Việt Nam, bông lúa, hạt gạo hiện diện trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc bây giờ mới bắt tay xây dựng thương hiệu gạo cho địa phương nói riêng, cho gạo Việt nói chung mà nhiệm vụ quan trọng đối với Hợp tác xã.

Anh Trầm Minh Thuần, chia sẻ: “Khi tham gia vào Hợp tác xã, ngoài việc được hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, nghiên cứu tìm ra các giống lúa mới phù hợp với điều kiện đất đai và giống có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường thì các thành viên được Hợp tác xã bao tiêu thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường. Điều đặc biệt gạo của Hợp tác xã mang thương hiệu “Hạt Ngọc Rồng” đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm để hướng đến xây dựng thành thương hiệu gạo đặc sản của tỉnh Trà Vinh.”

Chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu gạo sạch, anh Minh Thuần cho biết: Trà Vinh là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp nhưng lại không có sản phẩm gạo nào tiêu biểu, với khát vọng mang hạt gạo Trà Vinh sánh tầm khu vực. Anh và các bạn bắt đầu khảo sát vùng nguyên liệu, đưa gạo đi phân tích ở các trung tâm lớn tại TPHCM, thiết kế mẫu mã sản phẩm, sau đó đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sảm phẩm gạo.

Thạc sĩ Dư Phúc Thịnh, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp cho hay: “Hợp tác xã là nơi tạo cơ hội phát triển bản thân, cùng chung tay góp sức tạo nên sự thành công từ các sản phẩm của Hợp tác xã giúp nền kinh tế địa phương phát triển ổn định.”

Mới đây, gạo sạch mang thương hiệu “Hạt Ngọc Rồng” được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm 4 sao khi tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2019. Trong tời gian tới, Hợp tác xã sẽ hoàn thiện sản phẩm gạo sạch để đăng ký chứng nhận Hữu cơ Việt Nam và tham gia đàm phán cung ứng gạo mang thương hiệu “Hạt Ngọc Rồng” vào chuỗi hệ thống các siêu thị.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ