Thu hút học sinh đến thư viện
Theo cô Huỳnh Nguyên Ngọc, nhân viên thư viện Trường THCS Thạnh Phong (Thạch Phú, Bến Tre), lứa tuổi học sinh thường chưa đủ nhận thức để rèn luyện các thói quen tốt. Vì vậy, để tạo thói quen đọc sách cho học sinh cần có sự chuẩn bị từng bước nhỏ.
Với những học sinh vốn yêu thích với sách, có nhu cầu giải trí, nghiên cứu học tập thông qua sách, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm sách theo nhu cầu mà thầy cô làm công tác thư viện cần định hướng và mở rộng các loại sách có liên quan cho các em.
Với học sinh chưa có niềm yêu thích với sách, cần thu hút các em đến thư viện bằng hình thức: Tạo không gian thư giãn tại thư viện, xóa bỏ định kiến vào thư viện thì chỉ có sách; hay đơn giản hơn, thư viện là nơi các em đến ôn bài, ngắm nhìn những bày trí lạ mắt. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động về sách và văn hoá đọc thường xuyên.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thư viện có các nhóm sách phù hợp với lứa tuổi, đa dạng các thể loại nhằm khơi gợi niềm cảm hứng đọc ở học sinh.
“Thói quen đọc sách và văn hóa đọc không thể xây dựng trong vài ngày mà cần có quá trình bồi đắp qua từng bước nhỏ. Trong quá trình này, người lớn chính là tấm gương. Thầy cô đọc sách sẽ là tấm gương để các em noi theo.
Đặc biệt, người làm công tác thư viện nếu là một người có thói quen đọc sách sẽ ý thức được những lợi ích từ việc đọc sách mang lại. Khi đó họ sẽ có đủ tâm huyết cũng như sự sáng tạo vận hành thư viện một cách có hiệu quả”, cô Huỳnh Nguyên Ngọc chia sẻ.
Xây dựng cầu nối thư viện và bạn đọc
Thầy Huỳnh Tấn Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước, Châu Thành, Bến Tre khẳng định: Đọc sách thường xuyên hết sức cần thiết đối với học sinh; giúp các em hình thành thói quen tự học, tự đọc, tự nghiên cứu.
Chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm để nâng cao văn hóa đọc cho nhà trường, thầy Huỳnh Tấn Hoàng nhấn mạnh đầu tiên việc nghiên cứu nhu cầu, hứng thú đọc cho học sinh để xây dựng vốn tài liệu và tổ chức phục vụ học sinh trong nhà trường.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch đọc sách cho học sinh nằm trong kế hoạch của nhà trường và nêu được từng chủ điểm đọc, các sách tương ứng với chủ điểm, thời gian đọc.
Thư viện nhà trường đổi mới và mở rộng các hình thức phục vụ bạn đọc nhằm phát huy tác dụng của sách báo đối với chất lượng giáo dục.
"Trước đây, thư viện Trường THCS Tam Phước chỉ giới thiệu sách qua thông báo trên bảng; nay đã mở rộng giới thiệu trong các buổi sinh hoạt tập thể, các giờ chào cờ đầu tuần. Nhờ đó đã thu hút được rất nhiều giáo viên, học sinh đến mượn sách, báo.
Cán bộ thư viện gợi mở, hướng dẫn bạn đọc tìm sách, phân tích nội dung từng cuốn sách, tạo hứng thú, khơi dậy sự tò mò cho người đọc để giáo viên, học sinh tích cực tìm tài liệu đọc sách báo ở thư viện nhà trường”, thầy Huỳnh Tấn Hoàng cho biết.
Nâng cao kỹ năng đọc của học sinh là một nhiệm vụ của thư viện trường học. Để làm tốt việc này, thầy Huỳnh Tấn Hoàng cho rằng, cần thành lập tổ công tác thư viện, mỗi lớp một học sinh tham gia. Ngoài việc giúp thư viện làm chuyên đề, tổ công tác thư viện còn là cầu nối đắc lực, hiệu quả giữa thư viện và bạn đọc. Các thành viên trong tổ thường đọc trước những cuốn sách với nội dung phù hợp sau đó giới thiệu cho bạn đọc khác. Với hình thức này, lượng sách được luân chuyển kịp thời và tăng nhanh đáng kể.
Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm nay, Trường THCS Tam Phước tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường; đặc biệt đã huy động được sự tham gia của một số phụ huynh học sinh.
Dịp này, nhà trường phát động phong trào tặng sách và đọc sách đến giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh. Các lớp tham gia giới thiệu sách ở tiết sinh hoạt cờ hằng tuần. Tổ chức các buổi đọc sách tại thư viện, hướng dẫn cho học sinh kỹ năng, phương pháp đọc hiệu quả và cách tìm kiếm, thu thập và xử lý thông tin.