Kinh nghiệm phổ cập bơi cho học sinh nơi miền sông nước

GD&TĐ - Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những kinh nghiệm từ gia đình, nhà trường và xã hội để trẻ em tiếp cận với kỹ năng bơi lội trong mùa mưa lũ.

Dạy bơi trong trường học dù còn nhiều khó khăn nhưng đã góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước cho học sinh.
Dạy bơi trong trường học dù còn nhiều khó khăn nhưng đã góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước cho học sinh.

Tăng cường phổ cập bơi trong nhà trường

Tại Đồng bằng sông Cửu Long do đặc điểm sông ngòi chằng chịt nên thường xuyên xảy ra tình trạng trẻ bị đuối nước. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 7 trường hợp trẻ đuối nước; năm 2021 tỉnh xảy ra 18 trường hợp trẻ em đuối nước. Tỉnh Tiền Giang từ năm 2021 đến nay có 13 trẻ đuối nước. Còn tỉnh An Giang, năm 2021 có 12 trường hợp và quý I năm 2022 có 4 trường hợp trẻ đuối nước…

Trước những tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng nhiều trẻ em, trong đó có học sinh, các địa phương tăng cường phổ cập bơi. Trong đó, xác định giải pháp hữu hiệu nhất là dạy bơi cho học sinh, đồng thời giúp các em có được kỹ năng an toàn khi sống ở vùng sông nước. Một thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh lo ngại chính là trẻ sống ở vùng sông nước nhưng lại không biết bơi.

Chị Đăng Bích Ngọc, phụ huynh ngụ quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), chia sẻ: “Hiện nay, nhiều trẻ em còn kém về kỹ năng an toàn trong phòng, chống đuối nước. Đa số trẻ em chưa được dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường sống, an toàn trong môi trường dưới nước, cách xử lý tình huống khi rơi ngã dưới nước. Chính vì vậy, khi sự việc xảy ra, các em bị lúng túng, không biết cách xử trí”.

Đặc thù địa phương vùng sông nước, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp chú trọng thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tai nạn đuối nước cho học sinh. Ban giám hiệu các trường phối hợp với các đơn vị liên quan vận động, khuyến khích học sinh tham gia các chương trình phổ cập bơi. Kết nối với phụ huynh tạo điều kiện để học sinh tham gia các lớp bơi lội do trường tổ chức hoặc phụ huynh tự tập bơi cho các em.

Tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) trong năm 2022 sẽ mở 89 lớp phổ cập bơi cho 2.225 trẻ trong độ tuổi từ 7 - 15; tổ chức hội thi bơi cho các em cấp thành phố. 100% các trường đã có hồ bơi đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy ngoại khóa và chính khóa cho học sinh. Các trường tiểu học, THCS có hồ bơi thực hiện chương trình phổ cập bơi cho học sinh trong năm bảo đảm tỷ lệ học sinh biết bơi của trường đạt 80% trở lên.

Tại ngôi trường vùng sâu, vùng xa - Trường Tiểu học Phú Thuận A1 (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), công tác phổ cập bơi cho học sinh được đặc biệt chú trọng. Theo cô Phan Thị Tú Trinh, hằng năm ở nước ta có rất nhiều vụ chết đuối thương tâm, đặc biệt là đối với các em học sinh lứa tuổi mầm non, tiểu học. Nhất là mùa hè, nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt là hoạt động bơi lội của trẻ em tăng cao do thời tiết nóng nực. Tuy nhiên, cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm luôn rình rập tính mạng của trẻ em.

Theo cô Trinh, vấn đề bức thiết hiện nay là cần triển khai mạnh mẽ chương trình phổ cập môn bơi lội trong nhà trường. Chính vì vậy, công tác phổ cập bơi được các ban, ngành ở địa phương và nhà trường quan tâm. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho học sinh của trường năm 2022 bắt đầu từ ngày 18/4 - 7/5/2022. Qua đó góp phần giáo dục kỹ năng sống, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe nhất là trong dịp hè.

Ngoài ra, nhà trường cũng tuyên truyền đến các bậc phụ huynh và các em học sinh tham gia học bơi tại bể bơi của trường. Chương trình đã thu hút nhiều phụ huynh đăng ký cho con em tham gia học bơi để phòng tránh rủi ro khi xuống nước. Các em học sinh tham gia chương trình còn được giáo viên hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về bơi, cách xử lý các tình huống nguy hiểm khi ở dưới nước, học kỹ thuật bơi…

Lớp phổ cập bơi cho học sinh vùng biên giới huyện Tân Hồng (Đồng Tháp).
Lớp phổ cập bơi cho học sinh vùng biên giới huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). 

Kéo giảm tỷ lệ trẻ đuối nước

Để kéo giảm tỷ lệ trẻ đuối nước, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 - 2025. Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ mở ít nhất 4.000 lớp, dạy cho ít nhất 100.000 trẻ em biết bơi, có kỹ năng an toàn trong môi trường nước (800 lớp mỗi năm). Huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em từ 7 - 15 tuổi (học sinh cấp tiểu học và THCS). Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị đuối nước, phấn đấu giảm tối đa tình trạng trẻ em bị đuối nước hằng năm.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phổ cập bơi, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 - 2025. Nhằm trang bị cho các em kiến thức cơ bản về an toàn nước, kỹ năng cơ bản của môn bơi, bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị đuối nước trong toàn tỉnh.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh sẽ có hơn 90% học sinh lớp 5; 80% học sinh lớp 4; 50% học sinh các khối lớp tiểu học; 95% học sinh lớp 6 và 95% học sinh các khối lớp còn lại biết bơi. Hơn 70% số trẻ em lứa tuổi tiểu học và 80% số trẻ em lứa tuổi THCS có kỹ năng an toàn trong môi trường nước và có kỹ năng tự cứu đuối… Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai và lồng ghép chủ trương, hướng dẫn của Trung ương và địa phương vào giảng dạy tự chọn bơi và cứu đuối, phổ cập bơi trong trường học.

Chia sẻ của cán bộ quản lý và giáo viên, từ những vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc xảy ra vừa qua, trách nhiệm không riêng của bất kỳ ngành nào, mà là của toàn xã hội. Điểm chung của những vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em là sự chủ quan, thiếu quan tâm, giám sát của người lớn và gia đình, để trẻ tự do vui chơi tại các khu vực nguy hiểm (sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch).

Ngoài ra, môi trường sống xung quanh cũng luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm gây tai nạn đuối nước cho trẻ. Tại một số công trình xây dựng thủy lợi và những vùng ao, hồ, sông, rạch nguy hiểm chưa có rào chắn hay gắn biển cảnh báo, biển cấm kịp thời… Giải pháp để ngăn chặn triệt để thực trạng trên cũng là việc làm cấp bách hiện nay phải bắt đầu từ gốc - gia đình và nhà trường. Nếu các em được phổ cập bơi thường xuyên, có sự quan tâm của gia đình thì chắc chắn sẽ không còn xảy ra những vụ đuối nước thương tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ