(GD&TĐ) - Từ ngày 26 - 27/9, tại thành phố Huế, Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế mùa thu năm 2013 với chủ đề: Kinh tế Việt Nam 2013 triển vọng 2014 - Nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam báo cáo tham luận tại Diễn đàn |
Diễn đàn kinh tế mùa thu tại Huế là một trong những chương trình do Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vỹ mô”. Tham dự diễn đàn có ông Trần Văn Giàu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội và các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam.
Diễn đàn đã có nhiều tham luận nổi bật như: Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013 và triển vọng 2014 của TS.Trần Du Lịch; Vàng và quản lý thị trường vàng ở Việt Nam năm 2013 - TS. Nguyễn Minh Phong; Thị trường bất động sản và những giải pháp cần thiế hay - GS.TSKH.Đặng Hùng Võ; Cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng của TS. Lê Đăng Doanh....
Theo đề dẫn của TS Trần Du Lịch, cho đến thời điểm này (cuối tháng 9/2013), có thể nói, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, các chỉ báo về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, xuất nhập khẩu… có sự ổn định hơn so với các năm trước; thị trường tài chính, thị trường bất động sản tuy chưa khởi sắc, nhưng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đang còn ở trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng và vẫn đang còn phải đối diện với những khó khăn ngắn hạn.
Các chính sách của Chính phủ đang thực thi, tuy vẫn ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng đồng thời cũng đang áp dụng nhiều giài pháp để tăng tổng cầu, kích thích phục hồi tốc độ tăng trưởng và từng bước triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 diễn ra không mấy khác biệt so với những nhận định từ Diễn đàn kinh tế Mùa xuân (tháng 4/013).
Tuy có dấu hiệu phục hồi ở từng lĩnh vực cá biệt, nhưng nhìn chung chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện đáng kể.
Nhưng điểm tích cực nội bật là các chỉ báo kinh tế vĩ mô được cải thiện theo hướng ổn định hơn; lạm phát được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng cao, bình ổn được tỷ giá VNĐ...
Nếu xét trên mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô” thì kết quả của năm 2013 là tích cực. Nhưng những chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao trong các năm sau, nếu thiếu những biện pháp đủ mạnh để tạo sự chuyển biến của tình hình.
Diễn đàn kinh tế mùa thu quy tụ nhiều nhà nghiên cứu kinh tế nổi tiếng cả trong và ngoài nước |
Bên cạnh đó, năm 2013 lại xuất hiện một vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch (riêng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh năm 2013 ước thu ngân sách hụt gần 20 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch).
Sự thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng... đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong 2 năm 2014 và 2015, mà tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cuối năm nay sẽ đặt lên bàn nghị sự.
TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhận định: "Hiện là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình, nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ mất và chẳng bao lâu sẽ tái diễn sự bất ổn, với cái vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra".
Còn ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam- cho rằng nền kinh tế Việt Nam một mình “nghẽn mạch” và vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy”.Ông dẫn chứng: 5 năm kể từ năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề; dư chấn vẫn còn, thậm chí rất mạnh. Song nhìn chung, kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi.
Nhưng riêng Việt Nam lại không nằm trong quỹ đạo đó: Hiện nay, nền kinh tế vẫn đang lộ trình xuống đáy. Mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại.
Qua điều tra của Viện trưởng Trần Đình Thiên, tính đến hết tháng 6/2013, cả nước có 135.000 doanh nghiệp buộc phải đóng cửa trên tổng số 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động (Trung bình mỗi doanh nghiệp thấp nhất có 20 lao động), và mỗi năm có 5,5 triệu lao động mất việc làm. Đây là một con số khá lớn, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Đi vào các lĩnh vực cụ thể, nhiều tham luận đã phân tích những vấn đề nóng của nền kinh tế như: Giá vàng; Hiện trạng và hệ lụy của vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng và các tập đoàn kinh tế, giữa các tổ chức tín dụng...
Theo TS Trần Du Lịch, nhiệm vụ của năm 2014 và 2015 là phải phục hồi niềm tin của thị trường thông qua các chính sách kinh tế trung - dài hạn và kết quả của quá trình tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên, theo tinh thần NQ TW 3 (khoá XI), trong đó tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng Thương mại (NHTM) và khu vực Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là quan trọng nhất để vừa bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo niềm tin cho thị trường.
Minh Ngọc