Kinh ngạc bảo tàng tiền cổ của cựu binh

GD&TĐ - Hơn 10 tấn tiền cổ được Liên minh kỷ lục thế giới xác nhận: Đơn vị sở hữu tiền cổ Việt Nam và thế giới lớn nhất. Số tiền cổ ấy do nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Ngọc Khôi ở phố Trần Điền, phường Định Công (Hoàng Mai – Hà Nội)...

Bảo tàng tiền cổ của ông Khôi.
Bảo tàng tiền cổ của ông Khôi.

Thông điệp lịch sử

“Bảo tàng tiền tệ Việt Nam” ở phố Trần Điền do nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Khôi tạo dựng. Đó là một trong những bảo tàng hiếm thấy ở nước ta quy tụ được số lượng tiền xu cổ nhiều đến thế. Bởi vậy, bảo tàng không lúc nào vắng khách tham quan.

Những đồng tiền xu với đủ loại hình dạng, kích thước đựng đầy trong những lu, khạp, ché, mâm… hay bày trang trọng trong những tủ kính. Có những khối tiền đã han gỉ dính chặt vào nhau. Những xâu tiền cổ khoanh thành nhiều vòng tròn trên mâm, vươn cao như những con rắn.

Mỗi nét trạm khắc, mỗi độ vuông tròn, mỗi độ nặng nhẹ của đồng tiền cổ tưởng như vô tình, nhưng nó lại ngầm chứa đựng trong đó tư tưởng, thể hiện những bước đường phát triển giao thương của từng thời kỳ.

“Đồng tiền có giá trị hay không phụ thuộc phần lớn vào giá trị lịch sử của tiền tệ khi nó hình thành. Và bất kỳ đồng tiền đã qua sử dụng nào của Việt Nam hay của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, đều phản ánh thịnh suy của nền kinh tế, văn hóa của thời kỳ đồng tiền đó ra đời”, ông Khôi cho biết.

Dẫn khách tham quan đi khắp bảo tàng, thuyết minh về từng loại tiền mới thấy từng thời kỳ thăng trầm của đất nước. Không phải ngẫu nhiên, đồng tiền thời Tây Sơn, ngoài yếu tố kinh tế nó còn gắn với nghệ thuật quân sự.

Đồng tiền nhà Đinh, tuy hình thức có phần xù xì, đồng còn nhiều tạp chất nhưng lại chứa đựng hàm ý khẳng định chủ quyền đất nước – lần đầu tiên đất nước có tiền riêng của mình.

“Lịch sử cũng còn ghi lại, khoảng giữa thế kỷ 18, khi đặc phái viên của Công ty Đông Ấn (Pháp) đến Phú Xuân xin chúa Nguyễn cho lưu hành đồng bạc phương Tây, chúa đồng ý và bắt đóng dấu “thông bảo” trên từng đồng tiền ấy xem như đã xét duyệt. Mỗi đồng tiền cổ ở từng thời kỳ đều có những thông điệp đặc sắc”, ông Khôi bật mí.

Cái duyên tiền cổ

Nồi đồng mà ông Khôi sưu tầm được cũng rất nhiều và đa dạng.
Nồi đồng mà ông Khôi sưu tầm được cũng rất nhiều và đa dạng.

Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Khôi quê gốc ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Từ thời niên thiếu đã thích sưu tầm một vài món cổ vật, trong đó có tiền xưa. Năm 1971, ông đi bộ đội. Xuất ngũ vào những năm đất nước khó khăn nên ông phải bươn chải kiếm kế mưu sinh ở khắp nơi.

Mỗi lần dành dụm được một ít tiền là ông Khôi lại lên đường tìm kiếm những đồng tiền cổ, mà ông cho là những báu vật vô giá. Bạn bè tưởng ông đi kiếm tiền cổ về làm giàu, còn vợ con ông lại không hiểu ông khuân vác về nhà những chum vại tiền đã han gỉ để làm gì?

“Những năm bao cấp, dù đời sống thiếu thốn nhưng thú chơi cổ vật cũng vẫn phát triển khá mạnh. Hình như khi kinh tế càng khó khăn thì cái thú chơi này lại càng được nâng niu. Thời kỳ ấy tuy người sưu tập cổ vật tiền xu không nhiều, nhưng ai vào nghề cũng chơi những thứ tinh túy, độc đáo và đó là một trường học lớn để tôi học hỏi”, ông Khôi cho hay.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, nhờ sự học hỏi ấy mà ông Khôi dần hiểu các mặt chữ Hán, rồi đi đến thông thạo. Lại có duyên trên con đường kiếm tìm cổ vật nên rất nhiều đồng tiền quý mà người chơi lâu năm không tìm được thì ông Khôi lại dễ dàng có trong tay.

Sau rất nhiều năm kiên trì săn lùng cổ vật tiền xu, cho đến nay ông Khôi đã có những bảo vật như: Thái Bình hưng bảo (nhà Đinh); Thiên Phúc trân bảo (nhà Tiền Lê); Thuận Thiên đại bảo, Minh Đạo nguyên bảo, Thiên Cảm nguyên bảo... (nhà Lý); Kiến Trung thông bảo, Chính Bình thông bảo, Nguyên Phong thông bảo, Thiệu Long thông bảo, Đại Trị thông bảo... (nhà Trần); Thành Nguyên thông bảo, Thiệu Nguyên thông bảo (nhà Hồ) và rất nhiều các đồng tiền thời Lê Sơ, nhà Mạc, thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn.

Trong số đó, có những đồng tiền rất quý như: Thuận Thiên đại bảo (thời Lê sơ), Thiên Cảm nguyên bảo (thời Lý, sau lưng có chữ “Càn vương”).

Theo ông Khôi, những đồng tiền này có giá trị đến 15.000 USD. Đồng Nguyên Phong thông bảo (thời Trần, có nét hất kiểu đuôi ngựa) có giá tới 20.000 USD, đồng Cảnh Thịnh thông bảo đại tiền (thời Tây Sơn đúc bằng vàng) không chỉ có giá trị rất lớn mà còn là biểu tượng phát triển của đất nước trong một thời kỳ rất ngắn.

“Nếu bán thì tôi đã nghèo”

Rất nhiều khách đến tham quan bảo tàng.
Rất nhiều khách đến tham quan bảo tàng.

Trong ngôi nhà của ông Khôi ở phố Trần Điền, không chỉ là bảo tàng tiền tệ mà còn rất nhiều cổ vật về mọi phương diện đời sống. Ví như những chiếc nồi đồng, cho đến bây giờ thành của hiếm thì ông Khôi lại sở hữu cả kho.

“Nồi đồng ở nhiều thời kỳ khác nhau. Lúc đầu tôi không có ý định sưu tập nồi đồng, nhưng thấy người ta bán hết cho các nhà sưu tập nước ngoài. Tôi nghĩ mình và các anh em khác không mua lại nhanh thì rồi nồi đồng của Việt Nam sẽ thành tuyệt chủng. Thế là tôi bắt tay vào việc tìm kiếm”, ông Khôi nói.

Ngoài những cổ vật thông thường khác, ông Khôi còn là người có số lượng sưu tập huân huy chương rất lớn.

“Tôi là người lính giải phóng, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong chiến tranh có những huân huy chương đã được trao tận tay, đeo tận ngực các chiến sĩ nhưng cũng có nhiều huân huy chương cấp trên chưa kịp trao thì người nhận đã hy sinh”, ông Khôi tâm sự.

Sau nhiều năm tìm kiếm, đến nay ông Khôi có trên 10 tấn tiền xu cổ.
Sau nhiều năm tìm kiếm, đến nay ông Khôi có trên 10 tấn tiền xu cổ.

Vì vậy, sau ngày giải phóng miền Nam, với những day dứt về đồng đội mình, ông Khôi đã đi sưu tầm và chỉ sưu tầm các loại huân huy chương của Quân đội Nhân dân Việt Nam để lưu giữ những di vật, hiện vật như để giữ mãi một thời kỳ oanh liệt.

Hiện nay, trong bộ sưu tập của ông Khôi có đến 9.300 huân - huy chương và huy hiệu các loại. Trong đó phần lớn là huân - huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Dũng sĩ diệt Mỹ, Huy hiệu Giải phóng...

“Đối với tôi, tất cả các huân - huy chương này đều là bảo vật, vì đây là bằng chứng  ghi nhận công lao hy sinh của đồng chí - đồng đội tôi, nó đã gắn bó với bản thân tôi và các đồng chí - đồng đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”, ông Khôi cho hay.

Cũng theo ông Khôi, những hiện vật quý hiếm mà ông có, được nhiều nhà sưu tập cũng như nhà buôn đồ cổ gạ mua. Nhưng ông Khôi bảo: “Nếu bán thì tôi đã nghèo, chắc chắn là nghèo về tinh thần, tri thức”.

Riêng tiền nước ngoài, trong số tiền tệ của 185 quốc gia đã sưu tầm được, ông Khôi chú ý hơn đến các loại tiền của nhóm Đông Á như:  Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Tiền đồng của Trung Quốc, ông Khôi có các triều đại: Đường, Tống, Hán, Nguyên, Minh, Thanh, trong đó có những đồng tiền cổ hơn 2.000 năm tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động