Ông Kim cũng nói thêm rằng Mỹ và các căn cứ của nước này trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện đang nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Triều Tiên được cho là đã phóng thành công một loại tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Các nhà phân tích và quan chức quốc phòng trong khu vực nhận định rằng Triều Tiên phải mất nhiều năm nữa mới có thể chế tạo loại vũ khí lợi hại như ông Kim đã nói. Họ cho biết, đất nước này vẫn chưa có tàu ngầm đủ lớn và hiện đại để có thể hoạt động ngoài khơi mà không bị phát hiện để tấn công các mục tiêu ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu ngầm vào ngày 24/8 vừa qua đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại, bởi nó cho thấy những tiến bộ mà Triều Tiên đã đạt được trong việc nâng cao tầm hoạt động và khả năng tránh né rađa của các tên lửa họ đang có.
Vào ngày 24/8, tên lửa Pukguksong đã bay một quãng đường dài gần 500km về phía Nhật Bản. Năm ngoái khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa này, nó đã phát nổ trên bầu trời không lâu sau khi được phóng đi.
Theo hãng tin KCNA của Triều Tiên, ông Kim “gọi cuộc phóng thử nghiệm tên lửa này là một thành công ngoài sức tưởng tượng và là một thắng lợi lớn”. Ông Kim cũng nói thêm, “lãnh thổ nước Mỹ cùng các căn cứ của họ ở Thái Bình Dương giờ đây đang nằm trong tầm bắn của quân đội Triều Tiên”.
Hãng tin này cho biết, tên lửa Triều Tiên được phóng đi với góc bắn cao, điều này cho thấy tên lửa có thể sẽ bay xa hơn quãng đường 500km nếu góc phóng tên lửa thấp hơn. Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có tình phóng tên lửa với góc bắn lớn để tên lửa không bắn trúng Nhật Bản.
Ông Kim Jong-un nói rằng cuộc thử nghiệm ngày 24/8 cho thấy Triều Tiên “đã có trong tay những công cụ quan trọng để chống lại sự thống trị của Mỹ”. Ông kêu gọi các kỹ sư trong nước tiếp tục nỗ lực để lắp đặt đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa đạn đạo Triều Tiên, đồng thời chế tạo thêm các loại khí tài quân sự mới.
Việc Triều Tiên có tên lửa phóng từ tàu ngầm đồng nghĩa với việc vũ khí hạt nhân của nước này có tầm bắn xa hơn trước đây, đồng thời cho phép nước này có thể đáp trả trong trường hợp các căn cứ trên bộ của nước này bị phá hủy.
Dù vậy, các quan chức Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên vẫn cần phải chế tạo một loại tàu ngầm cỡ lớn, tầm hoạt động rộng và có thể tránh được rađa đối phương để phát huy hết hiệu quả của các loại tên lửa này. Hiện Triều Tiên đang có tổng cộng 70 tàu ngầm đã cũ, phần lớn không thể hoạt động quá xa bờ. Tàu ngầm lớn nhất của nước này là các tàu lớp Romeo do Liên Xô sản xuất từ lâu.
Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, quân đội nước này vẫn tiếp tục theo dõi tiến độ chế tạo phiên bản mới của tàu ngầm lớp Sinpo, loại tàu gần đây được sử dụng trong các cuộc phóng thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, các tàu này vẫn phải nổi lên mặt nước sau một thời gian hoạt động dưới lòng biển, và điều này sẽ khiến chúng dễ bị phát hiện. Nhưng chúng vẫn là mối đe dọa rất lớn đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và các căn cứ của Mỹ trong khu vực.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The New York Times, nhật báo được xuất bản tại thành phố New York do Arthur O. Sulzberger Jr. làm chủ biên, được phân phối ở khắp Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.