Con rắn nước có bụng màu vàng này đang được ngợi ca là Rắn trinh nữ của thế giới bò sát bởi vì đây là lần thứ hai nó sinh sản dù không hề được giao phối với bất kì con rắn đực nào.
Con vật có tên Thelma này hiện đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Girardeau Cape ở Missouri (Mỹ). Lần đầu tiên nó sinh nở là vào năm 2014 và lần thứ hai là vào tháng 7 vừa qua.
Các nhân viên làm việc trong trung tâm đã khá bất ngờ khi nhìn thấy những màng trứng nó đẻ ở trong chuồng.
Con rắn trinh nữ này đã được nuôi nhốt cách ly trong chuồng trong suốt 8 năm qua và không hề có điều kiện để tiếp xúc hay giao phối với bất kì con rắn đực nào.
Lần sinh sản trước, rắn cái Thelma đậu được 2 con và đang được trung tâm nuôi dưỡng. Lần này, không may mắn nên không có quả trứng nào thành công.
Đây là hiện tượng bình thường. Các nhà khoa học gọi là hiện tượng Trinh sản, hay còn gọi là Trinh sinh (Parthenogenesis).
Đây là hình thức sinh sản mà trứng không thụ tinh phát triển thành cá thể mới, có nghĩa là nó không mang gene của con đực.
Kiểu sinh sản này khá phổ biến ở những loài động vật không xương sống như kiến, ong.
Rắn và một số loài động vật khác có thể sinh nở trong trạng thái “trinh nữ” hoàn toàn, nghĩa là thụ tinh hoàn toàn không cần tới con đực.
Ngoài khả năng "không chồng mà chửa", rắn cái còn có khả năng giao phối và bảo quản tinh trùng bên trong cơ thể trong một thời gian rất dài.
Tức là sau khi giao phối, rắn cái có khả năng đặc biệt là thắt nút tử cung lại hoặc "giữ" tinh trùng trong ống trữ tinh bên trong cơ thể đến vài năm và khi cần có thể "bất thình lình" mang thai.
Nói cho dễ hiểu hơn thì một phần của tử cung sẽ xoắn lại, teo nhỏ tạm thời để cô lập và bảo vệ tinh trùng cho tới khi thích hợp để “gặp” trứng.
Tuy nhiên, theo các nhân viên ở Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Girardeau Cape ở Missouri thì con rắn cái này hoàn toàn là trinh sản.