Hà Nội sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động

GD&TĐ - Sở Công Thương TP. Hà Nội chỉ đạo tổ chức nhiều điểm lưu động bán các mặt hàng thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng thời bảo đảm giãn cách, hạn chế di chuyển, an toàn phòng dịch.

Hà Nội triển khai điểm bán hàng lưu động trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Phạm Đông.
Hà Nội triển khai điểm bán hàng lưu động trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Phạm Đông.

Gần đây, việc Công ty TNHH Cung ứng thực phẩm Thanh Nga, đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ và một số chợ truyền thống, chợ đầu mối có các ca nhiễm Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc cung ứng, kinh doanh tại một số cơ sở kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố cũng như tâm lý lo ngại mua thực phẩm tại chợ, siêu thị của người dân.

Trước tình hình đó, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã có phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu bị dừng.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến nay trên địa bàn thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở niêm yết công khai trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân; đồng thời sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.

Theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30% đến 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu).

Một điểm bán thực phẩm cho người dân. Ảnh: VGP/Bích Phương.
Một điểm bán thực phẩm cho người dân. Ảnh: VGP/Bích Phương.

Đồng thời, chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Theo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, thuận lợi nhất là TP. Hà Nội đang khống chế dịch, đồng thời các tỉnh phía bắc dịch Covid-19 chưa lây lan mạnh nên sản xuất của các địa phương như Sơn La, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc... vẫn bảo đảm cung ứng hàng ổn định cho thị trường Hà Nội.

Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất, chế biến còn chưa hoạt động hết công suất, mới đạt 60%, nếu có nhu cầu có thể nâng lên 100%; lưu thông hàng hóa cũng thuận lợi.

Có thể thấy, ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đang nỗ lực đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội để người dân Hà Nội yên tâm thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ