Nước Mỹ có nguy cơ mất vị trí đứng đầu trên bảng tổng sắp các nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay trong năm nay. Cái tên sẽ thay thế vào đó là Trung Quốc, theo nghiên cứu của một trong những tổ chức thống kê đáng tin cậy nhất thế giới.
Mỹ luôn là đầu tàu kinh tế toàn cầu kể từ khi vượt Anh vào năm 1872. Trong những năm gần đây, đã có nhiều nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc sẽ vươn lên dẫn đầu, nhưng thời điểm được dự đoán là đâu đó quanh mốc 2019.
Tuy nhiên tình hình hiện đã thay đổi, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức So sánh Quốc tế (ICP) trực thuộc Ngân hàng Thế giới. Tổ chức này có những nghiên cứu đáng tin cậy về sức mua tương đương của đồng tiền ở các nước khác nhau. Đây là lần đầu tiên tổ chức này cập nhật báo cáo kể từ năm 2005.
Lần này, sau nhiều nghiên cứu sâu về giá cả hàng hóa dịch vụ, ICP kết luận rằng tiền đi sâu hơn vào các nước nghèo so với nhữn gì họ từng nghĩ. Do đó, họ đã tăng quy mô các nền kinh tế mới nổi.
Phương pháp ước tính chi phí sống một cách thực tế thường được biết đến với cái tên sức mua tương đương (PPP). Đây là cách tốt nhất để so sánh quy mô các nền kinh tế với nhau, hơn là so sánh bằng quy đổi tỷ giá đơn thuần vì tỷ giá thường xuyên biến động. Dùng phương pháp này, số liệu của IMF cho thấy GDP của Mỹ năm 2012 là 16,2 nghìn tỷ USD, của Trung Quốc là 8,2 nghìn tỷ USD.
Còn trong nghiên cứu năm 2005, ICP cho rằng nền kinh tế Trung Quốc gần bằng nửa quy mô của Trung Quốc (tương đương 43%). Bằng phương pháp tính toán mới, và cũng vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh trong những năm qua, tổ chức này cho biết GDP Trung Quốc thực ra đã tương đương 87% nước Mỹ từ năm 2011.
Với dự báo của IMF cho rằng kinh tế cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 24% từ năm 2011 đến 2014 và Mỹ tăng trưởng 7,6%, Trung Quốc nhiều khả năng vượt Mỹ ngay trong năm nay.
Những con số này đã làm một cuộc cách mạng trong bức tranh kinh tế thế giới, tăng cường tầm quan trọng của các quốc gia lớn có mức thu nhập trung bình.
Tương tự, tính lại theo phương pháp mới, Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thay vì thứ 10 như hiện tại. Nga, Brazil, Indonesia và Mexico đều có mặt trong bảng tổng sắp 12 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngược lại, những nước có chi phí sống đắt đỏ những tăng trưởng chậm như Anh, Nhật Bản ngày càng tụt vị trí so với bảng xếp hạng của ICP năm 2005. Italy giữ nguyên vị trí còn Đức thăng hạng.
Kết quả này sẽ khiến người ta càng tranh luận về tầm ảnh hưởng của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Khi nhìn vào sức tiêu thụ thực tế trên mỗi đầu người, báo cáo của ICP nhận thấy có sự tăng trưởng nhanh ở các nước nghèo, khiến khoảng cách giữa nước nghèo và nước giàu co hẹp lại, hay nói cách khác, "thế giới đã trở nên bình đẳng hơn". Mặc dù vậy, các nước giàu vẫn chiếm 50% tổng GDP toàn cầu, trong khi dân số của họ chỉ chiếm 17%.
Một kết quả khác của nghiên cứu cho thấy bốn nước đắt đỏ nhất thế giới là Thụy Sĩ, Nauy, Bermuda và Australia, trong khi bốn nước rẻ nhất là Ai Cập, Pakistan, Myanmar và Ethiopia.