Kinh nghiệm "giảm tải" bài tập về nhà

GD&TĐ - Bài tập về nhà là gánh nặng của hầu hết học sinh. Không ít phụ huynh và học sinh mong muốn có thể giảm bớt gánh nặng này.

Trung bình, trẻ em Argentina dành 3,7 giờ mỗi tuần để làm bài tập về nhà.
Trung bình, trẻ em Argentina dành 3,7 giờ mỗi tuần để làm bài tập về nhà.

Bởi, nhiều trẻ phải dành phần lớn thời gian vào việc làm bài tập và học, thay vì có thể theo đuổi sáng tạo cũng như các đam mê khác. Dưới đây là những quốc gia nói “không” với việc gây áp lực bằng bài tập về nhà.

Phần Lan

Đứng đầu danh sách các quốc gia giao ít bài tập về nhà cho trẻ là Phần Lan. Quốc gia châu Âu này tự hào về việc cung cấp 2,8 giờ làm bài tập mỗi tuần, các kỳ nghỉ lễ dài ngày và những ngày học ngắn hạn. Bên cạnh đó, trẻ em Phần Lan không bắt buộc phải đi học trước 7 tuổi.

Đối với nhiều người, điều này nghe có vẻ kỳ lạ. Song, thực tế, tại quốc gia này, trẻ em có thể ở nhà cho đến khi 7 tuổi. Bất chấp tất cả các yếu tố đó, hệ thống giáo dục Phần Lan vẫn trang bị cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết. Thậm chí, người học tại quốc gia này luôn đứng đầu trong các kỳ thi trên toàn cầu. Ví dụ, về kiến thức khoa học và toán học, học sinh Phần Lan đứng thứ sáu trên toàn thế giới.

Theo người Phần Lan, hệ thống giáo dục của họ hoạt động dựa trên sự tin tưởng tuyệt đối. Thay vì yêu cầu học sinh làm quá nhiều bài tập về nhà, các phụ huynh tin rằng, giáo viên sẽ cung cấp cho con em mình những kiến thức cần thiết khi trẻ tới trường.

Trước đó, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, bài tập về nhà mang lại kết quả học tập tốt hơn. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục Phần Lan đã chứng minh điều ngược lại.

Hàn Quốc

Tương tự Phần Lan, Hàn Quốc phân bổ cho sinh viên trung bình 2,9 giờ làm bài tập mỗi tuần. Mặc dù phân bổ tương đối ít bài tập về nhà mỗi tuần, nhưng học sinh Hàn Quốc đứng thứ hai trên toàn thế giới về kiến thức đọc.

Những năm gần đây, quốc gia này đã tái cấu trúc hệ thống giáo dục. Nhờ đó, giáo dục trở thành một phần quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc mong muốn cung cấp kiến thức cho tất cả mọi người, mà không phân biệt nền tảng.

Chương trình tiểu học tại Hàn Quốc bao gồm 9 môn học chính: Giáo dục đạo đức, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Nghiên cứu xã hội, Toán, Khoa học, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật và Nghệ thuật ứng dụng. Mục tiêu của giáo dục Hàn Quốc là nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, đạo đức, tinh thần hợp tác cho trẻ. Vì thế, trẻ được học các kỹ năng mềm thay vì dành nhiều thời gian để làm bài tập.

Mặc dù, học sinh Hàn Quốc xếp hạng cao nhất trên toàn cầu và ít được giao bài tập về nhà hơn, nhưng nhiều câu hỏi vẫn đặt ra là liệu họ có thành công hay không. Thay vì giao nhiều bài tập về nhà, các trường học ở Hàn Quốc lại chú trọng đến việc kiểm tra liên tục. Điều đó được coi là yếu tố có thể gây áp lực cho học sinh.

Trẻ em tại nhiều quốc gia dành thời gian phát triển các kỹ năng, thay vì chỉ làm bài tập.

Trẻ em tại nhiều quốc gia dành thời gian phát triển các kỹ năng, thay vì chỉ làm bài tập.

Nhật Bản

Hệ thống giáo dục của Nhật Bản được coi là “độc nhất vô nhị”. Thay vì truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho học sinh, giáo viên dạy trẻ cách sử dụng những nguồn tài nguyên Internet để tìm câu trả lời cho vấn đề. Trung bình, các trường học Nhật Bản yêu cầu học sinh dành 3,8 giờ làm bài tập mỗi tuần. Đặc biệt, các trường học trên cả nước không thuê nhân viên vệ sinh. Thay vào đó, học sinh được yêu cầu tự giữ vệ sinh ngăn nắp và sạch sẽ. Vì vậy, trong khi các trường học ở Nhật Bản không khiến học sinh áp lực bởi bài tập về nhà, họ chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng khác. Những kỹ năng này được cho là đóng vai trò quan trọng trong thành công của người học.

Tại Nhật Bản, năm học mới bắt đầu vào đầu tháng 4. Học sinh tiểu học được học 8 môn chính, bao gồm: Tiếng Nhật, Số học, Nghiên cứu xã hội, Âm nhạc, Nghệ thuật và Thủ công, Đạo đức, Thể dục và Hoạt động đặc biệt. Một giờ học thông thường kéo dài 45 phút, 15 phút giải lao.

Brazil

Tại Brazil, trẻ bắt đầu đi học từ năm 6 tuổi. 9 năm giáo dục bắt buộc của học sinh Brazil được chia làm 2 cấp độ: Ensino Fundamental I và Ensino Fundamental II. Trong giai đoạn Ensino Fundamental I, trẻ học Toán, Tiếng Bồ Đào Nha, Khoa học, Nghệ thuật, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục thể chất. Trong khi đó, bước vào Ensino Fundamental II, học sinh học thêm ít nhất một ngôn ngữ bắt buộc khác. Ước tính, học sinh Brazil mất khoảng 3,3 giờ mỗi tuần để làm bài tập về nhà.

Bên cạnh đó, trẻ em Brazil được hướng dẫn để khám phá tài năng và năng lực của bản thân trong các lĩnh vực. Với phương pháp giáo dục này, người Brazil đang chiếm lĩnh thế giới trong lĩnh vực kinh doanh và đổi mới.

Argentina

Giáo dục bắt buộc ở Argentina được chia làm 2 loại là 6+6 hoặc 5+7. Trong đó, 6+6 nghĩa là trẻ học 6 năm tiểu học và 6 năm trung học, 5+7 là 5 năm tiểu học và 7 năm trung học. Thông thường, học sinh ở Argentina đi học một buổi trong ngày, mỗi tuần học từ thứ 2 đến thứ 6. Giờ học buổi sáng kéo dài từ 8 giờ đến 12 giờ, buổi chiều bắt đầu từ 13 giờ và kết thúc lúc 17 giờ. Thời gian làm bài tập về nhà của trẻ không nhiều, trung bình mỗi tuần là 3,7 giờ.

Bài tập về nhà là một chủ đề thu hút nhiều ý kiến trái chiều giữa mọi người. Nhiều người khác tin rằng, bài tập về nhà là chiến lược tốt nhất để học sinh củng cố kiến thức, Trong khi đó, những người khác tin rằng, trẻ nên học mọi thứ ở trường mà không cần bài tập về nhà. Tuy nhiên, thực tế là, các quốc gia cung cấp ít bài tập về nhà hơn đã chứng minh rằng, trẻ hoàn toàn có thể thành công mà không cần làm bài tập về nhà sau giờ học.

Theo Mashridge

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ