Bình luận của luật sư
Tội hiếp dâm: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ.
Theo tình tiết vụ việc, trước hết cần khẳng định, các trường hợp đã quan hệ tình dục với bà Ngọc đều khẳng định là tự nguyện.
Các lái xe cũng khẳng định tự nguyện uống thuốc kích dục, vì vậy tôi đồng ý với ý kiến bạn đọc là bà Ngọc không phạm tội hiếp dâm theo Điều 111, Bộ luật Hình sự.
Về hành vi cho uống thuốc dẫn đến phải đi cấp cứu làm ảnh hưởng đến sức khỏe của lái xe, chúng ta cần quan tâm đến chi tiết: trước khi cho nạn nhân uống thuốc, các lái xe có biết đó là thuốc kích dục không?
Theo tình tiết và thực tế vụ án, chúng tôi khẳng định các lái xe có biết đó là thuốc kích dục được dùng với mục đích khôi phục khả năng tình dục sau khi đã quan hệ nhiều lần.
Nếu các lái xe đã biết mà vẫn uống thì đó là lỗi lái xe, không phải lỗi bà Ngọc và bà Ngọc không chịu trách nhiệm. Nếu lái xe không biết là thuốc gì, hoặc bà Ngọc nói dối là thuốc bổ, hoặc bà Ngọc dùng vũ lực bắt các nạn nhân uống thuốc gây tổn hại sức khỏe, cần phải xác định loại thuốc ấy có những hoạt chất nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tỷ lệ thương tật là bao nhiêu?
Nếu tỷ lệ thương tật tới trên 11%, bà Ngọc sẽ bị truy tố theo Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với nội dung: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật trên 11% thì chịu mức hình phạt tù từ 6 tháng đến chung thân tùy tình tiết tăng nặng.
Về hành vi đập kính cửa ô tô taxi, bà Ngọc chưa có tiền án, chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này, tài sản bị phá hỏng cũng chỉ hơn 500.000 đồng một chút, hơn nữa, bà Ngọc cũng đã thỏa thuận đền bù cho lái xe, vì vậy, với hành vi này, bà Ngọc xứng đáng bị phạt hành chính.
Bà Ngọc là người Mỹ gốc Việt nếu phạm tội vẫn bị các tòa án Việt Nam xét xử như mọi kẻ phạm tội khác. Theo quy định tại Điều 171 Bộ Luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam.
Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Việc áp dụng hình phạt nào là theo quy định pháp luật, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị can, bị cáo và do cơ quan tố tụng quyết định, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Trường hợp của bà Ngọc, không phải là quan chức ngoại giao được quyền miễn trừ, nếu phạm tội, thì bị xét xử như mọi kẻ phạm tội khác. Dĩ nhiên khi xét xử tòa án sẽ mời đại diện Đại sứ quán Mỹ tới dự phiên xét xử.
Tuy nhiên trong trường hợp này, bà Ngọc đã từng điều trị bênh tâm thần, hành vi của bà Ngọc cũng có dấu hiệu tâm thần, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự về các trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự, đã thừa nhận một người không có năng lực trách nhiệm hình sự khi họ mắc một trong các bệnh sau: bệnh tâm thần kinh niên, bệnh loạn thần, bệnh si ngốc, các bệnh gây rối loạn tinh thần tạm thời.
Thực tiễn xét xử cho thấy chỉ người nào thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng họ đang bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức thì mới không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (loại trừ trách nhiệm hình sự). Trường hợp của bà Ngọc rất có thể rơi vào trường hợp này.
Theo quan điểm cá nhân, chúng tôi cho rằng: Cách xử lý tốt nhất đối với trường hợp của bà Ngọc là lập biên bản vi phạm hành chính, phạt hành chính và trục xuất bà Ngọc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Theo Điều 32 Bộ luật Hình sự 1999 thì trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung do Tòa án áp dụng với người phạm tội là người nước ngoài.
Người bị áp dụng hình phạt này sẽ bị buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn nhất định do tòa án quyết định. Ngoài ra, trục xuất còn được áp dụng như một biện pháp hành chính.
Theo Điều 17 Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền trục xuất người nước ngoài trong những trường hợp sau:
Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, bị xử phạt hành chính; Phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Theo anninhthudo.vn