Kinh nghiệm tiến hành bài học Lịch sử tại nơi có di sản

GD&TĐ - Tiến hành học tại di sản là phương thức thực hiện dạy học gắn với đời sống, có tác dụng nâng cao hiểu biết về kiến thức môn học, về văn hóa, giáo dục, lòng yêu quê hương, đất nước, óc thẩm mĩ cho học sinh.

Kinh nghiệm tiến hành bài học Lịch sử tại nơi có di sản

Bài học tại di sản cũng phải tuân theo đầy đủ yêu cầu của một bài học nội khóa đồng thời cũng phải thực hiện các yêu cầu của bài dạy tại thực địa.

Yêu cầu tiến hành bài học tại di sản

Việc chuẩn bị tiến hành bài học tại di sản phải được thực hiện chu đáo, kĩ lưỡng cả đối với GV và HS.

Một là, chọn địa điểm thích hợp với mục tiêu, nội dung, số tiết học và điều kiện tiến hành. Nếu ở địa phương trường đóng hoặc các vùng lân cận có di sản liên quan đến những sự kiện lớn được ghi trong chương trình môn học thì cố gắng tiến hành bài học tại di sản.

Ở những địa phương không có di sản liên quan đến kiến thức trong chương trình thì tổ chức dạy học tại di sản những bài học về địa phương (lịch sử địa phương, địa lí địa phương, âm nhạc dân gian ở địa phương…)

Hai là, phải lập kế hoạch cụ thể về công tác chuẩn bị và tiến hành bài học, đi khảo sát thực địa, liên hệ với cơ quan quản lí di sản. Sau khi đã lựa chon được vấn đề dạy học và di sản phù hợp, GV phải xây dựng được kế hoạch chuẩn bị và tiến hành bài học tại nơi có di sản một cách chi tiết cho từng nội dung công việc, thời gian thực hiện, lực lượng phối hợp, phương tiện thiết bị hỗ trợ.

Ba là, GV phải chuẩn bị trước cho HS về tư tưởng và kiến thức chuyên môn như mục đích, yêu cầu của bài học và nội dung kiến thức cơ bản cần tìm hiểu trước ở nhà, thông báo sơ qua về địa điểm có di sản, sự kiện, nội dung kiến thức liên quan đến di sản, yêu cầu các em sưu tầm thêm tài liệu có liên quan; chuẩn bị đồ dùng trực quan, phương tiện dạy học cần thiết; phổ biến nội quy học tập thực địa. Ngoài ra GV còn phải nhắc nhở HS về việc đảm bảo phương tiện đi lại, an toàn giao thông, giờ giấc, vật dụng che mưa, nắng…

Nội dung bài học tại di sản phải đảm bảo tính chính xác, bám sát nội dung kiến thức mà di sản phản ánh và giải quyết những vấn đề cơ bản nhất được phản ánh qua các chứng tích, hiện vật tại di sản. Nội dung bài học tại di sản là kiến thức cơ bản được quy định trong chương trình của lớp học, cấp học nhưng phải lựa chọn những kiến thức phù hợp với di sản.

GV phải xác định được mối quan hệ giữa nội dung bài giảng với các chứng tích hiện vật tại di sản, xem các chứng tích hiện vật tại di sản là nguồn kiến thức chủ yếu của bài học hoặc ít ra cũng có tác dụng dẫn chứng, minh họa cho một nội dung của bài học.

GV không cần và cũng không thể giới thiệu toàn bộ di sản hoặc toàn bộ bài học mà chỉ lựa chọn những kiến thức được minh chứng rõ ràng qua di vật của di sản. Điều quan trọng là nguồn kiến thức từ di sản phải làm sáng tỏ nội dung kiến thức trọng tâm của bài.

Ngoài việc lựa chọn nội dung kiến thức được qui định trong chương trình của lớp học, cấp học phù hợp với di sản, bài giảng tại đây cần được bổ sung nguồn tài liệu địa phương để làm sinh động, cụ thể hóa nội dung bài học.

Qua đó khôi phục bức tranh quá khứ đã diễn ra tại di sản một cách sống động chân thực nhất. Nguồn tài liệu địa phương được sử dụng phải đảm bảo độ chính xác tin cậy.

Cần tuân thủ các nguyên tắc về phương pháp dạy học

Đối với bài học trong SGK, bài giảng tại di sản cần được bổ sung các tài liệu địa phương phù hợp bằng cách vừa giảng vừa kết hợp tổ chức cho học sinh quan sát tìm hiểu hiện vật, chứng tích thực địa có liên quan đến bài học.

Hoặc sau khi giảng dạy xong nội dung của bài học, GV tổ chức cho HS quan sát, tìm hiểu về các tài liệu, hiện vật liên quan đến bài, bổ sung tài liệu về địa phương, tài liệu về di sản làm sinh động sâu sắc hơn nội dung bài giảng là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên GV cần đảm bảo nội dung chương trình, tránh quá tải với HS hoặc ôm đồm kiến thức lịch sử địa phương.

Đối với bài học về các nội dung địa phương: nội dung bài giảng tại di sản có thể do GV thiết kế theo tài liệu hướng dẫn của Sở GD&ĐT, hoặc do GV tự biên soạn. Trong đó, cần tuân thủ các nguyên tắc về phương pháp dạy học:

Chọn những kiến thức cơ bản, tiêu biểu của địa phương tương ứng với một nội dung kiến thức của bài học trong chương trình SGK chung làm nội dung cho các tiết học về địa phương.

Việc học lịch sử địa phương mang tính chất tổng hợp toàn diện, không phải là dạy chuyên đề về một lĩnh vực nào đó.

Nguồn tài liệu chủ yếu để biên soạn nội dung về lịch sử địa phương ngoài những tài liệu do GV và HS thu thập, xác minh cần dựa vào các bài viết, công trình của những cơ quan có trách nhiệm như Sở văn hóa Thông tin, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy… Bài học về địa phương do GV tự biên soạn cần tranh thủ ý kiến góp ý của các cơ quan có trách nhiệm ở trường và địa phương.

Kết hợp phương pháp dạy học linh hoạt

Bài học tại địa điểm có di sản phải phát triển được các hoạt động nhận thức tích cực, phải độc lập quan sát đặc biệt là tư duy độc lập của HS.

Tổ chức dạy học tại thực địa nơi có di sản, GV phải kết hợp phương pháp dạy học linh hoạt để khơi dạy sự tò mò kích thích hứng thú, phát triển óc quan sát của HS khi tiếp xúc với dấu vết hay hiện vật tại di sản, tránh làm cho HS mệt mỏi phân tán sự chú ý sang nội dung xa bài học.

Nên vận dụng kiểu dạy học nêu vấn đề kết hợp với trao đổi, đàm thoại, trực quan tổ chức hoạt động học tập một cách đa dạng (toàn lớp, nhóm, cá nhân)

Bài học tại di sản phải giúp HS có cái nhìn“ trực quan sinh động” về các chứng tích, hiện vật, phản ánh các kiến thức của môn học mà các em đang tìm hiểu.

Những dấu vết, hiện vật tại di sản không chỉ là nguồn kiến thức mà còn là những phương tiện trực quan vô giá giúp HS có biểu tượng chân thực, sinh động về các sự kiện, địa danh, hiện tượng, từ đó hình thành khái niệm một cách vững chắc.

Mặt khác, việc được quan sát trực tiếp lại dấu vết, hiện tượng tại di sản sẽ tạo cho HS xúc cảm đặc biệt qua đó tác động sâu sắc đến tư tưởng tình cảm và hành vi của các em. Đây là ưu thế vượt trội qua bài học tại nơi có di sản so với bài học trên lớp.

Vì vậy với bài học tiến hành tại nơi có di sản, GV phải chú ý phát triển óc quan sát của HS, khai thác tối đa khả năng cung cấp thông tin qua những dấu vết, hiện vật quan trọng phản ánh kiến thức cơ bản, tránh tình trạng cho HS quan sát tràn lan làm loãng nội dung cần nghiên cứu của bài học.

Khi hướng dẫn HS quan sát phải giúp HS tìm ra mối liên hệ bên trong, làm sáng tỏ nội dung kiến thức mà các chứng tích hiện vật phản ánh.

Các bước tiến hành bài học tại di sản

Có thể tiến hành với 2 loại bài học: Bài nghiên cứu kiến thức mới, bài học ôn tập, sơ kết, tổng kết.

Nếu có điều kiện kết hợp với Ban quản lí di sản thì có thể tiến hành bài học nghiên cứu kiến thức mới như sau:

GV giới thiệu những nét cơ bản về nội dung kiến thức có liên quan đến di sản. Một cán bộ địa phương (cán bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách văn hóa, hay người đã tham gia, chứng kiến) trình bày cụ thể về nội dung, kiến thức bào học liên quan đến di sản.

GV chốt lại những vấn đề chủ yếu trong chương trình học liên quan đến di sản. Cho HS tham quan tư do; sau đó, viết bài thu hoạch.

Nếu bài học học do GV đảm nhiệm, có thể tiến hành theo 2 cách:

Thứ nhất: GV tiến hành dậy học bình thường như trên lớp tại một phòng riêng nơi có di sản (nếu có), sau đó hướng dẫn HS tham quan những dấu vết, chứng tích, hiện vật có liên quan đến bài học.

Tiến hành bài học nghiên cứu kiến thức mới tại di sản bằng cách này tương đối đơn giản, dễ thực hiện; có tác dụng cụ thể hóa, củng cố, khắc sâu kiến thức cho HS.

Thứ hai: GV tiến hành bài học ngay tại phòng trưng bày (nếu có) hoặc nơi có chứng tích, hiện vật, di sản trở thành đồ dùng trực quan.

Cần lưu ý: Kết hợp việc huy động kiến thức cũ, kiến thức mới đã chuẩn bị trước của HS với trao đổi để tìm hiểu nhanh các kiến thức của bài học ít hay không được phản ánh bới các chứng tích, hiện vật, di sản…

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc hướng dẫn HS quan sát di sản với trao đổi, thảo luận để làm rõ kiến thức trọng tâm của bài học. Sử dụng đồ dùng trực quan kết hợp với các chứng tích, hiện vật tại di sản.

Kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lí giữa việc hướng dẫn HS chứng tích, hiện vật tại di sản với việc trình bày có hình ảnh sinh động của GV.

Nếu bài học tại thực địa di sản là một vấn đề chung về đất nước, dân tộc có trong SGK thì cần gắn nội dung bài học với thực tế địa phương.

Kết thúc bài học, GV có thể dựa vào những dấu vết, hiện vật tại di sản để kiểm tra hoạt động nhận thức của HS. HS báo cáo kết quả đồng thời kết hợp tổ chức một số hoạt động ngoại khóa thích hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.