Theo đánh giá chung của các giáo viên tham gia triển khai mô hình, đây là mô hình không những đổi mới về tổ chức lớp học, về trang trí lớp mà quá trình dạy học cũng được đổi mới rất đáng kể, từ dạy học cả lớp sang dạy học theo nhóm.
Việc dạy - học theo nhóm có thành công hay không điều đó phụ thuộc nhiều yếu tố mà một trong những yếu tố đó chính là hoạt động của Hội đồng tự quản (HĐTQ) và các nhóm trưởng.
Sau 5 năm triển khai mô hình, HĐTQ là một trong những điểm nhấn khiến cô Nguyễn Thị Hạnh rất tâm đắc ở lớp học VNEN.
Cô Hạnh cho biết: Xác định rõ vai trò của HĐTQ, Ban Giám hiệu (BGH) và giáo viên chủ nhiệm (GVCN) các lớp VNEN đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể ngay từ đầu năm học: Làm thế nào để đào tạo, bồi dưỡng được những em trong ban HĐTQ nhanh nhẹn, mạnh dạn có thể bao quát lớp, điều khiển lớp, điều khiển các nhóm hoạt động được tốt?
“Hội đồng tự quản” – một tổ chức quan trọng
Trước tiên, ngay từ đầu năm học, sau khi nhận danh sách lớp, GVCN trao đổi ngay với GVCN năm học trước để tìm hiểu kỹ về lực học cũng như năng lực, phẩm chất của từng học sinh. Sau đó, giáo viên đặt ra những tiêu chí để lớp lựa chọn các bạn trong HĐTQ theo tiêu chí: mạnh dạn tự tin, nhanh nhẹn hoạt bát, có năng lực học tập tốt, có năng khiếu văn nghệ hoặc TDTT...
Bước tiếp theo, GVCN thông báo cho học sinh, phụ huynh, BGH về thời gian và kế hoạch bầu cử, lấy ý kiến tư vấn của giáo viên bộ môn, học sinh, phụ huynh; đăng ký danh sách ứng cử, đề cử; Tổ chức bầu cử chủ tịch và phó chủ tịch thành lập các ban của HĐTQ.
Đây là bước vô cùng quan trọng để thành lập HĐTQ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều giáo viên còn xem nhẹ hoạt động này hoặc cũng tổ chức bầu cử nhưng qua loa, đại khái mang tính hình thức.
Điều quan trọng trong công việc bầu HĐTQ là giáo viên phải tạo ra một bầu không khí sôi nổi, kịch tính nhưng lại mang tính đoàn kết, dân chủ. Giáo viên tạo cơ hội cho học sinh được tranh cử vào các vị trí chủ tịch và phó chủ tịch. Qua việc tranh cử đó, giáo viên sẽ phát hiện được những học sinh mạnh dạn, có khả năng diễn thuyết trước đám đông. Đây là một trong những năng lực quan trọng trong vai trò là HĐTQ.
Sau khi việc đăng kí hoàn tất, các ứng viên sẽ trình bày các đề xuất có liên quan đến những hoạt động mà các em có thể thực hiện khi trúng cử. Những hứa hẹn này phải khả thi trong vòng 3 tháng thử nghiệm.
Cô Nguyễn Thị Hạnh - Phó hiệu trưởng trường TH Đông Hải 1 trước khuôn viên trường thoáng đãng, sạch sẽ và rợp bóng cây xanh. |
Khi đã thành lập được HĐTQ, vai trò của nhóm trưởng cũng không kém phần quan trọng. Vì nhóm trưởng thay giáo viên điều hành các hoạt động nhóm.
Nhóm trưởng phải tự mình làm thế nào để huy động sự tham gia của mọi thành viên vào giải quyết nhiệm vụ của mình. Nhóm trưởng phải biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ của các bạn trong nhóm, của giáo viên khi gặp khó khăn. Nhóm trưởng phải biết sử dụng tài liệu học tập và quản lý quỹ thời gian...
Qua đúc rút kinh nghiệm 3 năm thực hiện tốt mô hình, cô Hạnh chia sẻ một số cách bồi dưỡng nhóm trưởng như sau:
Cách 1: Chọn 1 nhóm làm tốt thảo luận một hoạt động nào đó cho các nhóm còn lại chú ý học tập .
Cách 2: Đầu buổi học hoặc cuối buổi học, giáo viên mời các nhóm trưởng ngồi lại tạo thành 1 nhóm, giáo viên hướng dẫn từng bước một.
Cách 3: Giáo viên đóng vai là nhóm trưởng một nhóm nào đó để các nhóm khác quan sát.
Cách 4: Giáo viên chọn một số học sinh nhanh nhẹn, tự tin để huấn luyện. Sau đó, phân công những học sinh này về các nhóm để làm nhóm trưởng.
Cách 5: Cho nhóm trưởng của lớp mình sang lớp khác để "dự giờ" quan sát và học tập.
Tùy vào đối tượng học sinh của lớp, GVCN lựa chọn linh hoạt các cách để vận dụng.
Em Thiệu Anh- học sinh lớp 1 tự tin bán hàng trong Hội chợ quê. |
Vai trò HĐTQ, nhóm trưởng
HĐTQ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng mối đoàn kết trong lớp. Các em chính là những sợi dây nối các thành viên trong lớp. Ngoài vai trò hướng dẫn các bạn học tập, các em còn là những người chủ động trong các hoạt động của lớp như tổ chức sinh nhật; tương tác với các góc thư viện, góc học tập hay góc cộng đồng. Chính các em là người tạo ra những tiếng cười rộn rã trong lớp, là người thắp lên những ngọn nến lung linh của lòng nhân ái.
Để nhấn mạnh hơn cho những nhận định này, cô Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ một ví dụ đầy sinh động: Trong một buổi giao ban cụm VNEN của thành phố Thanh Hóa, các thầy cô lãnh đạo và chuyên viên Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa và các thầy cô của 3 trường cụm VNEN (Đông Hải 1, Hoằng Quang, Đông Cương) đến thăm và dự giờ lớp 4B. Giờ học Đạo đức hôm ấy: "Tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo".
Giờ học diễn ra vô cùng sôi nổi, ai ai cũng muốn kể cho thầy cô và các bạn nghe là mình đã tham gia rất nhiều các hoạt động nhân đạo như: mua tăm, ủng hộ tiền, sách vở... Bất ngờ, cô giáo hỏi: "Vậy, ở ngay trong lớp mình, các con đã có những hoạt động thể hiện lòng nhân ái của bản thân?".
Không chần chừ, hàng loạt cánh tay giờ lên, em Ngọc Linh - Chủ tịch HĐTQ thay mặt các bạn, tự tin trả lời : "Thưa cô, hôm vừa rồi bạn Mạnh Cường phải di mổ u não ở bệnh viện, chúng con đã góp tiền thăm bạn. Chúng con còn viết bao nhiêu thư động viên bạn. Hòm thư của bạn đầy ắp thư, thưa cô!".
Chúng tôi tất thảy đều nhìn về phía Mạnh Cường, một vết khâu mờ hãy còn sau gáy em...Buổi dự giờ hôm ấy, trời mưa mà lòng tôi ấm mãi.