Kinh nghiệm tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong môn Vật lí

GD&TĐ - Hoạt động trải nghiệm trong nhà trường trung học được hiểu là hoạt động có động cơ, có đối tượng để chiếm lĩnh, được tổ chức bằng các việc làm cụ thể của học sinh (HS), được thực hiện trong thực tế, được sự định hướng, hướng dẫn của nhà trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối tượng để trải nghiệm nằm trong thực tiễn. Qua trải nghiệm thực tiễn, người học có được kiến thức, kĩ năng, tình cảm và ý chí nhất định. Sự sáng tạo sẽ có được khi phải giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn phải vận dụng kiến thức, kĩ năng đã có để giải quyết vấn đề, ứng dụng trong tình huống mới, không theo chuẩn đã có.

Để giúp các thầy cô giáo vận dụng xây dựng chủ đề bài học gắn với các hoạt động trải nghiệm cho HS, chúng tôi xin chia sẻ một số lưu ý sau đây:

1. Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học chủ đề

Dựa trên các bước tổ chức hoạt động trải nghiệm đã đưa ra, dựa vào đặc điểm dạy học môn Vật lí theo chủ đề ở trường phổ thông, các bước tổ chức để HS có những trải nghiệm được trình bày dưới đây.

Tham gia và suy ngẫm sự kiện mở đầu, phát hiện vấn đề

HS tham gia vào các tình huống học tập do GV xây dựng: Giải bài tập mở đầu, mô tả các sự kiện trong đời sống có liên quan, tham gia trò chơi, làm thí nghiệm, quan sát và đánh giá về một sự kiện vật lí…Để từ đó phát hiện được vấn đề nghiên cứu và diễn đạt được vấn đề bằng câu hỏi hay một bài toán có đủ thông tin.

Xử lí thông tin

Thu thập thông tin: Từ vấn đề đã xác định, HS thảo luận để đi đến xác định các từ khóa để tìm kiếm thông tin. Phân công các thành viên tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau: Sách, báo, Internet, người lớn hơn…

Sắp xếp thông tin: HS trình bày và thảo luận để lựa chọn được các thông tin có ý nghĩa với chủ đề và sắp xếp chúng thành một hệ thống sử dụng được.

Thực hiện các nghiên cứu: Đề xuất, thảo luận các ý tưởng, để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tiếp theo như:

- Đề ra một dự đoán (một giả thuyết) cho sự kiện, hiện tượng trong chủ đề

- Lựa chọn một giải pháp hoặc cách lí giải hợp lí để thực hiện nhiệm vụ bằng con đường khảo sát thực nghiệm, suy luận lí thuyết, tìm kiếm lời giải thích trên Internet

- Thống nhất một mô hình hợp lí cho việc thực hiện nhiệm vụ

Thực hiện các ý tưởng

- Xây dựng phương án thí nghiệm; chế tạo dụng cụ thí nghiệm, tiến hành lắp ráp và thực hiện thí nghiệm, thu thập và phân tích các số liệu để rút ra các kết luận

- Thực hiện giải pháp và theo quá trình đó, đánh giá xác nhận tính hợp lí của giải pháp

- Xây dựng mô hình (hình vẽ, biểu trưng trừu tượng, vật chất chức năng…), vận hành mô hình để đánh giá tính hợp thức của nó trong lí luận và thực tiễn. Từ đó kết luận về tính hợp thức của mô hình.

Xây dựng sản phẩm hoạt động

Từ các thông tin và kết quả nghiên cứu đạt được, cần xây dựng một sản phẩm để giới thiệu về kết quả hoạt động của nhóm. Theo sự định hướng của GV, các HS xây dựng sản phẩm nhóm để báo cáo, trao đổi và thảo luận. Sản phẩm để báo cáo có thể là: Báo tường, tập san ảnh, Poster, sơ đồ tư duy, tờ rơi, video clip, báo cáo Power Point, vở kịch sân khấu, xây dựng thí nghiệm, giới thiệu và biểu diễn thí nghiệm, đóng vai…

Báo cáo sản phẩm, trao đổi, thảo luận

Từng nhóm báo cáo sản phẩm của nhóm đã xây dựng trước cả lớp; trao đổi để làm rõ các nội dung trong báo cáo hoặc chỉ ra những chỗ sai sót cần điều chỉnh; chia sẻ những điều tâm đắc…

Đánh giá hoạt động: Đánh giá quá trình hoặc kết quả tùy theo thiết kế của GV.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

2. Đánh giá hoạt động trải nghiệm

GV tổ chức, đặt mục tiêu cho các hoạt động và đánh giá kết quả học tập, hoạt động của HS. Việc đánh hoạt động trải nghiệm sáng tạo chủ yếu thông qua quan sát hành vi, thái độ và sản phẩm học tập của HS.

Đánh giá kết quả hoạt động học tập của HS được thể hiện ở hai cấp độ đánh giá cá nhân và đánh giá tập thể lớp. Vì vậy, nội dung đánh giá phải thiết thực, có tiêu chí đánh giá rõ ràng thì việc đánh giá mới có tác động tích cực tới HS.

Nội dung đánh giá cá nhân

Đánh giá HS qua hoạt động trải nghiệm xét cho cùng chính là sự xem xét mức độ đã hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Căn cứ vào mục tiêu hoạt động trải nghiệm ở trường phổ thông, nội dung đánh giá HS (cá nhân và tập thể HS) bao gồm những điểm sau đây:

- Đánh giá mức độ hiểu biết của các HS về nội dung các hoạt động trải nghiệm

Muốn đạt được những kĩ năng hoạt động, muốn có thái độ tích cực trong hoạt động thì trước hết phải có sự hiểu biết đầy đủ về hoạt động này hay nói cách khác phải có trí thức về hoạt động. Vì vậy, nội dung đầu tiên của đánh giá HS qua hoạt động chính là đánh giá những hiểu biết của các em về hoạt động đó. Những hiểu biết này được truyền tải tới HS bằng nhiều con đường khác nhau, nhiều cách thức khác nhau. Có thể bằng con đường học tập văn hóa; hoặc bằng hoạt động tự sưu tầm, tìm hiểu của HS; hay có thể thông qua những thông tin thu được từ hoạt động truyền thông đại chúng… Mỗi con đường, mỗi cách thức có ưu thế riêng của mình. Song tất cả đều nhằm mục đích giúp HS nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

- Đánh giá trình độ đạt được các kĩ năng khi tham gia hoạt động trải nghiệm

Khi nói về kỹ năng hoạt động, người ta thường đề cập tới kĩ năng bộ phận như: kỹ năng giao tiếp trong hoạt động, kỹ năng đánh giá kết quả hoạt động, trong đó giao tiếp được xem là kỹ năng xuyên suốt trong các kỹ năng bộ phận.

Đối với cá nhân HS, khi đánh giá trình độ đạt được về kĩ năng hoạt động, cần chú ý tới các kỹ năng: thực hiện hoạt động (bao gồm: nhận nhiệm vụ, thực thi nhiệm vụ được giao, tự điều chỉnh bản thân trong quá trình thực hiện); kỹ năng tự đánh giá kết quả đạt được cả về mặt nhận thức, thái độ và hành vi; kỹ năng giao tiếp… Mỗi HS, tùy thuộc vào đặc điểm cá nhân mà hình thành và phát triển hệ thống các kỹ năng hoạt động tương ứng.

- Đánh giá về thái độ, tình cảm của HS đối với hoạt động trải nghiệm

Nội dung của đánh giá này xem xét sự hứng thú, khuynh hướng, nhu cầu đối với hoạt động, tâm lý sẵn sàng tham gia hoạt động một cách chủ động và sáng tạo, thái độ tôn trọng lẫn nhau, cùng giúp đỡ nhau trong hoạt động và niềm tin vào những kết quả đạt được sau hoạt động.

Tuy rất khó để đánh giá thái độ và tình cảm, còn nếu biết đưa ra những tiêu chí cụ thể, phù hợp lứa tuổi thì có thể đánh giá được kết quả đánh giá tích cực.

Nội dung đánh giá tập thể lớp

Đánh giá kết quả hoạt động của tập thể lớp trên các phương diện: Số lượng HS tham gia hoạt động; Các sản phẩm hoạt động; ý thức cộng đồng trách nhiệm; tinh thần hợp tác trong hoạt động (phối hợp giữa các HS với nhau, phối hợp giữa các nhóm HS với nhau); kỹ năng hợp tác của HS trong hoạt động. Điều này rất quan trọng để góp phần hình thành một trong bốn trụ cột của giáo dục thể kỷ XXI là “ Học để cùng chung sống”.

Các hình thức đánh giá

Để đánh giá được khả năng tham gia hoạt động của HS cần căn cứ vào mục tiêu, nội dung của hoạt động, thời gian dành cho hoạt động, có thể tiến hành nhiều hình thức và phương pháp đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, dù tiến hành dưới hình thức và phương pháp đánh giá nào cũng đều phải tính đến sự phù hợp với mục tiêu đánh giá. Bởi vì mục tiêu đánh giá là đầu ra cụ thể phản ánh mức độ đạt được của HS trong hoạt động.

Chính vì vậy, hình thức và phương pháp đánh giá phải thích hợp cho mỗi đầu ra cụ thể đó. Do vậy, có thể nói, hình thức và phương pháp đánh giá HS qua hoạt động trải nghiệm phải mang tính đa dạng, và phải phù hợp với đặc điểm HS của mình. Dưới đây là một số hình thức và phương pháp đánh giá phổ biến hiện nay: Đánh giá bằng quan sát; đánh giá bằng phiếu tự đánh giá; đánh giá bằng phiếu hỏi; đánh giá qua bài viết; đánh giá qua sản phẩm hoạt động; đánh giá bằng điểm số; đánh giá qua tọa đàm, trao đổi ý kiến và nhận xét; đánh giá qua bài tập và trình diễn; đánh giá của GV chủ nhiệm và các lực lượng khác.

Quy trình đánh giá

Quy trình đánh giá HS qua hoạt động trải nghiệm được thể hiện ở ba bước:

Bước 1: Cá nhân tự đánh giá

Căn cứ vào tiêu chí đánh giá ở từng mức độ đánh giá đã được trình bày ở trên, cá nhân HS tự đánh giá xếp loại bản thân, tự đánh giá xếp loại của HS biểu hiện mức độ tự nhìn nhận, tự ý thức của các em. Trong tự đánh giá, HS phải nêu được nhận thức của mình về nội dung hoạt động, những kỹ năng mà em đã rèn luyện được và sự hứng thú đối với hoạt động. Từ đó, HS tự xếp vào loại mà bản thân cho là hợp lý nhất. Tự xếp loại chính xác sẽ giúp các em tự tin khẳng định mình hơn, từ đó có quyết tâm cao hơn trong việc tham gia vào hoạt động của tập thể.

Trong tự đánh giá, điều khó khăn đối với HS là việc tự xác định đúng khả năng của mình trong hoạt động. Khả năng thể hiện ở sự hiểu biết vấn đề, nắm bắt thông tin và bổ sung thêm cho vốn tri thức của mình; đồng thời khả năng cũng bộc lộ ở các kỹ năng giao tiếp trong hoạt động, kỹ năng giải quyết vấn đề của HS.

GV cần hướng dẫn tự đánh giá để HS thực hiện bước này có hiệu quả hơn. Từ đó, đánh giá của tập thể HS sẽ có sở sở để thực hiện.

Bước 2: Nhóm HS đánh giá

Thông thường, nhóm HS là đơn vị cơ bản để đánh giá xếp loại cá nhân trên cơ sở tự đánh giá của từng em và góp ý của các thành viên trong nhóm.

Căn cứ vào tiêu chí đánh giá của các mức độ xếp loại ở trên, dựa vào tự đánh giá của từng em và góp ý của các thành viên trong tổ.

Căn cứ vào tiêu chí đánh giá của các mức độ xếp loại ở trên, dựa vào tự đánh giá của cá nhân, các thành viên trong tổ nhận xét, bổ sung thêm thông tin nhằm khẳng định mức độ đạt được của từng HS trong nhóm mình.

Điều rất quan trọng ở bước này là người chủ trì điều khiển đánh giá của nhóm phải chủ động, dẫn dắt để HS trong lớp đánh giá được chính xác và khách quan hơn.

Bước 3: GV đánh giá xếp loại

Từ kết quả đánh giá HS, GV xem xét, phân loại và đi đến quyết định xếp loại cho từng HS trong lớp. Trong quá trình này, GV cần tham khảo, trao đổi thêm về những trường hợp cụ thể, cần thiết. Điều đó rất có tác dụng trong việc phát huy tính dân chủ ở HS, đồng thời tập dượt cho các em kỹ năng trao đổi một cách trung thực và thẳng thắn.

Tiêu chí đánh giá

Đánh giá HS trong hoạt động trải nghiệm cần căn cứ vào mục tiêu đã được xác định về kiến thức, thái độ kỹ năng đã được xác định. Cần lưu ý các khía cạnh đánh giá có tính chất đặc thù đó là sự trải nghiệm và sáng tạo của HS.

Các tiêu chí đánh giá trải nghiệm

- HS được trực tiếp tham gia vào các loại hình hoạt động trải nghiệm, không phải là chỉ thụ động ngồi nghe giảng hay quan sát các bạn HS khác thực hiện hoạt động

- HS được trải nghiệm tất cả các giác quan: mắt – nhìn, tai – nghe, mũi – ngửi, trải nghiệm bằng xúc giác, được hoạt động bằng đôi tay, cầm nắm và cảm nhận; được di chuyển trên đôi chân. Đặc biệt là trải nghiệm cảm xúc khi tham gia các hoạt động: vui, buồn, lo lắng, an tâm, hạnh phúc, băn khoăn...

- HS được hoạt động, tương tác trực tiếp với đối tượng hoạt động

- HS được trải nghiệm cả trên lớp và hoạt động thực tiễn bên ngoài phạm vi lớp học...

Các tiêu chí đánh giá sự sáng tạo của HS

- Tính độc đáo: sản phẩm của HS (những câu trả lời, những vật dụng, đồ dùng) thể hiện tính chất hiếm, lạ (chưa từng xuất hiện bao giờ đối với cá nhân HS, hoặc hãn hữu xuất hiện và quá khan hiếm đối với cá nhân HS cũng như tập thể) về ý nghĩa, chức năng sử dụng, tính chất, hoặc vai trò và vị trí của nó trong hoàn cảnh vấn đề đặt ra.

- Tính thành thục: số lượng ý tưởng, hoặc ý kiến, hoặc phương án được đưa ra với mỗi nhiệm vụ mà HS thực hiễn khi tham gia hoạt động học tập cụ thể.

- Tính mềm dẻo: số lượng các ý tưởng, các giải pháp, các phương án trả lời và các thuộc tính được phát hiện của sự vật hiện tượng.

- Tính mới mẻ: sản phẩm của HS (câu trả lời, những vật dụng, đồ dùng) thể hiện tính chất không quen thuộc về ý nghĩa, chức năng sử dụng, tính chất, hoặc vị trí và vai trò của nó trong hoàn cảnh vấn đề được đặt ra.

- Tính hiệu quả: số lượng ý tưởng, phương án, sản phẩm được ghi nhận.

Trên đây là một số kinh nghiệm tổ chức hoạt động học môn vật lí thông qua việc thiết kế tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh trung học. Chúng tôi thiết nghĩ để hoạt động có hiệu quả cần có sự hỗ trợ, góp ý của tổ/nhóm chuyên môn, sự khích lệ và ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường. GV cần rà soát thật kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và học liệu cho bài học cũng như phải tính đến bảo đảm an toàn cho GV và HS nếu phải đưa các em hoạt động ngoài lớp học, nhất là các bài học gắn với bảo vệ môi trường, gắn với sản xuất kinh doanh, dịch vụ và thực tiễn của địa phương. Có như vậy thì các hoạt động trải nghiệm mới thực sự hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.