Đồng thời, xây dựng các chuyên đề cấp tổ, cấp trường, cấp cụm để cùng trao đổi chuyên môn là nhiệm vụ giáo dục trung học trong năm học; yêu cầu các đơn vị luôn đề cao đổi mới sinh hoạt các tổ/nhóm chuyên môn của các đơn vị, tăng cường đi sâu vào các hoạt động chuyên môn trong các buổi sinh hoạt theo định hướng xây dựng nghiên cứu bài học.
Chia sẻ về những sáng kiến, kinh nghiệm của địa phương trong việc triển khai đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn và sử dụng mạng “Trường học kết nối”, Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Các đợt tập huấn đều cps lãnh đạo Sở, lãnh đạo phòng Giáo dục Trung học trực tiếp tham gia và chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn.
Tham gia các lớp tập huấn phải có hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn tham gia trực tiếp để nắm tinh thần chỉ đạo chung về triển khai cho đơn vị.
Nội dung các lớp tập huấn phải xúc tích, ngắn gọn, dễ hiểu; chủ động cho học viên nghiên cứu, thảo luận trao đổi để nắm được tinh thần chung của nội dung tập huấn; chủ động đổi mới lớp tập huấn trên tinh thần đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học để học viên dễ hiểu rõ trọng tâm của đợt tập huấn.
Các đơn vị chủ động giao cho các tổ chuyên môn xây dựng, lập kế hoạch sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn theo học kỳ, năm học; nghiên cứu nội dung kiến thức và chọn các nội dung phù hợp để thực hiện đổi mới sinh hoạt; duyệt các kế hoạch, giám sát và yêu cầu báo cáo nội dung thực hiện.
Tổ chức các tiết dạy chuyên đề cấp tổ, cấp trường, cấp cụm; sau đó rút kinh nghiệm. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuẩn hay các tiết dạy mẫu mực để rút kinh nghiệm sau một quá trình thực hiện rồi mới triển khai đồng loạt.
Trong học kỳ II năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT cho biết đã tổ chức Hội thi giáo viên THCS dạy giỏi cấp tỉnh, lần đầu tiên áp dụng tiêu chí đánh giá, xếp loại giờ dạy giáo viên theo tinh thần công văn 5555/BGDĐT-GDTrH, điều này bắt buộc giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy trên lớp.
Hiện tất cả các trường trung học, TT GDTX trên toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; tăng cường đổi mới sinh hoạt chuyên môn đi sâu vào nội dung, trao đổi thảo luận dựa trên nghiên cứu bài học.
Mỗi tổ chuyên môn đã tiến hành thử nghiệm 1 tiết dạy minh hoạ. Qua tiết dạy mẫu, các giáo viên đánh giá được khả năng tiếp thu bài học của học sinh, những khó khăn mà học sinh sẽ gặp đối với bài học đó. Từ đó, các giáo viên có sự điều chỉnh phương pháp, lượng kiến thức truyền tải cho học sinh phù hợp hơn.
Còn giáo viên hoài nghi tác dụng đổi mới SHCM theo nghiên cứu bài học
Đó là một tồn tại, hạn chế được Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra trong việc triển khai đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn. Theo Sở này, một số giáo viên chưa quan tâm nhiều đến nội dung này nên hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, một số giáo viên lớn tuổi nên không bắt kịp với những thay đổi hiện tại, từ đó dẫn đến chậm thay đổi trong chuyên môn, vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống.
Vẫn còn giáo viên hoài nghi về tác dụng thực sự của đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa theo nghiên cứu bài học. Giáo viên dạy tiết minh hoạ như là diễn tập và không để ý đến những khó khăn trong quá trình lĩnh hội kiến thức của học sinh.
Với kết cấu phòng học như hiện tại thì không thể bố trí vị trí của các giáo viên tham gia dự giờ tiết minh hoạ. Nếu ngồi trước và quan sát học sinh thì học sinh sẽ không tự nhiên khi phát biểu và tham gia nội dung bài học.
Một số giáo viên chưa thực sự hợp tác cùng nhau xây dựng kế hoạch bài học, trong các góp ý xây dựng còn hạn chế.
Để tăng cường hiệu quả đổi mới sinh hoạt chuyên môn, Sở GD&ĐT đề nghị tài liệu tập huấn cần được biên soạn thực tiễn dạy học hơn, đi sâu vào trọng tâm, cung cấp sớm cho các đợt tập huấn và tham khảo.
Tăng cường nguồn học liệu về đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học phù hợp với từng cấp học. Tăng cường kết nối thông tin giữa các địa phương trong công tác bồi dưỡng, tập huấn.
Tổ chức hội thảo đi sâu vào chuyên môn đối với những đổi mới trong giáo dục, lấy ý kiến rộng rãi trong đội ngũ giáo viên để nội dung các lớp tập huấn được đa dạng, thiết thực với thực tế hơn.