Kinh nghiệm khi soạn giáo án: Cung cấp những gì người học cần

GD&TĐ - Cô Lã Thị Hè, giáo viên Lịch sử và Địa lí, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng giáo án bảo đảm yêu cầu.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Cung cấp nội dung người học cần

Lưu ý đầu tiên được cô Lã Thị Hè chia sẻ là xác định căn cứ để xây dựng giáo án dựa trên kế hoạch giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc điểm về tiết học - nội dung của từng bài học và đặc biệt là khả năng tiếp thu kiến thức kỹ năng của học sinh.

Cùng với đó, khi soạn giáo án, giáo viên cần có những kỹ năng nhất định như: Xác định mục tiêu, lựa chọn nội dung bài học, lựa chọn phương pháp dạy học…

Với việc xác định mục tiêu, giáo viên phải khẳng định được những kỹ năng người học cần đạt sau bài học. Những kỹ năng đó phù hợp với trình độ của học sinh và được biểu đạt bằng những từ chỉ hành động cụ thể, ví dụ: Trình bày, phân tích, giải thích, mô tả,…

Dẫn nhập để tạo tâm thế tích cực cho người học là một phần việc quan trọng. Nhấn mạnh điều này, cô Lã Thị Hè cho rằng, giáo viên có thể giới thiệu một hình ảnh, kể câu chuyện, nêu một vấn đề cần giải quyết… Không nên lúc nào cũng rập khuôn bằng một câu chuyển giảng. Bởi nếu người học không cảm thấy hứng thú, giờ học sẽ không hiệu quả.

Khi thể hiện phần dẫn nhập trong giáo án, giáo viên chỉ cần nêu tên hoạt động, không cần thiết phải thể hiện chi tiết câu chuyện, vấn đề mình dự định sẽ nói.

Với việc lựa chọn nội dung bài học, cô Lã Thị Hè lưu ý, giáo viên cần tránh nhầm lẫn với nội dung chương trình. Chỉ nên đưa vào giáo án những nội dung cần thiết, phù hợp đối tượng học.

“Chỉ cung cấp những gì người học cần chứ không phải những gì chúng ta có. Ngay cả trong phân phối chương trình cũng rất linh hoạt, cho phép giáo viên lựa chọn nội dung giảng dạy phù hợp với đặc điểm vùng miền” - cô Lã Thị Hè nhấn mạnh.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

5 bước thiết kế hoạt động dạy-học

Thiết kế hoạt động dạy học là một công việc cần sự đầu tư kỹ lưỡng của giáo viên. Đây là phần trọng tâm, thể hiện toàn bộ kịch bản của giờ dạy. Những phương pháp nào cần phải vận dụng, những tình huống học tập nào cần đưa vào bài… được thể hiện ở phần này.

Để thiết kế hoạt động dạy - học cho giờ học, cô Lã Thị Hè chia sẻ quy trình 5 bước:

Bước 1: Phân tích nội dung học tập.

Bước 2: Phân tích kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm hiện có của người học.

Bước 3: Xây dựng tình huống học tập.

Bước 4: Thiết kế hoạt động của người học.

Bước 5: Thiết kế hoạt động tổ chức và hướng dẫn.

Khi thể hiện trong giáo án, giáo viên nêu cụ thể cách thức triển khai hoạt động cụ thể của giáo viên và học sinh, đồng thời nêu rõ mục tiêu của các hoạt động đó, tránh việc chỉ nêu tên phương pháp.

Trong quá trình thực hiện các hoạt động dạy học, giáo viên cần sử dụng nhiều kỹ thuật dạy học khác nhau, tránh gây nhàm chán cho người học, đồng thời phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm của từng phương pháp, kỹ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ