Dịch chuyển chất xám trong khu vực
Mới đây, Tiến sĩ Franco Gandolfi (Hiệu trưởng và Giám đốc điều hành tại ĐH Quốc tế Manipal, Kuala Lumpur, Malaysia) đã chính thức làm việc tại Trường ĐH Hoa Sen (TPHCM) với vị trí Trưởng khoa Khoa kinh tế và Quản trị. Thông tin do nhà trường cung cấp, TS Franco Gandolf có hơn 32 năm kinh nghiệm trong vai trò quản lý cấp cao trong ngành Giáo dục tại một số trường cao đẳng và đại học trên thế giới.
Theo TS Franco Gandolfi, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trong những năm gần đây, nhưng Đông Nam Á vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Việc tăng trưởng kinh tế ở châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á sẽ là động lực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của thế giới. Trong đó, Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trong đổi mới và công nghệ. Đây là cơ hội tốt cho các trường đại học tiến bộ ở Việt Nam phát triển đội ngũ các nhà lãnh đạo tương lai với tư duy, kiến thức thế kỷ 21 và sẵn sàng tạo ảnh hưởng đối với thế giới.
“Tôi chọn Trường ĐH Hoa Sen vì đây là một trường đại học trẻ, sáng tạo và có tinh thần khởi nghiệp. Tôi mong muốn được làm việc với đội ngũ lãnh đạo cấp cao và cùng với các sinh viên để hoàn thành sứ mệnh của trường đại học như một đơn vị đào tạo xuất sắc trong giáo dục nghề nghiệp, kỹ thuật và học thuật...” - TS Franco Gandolfi chia sẻ.
Với cơ chế tự chủ, những năm gần đây Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) đã tạo dựng và thu hút được nguồn lực chất xám. Trường có nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học, xếp hạng đại học và tạo lập được một môi trường ĐH hài hòa, thân thiện. Hiện, TDTU có hơn 100 GV, chuyên gia là người nước ngoài đến từ Phần Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Séc, Nhật Bản… làm việc theo hình thức cơ hữu và thỉnh giảng, trao đổi học thuật.
TS Dileep Kumar hiện là GS trợ lý, nghiên cứu viên Viện Khoa học tính toán (INCOS) TDTU. Lấy bằng TS tại ĐH Aligarh Muslim (Ấn Độ), ông từng làm việc tại ĐH Tunku Abdul Rahman (Malaysia) và là tác giả của hơn 50 bài báo xuất bản trên các tạp chí ISI với H-index: 19 và Số lần trích dẫn: 877.
TS Dileep Kumar chia sẻ: “Cộng đồng các nhà khoa học của TDTU lớn và quan hệ tốt với nhau, điều này giúp công việc nghiên cứu của từng cá nhân được hỗ trợ tốt hơn. Tôi có tham khảo điều kiện làm việc tại một số quốc gia và cuối cùng chọn Việt Nam. Tôi hoàn toàn hài lòng với thu nhập và môi trường làm việc ở đây…”.
Ảnh minh họa/ INT |
Thu nhập, môi trường làm việc là yếu tố then chốt
Chia sẻ về việc thu hút nhân lực cho đơn vị, PGS.TS Thái Bá Cần – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen cho rằng: Để thu hút và giữ chân nhân sự, đơn vị tập trung vào hai vấn đề lương và môi trường làm việc.
“Chúng tôi đã xây dựng được văn hóa gắn kết giữa nhân viên của trường với tập đoàn; tạo nhiều phúc lợi cho nhân viên trong tập đoàn; những cá nhân tài năng có chế độ đãi ngộ khuyến khích đặc biệt để thu hút nhân tài.
Đồng thời, áp dụng chế độ lương theo KPI của từng ứng viên. Từ khi áp dụng chính sách này, số lượng TS, PGS của tập đoàn tăng lên nhiều; có cả GV nước ngoài tham gia giảng dạy, quản lý…” - PGS.TS Thái Bá Cần cho biết.
Đối với các trường ĐH công lập, cách tính lương để thu hút nguồn lực chất xám bị vướng cơ chế, nhưng với các trường tự chủ, cuộc cạnh tranh không kém phần năng động. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), để thu hút và giữ chân người tài, lương và môi trường làm việc là hai vấn đề then chốt. Do hoạt động theo mô hình tự chủ nên mức lương phù hợp với từng vị trí của các ứng viên; đồng thời tạo lập một môi trường làm việc để người lao động yên tâm công tác.
“Những trường ĐH công lập tự chủ thuận lợi trong việc xây dựng bảng lương và thỏa thuận mức lương với người lao động. Đối với các trường ĐH công lập chưa tự chủ vướng cơ chế rất khó. Nhờ trường làm truyền thông tốt, số cán bộ, giảng viên là PGS tăng hàng năm, lúc đầu có 5 PGS đến nay lên 45 người; TS có 50 người nay lên 150 người. Nhiều giảng viên có bài báo khoa học được thưởng trên 100 triệu…” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Sử dụng nguồn lực từ các doanh nghiệp
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ, cán bộ, giảng viên, đại diện của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay: ngoài đội ngũ giảng viên về học thuật ưu tiên tuyển dụng TS học tập ở nước ngoài, nhà trường có đội ngũ giảng viên là người thành công trong doanh nghiệp đến giảng dạy, hướng dẫn thực hành nghề nghiệp cho SV.
“Sau khi tuyển dụng, nhà trường cam kết nuôi dưỡng môi trường học thuật và cung cấp sự hỗ trợ liên tục cho giảng viên làm việc hiệu quả và phát triển bản thân, thông qua cung cấp chương trình phát triển năng lực tại trường đồng thời với các cơ hội tham gia huấn luyện, hội nghị khoa học trong và ngoài nước” - đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trao đổi.
Đối với trường hợp nâng cao năng lực trong nước (thạc sĩ lên tiến sĩ), nhà trường hỗ trợ chi phí học TS (8 triệu đồng/khóa học), được giảm 60% giờ giảng dạy trong thời gian học và được thưởng 100 triệu đồng sau khi hoàn thành khóa học.