Kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục Tiểu học

GD&TĐ - Chiều 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với cấp tiểu học. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ năm học

Báo cáo tại hội nghị, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục.

Năm học vừa qua, ngành Giáo dục thường xuyên nhận được sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm, đồng thuận của cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội trong quá trình phát triển giáo dục tại địa phương, đặc biệt trong công tác bố trí mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh.

Ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) báo cáo tại hội nghị

Ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) báo cáo tại hội nghị

Việc triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh kết quả đạt được từ mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại trường với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.

Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và phương án dạy học trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh đảm bảo, an toàn và thông báo cụ thể đến từng cha mẹ học sinh thông qua các hình thức phù hợp. Đa số giáo viên đồng thuận, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học; chủ động, tự giác học tập, bồi dưỡng kỹ năng, xây dựng và lựa chọn học liệu; bước đầu biết sử dụng các ứng dụng, phần mềm dạy học khi được tập huấn.

Phần lớn cha mẹ học sinh đồng tình với chủ trương của ngành trong dạy học trực tuyến; tạo các điều kiện học tập cho con em mình như: máy tính, laptop, điện thoại thông minh, kết nối mạng... Do đó, chất lượng giáo dục tiểu học được duy trì dù cho thực hiện bằng nhiều hình thức tổ chức dạy học khác nhau.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động dạy học, giai đoạn đầu năm học, nhiều học sinh phải học trực tuyến để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều địa phương đã đón học sinh trở lại trường học tập nhưng chưa được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng dẫn địa phương tổ chức dạy học linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế, nhưng chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch so với vùng có điều kiện thuận lợi, nên tác động tiêu cực đến việc duy trì chất lượng giáo dục.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ; cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các trường...

Đại biểu tham luận tại hội nghị

Đại biểu tham luận tại hội nghị

Kiên trì chất lượng giáo dục

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục tiểu học và tiếp tục thực hiện đảm bảo an toàn trường học trong phòng, chống dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kiên trì chất lượng giáo dục.

Tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt triển khai chương trình, kế hoạch năm học để phòng, chống dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kiên trì chất lượng giáo dục tiểu học.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông, chú trọng chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 4 trong năm học 2023-2024 nhất là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 4 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; phấn đấu bảo đảm học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Các đại biểu dự hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp tiểu học, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và học liệu, đề xuất kiến nghị với Bộ GD&ĐT nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu kết luận hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự nỗ lực của các thầy cô giáo, các nhà trường cùng sự quan tâm của gia đình, xã hội đối với ngành giáo dục trong một năm học đầy khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ năm học 2022-2023, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chuyển từ nền giáo dục chú trọng số lượng sang chú trọng chất lượng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tặng hoa chúc mừng các cán bộ quản lý giáo dục cấp tiểu học mới được bổ nhiệm

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tặng hoa chúc mừng các cán bộ quản lý giáo dục cấp tiểu học mới được bổ nhiệm

Từ những kết quả năm học 2021-2022, cần tiếp tục củng cố kiến thức cho học sinh trong năm học tới bởi việc học trực tuyến năm học vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học. Cùng với đó là việc đổi mới phương pháp, cách dạy cách học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cần quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh xã hội hóa, tận dụng các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác kiểm định giáo dục, xây dựng nền giáo dục có chất lượng. Cùng với đó là quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ