Kiến tạo vùng văn học từ tầm nhìn văn hóa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong sách 'Các vùng văn hóa Việt Nam', các tác giả đã phân chia thành 9 'vùng văn hóa' trên lãnh thổ Việt Nam.

Nghệ Tĩnh là nơi phát tích các Danh nhân Văn hóa thế giới đồng thời cũng là những nghệ sĩ ngôn từ tài danh. Ảnh: ITN
Nghệ Tĩnh là nơi phát tích các Danh nhân Văn hóa thế giới đồng thời cũng là những nghệ sĩ ngôn từ tài danh. Ảnh: ITN

“Văn chương nết đất thông minh tính trời” (Nguyễn Du - Truyện Kiều)

Trong sách “Các vùng văn hóa Việt Nam” (Chủ biên: Đinh Gia Khánh và Cù Huy Cận, NXB Văn hóa dân tộc, 2018), các tác giả đã phân chia thành 9 “vùng văn hóa” trên lãnh thổ Việt Nam nhưng trong thực tế vẫn tồn tại những “tiểu vùng văn hóa”.

9 “vùng văn hóa” gồm: Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; Đồng bằng miền Bắc; Việt Bắc; Tây Bắc; Nghệ Tĩnh; Thuận Hóa - Phú Xuân hay xứ Huế; Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đồng bằng miền Nam.

Các “tiểu vùng văn hóa” là chưa được xếp vào “vùng văn hóa” nào theo cách phân chia trên. Ví dụ, vẫn có sự thừa nhận có tính chất “tâm lí xuyên văn hóa” của “Văn hóa xứ Thanh”, “Văn hóa xứ Quảng”, “Văn hóa xứ Nẫu”. Cách phân chia trên dựa vào phương pháp “Địa - Văn hóa” đang được xem là một phương pháp hữu dụng và khả thi trong nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn hiện nay.

“Trời cho” và “người cho”

Trong bài “Văn chương nết đất thông minh tính trời”, giới thiệu sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh” (NXB Hội Nhà văn, 2011), nhà thơ Hữu Thỉnh trang trọng viết: “Hà Tĩnh, về điều kiện tự nhiên, không được ưu đãi gì nhiều, nhưng nết đất thì thật đặc sắc.

Một tỉnh thủ thì đới thủy (giáp sông Lam), vĩ thì đạp sơn (đèo Ngang), biển và núi thì chạy song song với nhau, đăng đối hài hòa giữa tĩnh và động, nhu và cương, thu vào thì thâm hậu thiết tha, mở ra thì mưu lược tìm cách kê đệm cho thiên hạ. (...). Nết đất là một đại tính cách, là cái vốn pháp định tinh thần đầu tiên nuôi dưỡng những thực tài. (...).

Bản sắc Hà Tĩnh đắc địa đến đâu trong kinh tế, trong quân sự xin sẵn sàng hầu chuyện các bậc cao kiến, riêng trong văn học, tôi muốn xem đó như một trong những nguồn mạch.

Giống như Triều Trần, vua ở đâu thì triều đình ở đấy. Trong văn học, thiên tài ở đâu thì nguồn mạch ở đấy. Hà Tĩnh là một trong những nguồn mạch nuôi dưỡng và nhuần thắm cho cả nền văn của đất nước”.

Đó là cách viết của một thi sĩ vừa giàu có cảm xúc, vừa thấm nhuần lí thuyết “Địa - Văn hóa”, một phương pháp đang được vận dụng hiệu quả khi nghiên cứu bản đồ văn học quốc gia.

Cũng không có gì quá trong lời nhận xét nhiệt tình hết mức này về một vùng đất văn học có truyền thống lâu đời từ thời trung đại đến hiện đại. Sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh” cũng chứng thực con số 76 nhà văn Việt Nam quê tỉnh Hà Tĩnh (tính đến năm 2023, con số lên đến 82).

Nghệ Tĩnh là nơi phát tích các Danh nhân Văn hóa thế giới đồng thời cũng là những nghệ sĩ ngôn từ tài danh thời trung đại và hiện đại Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh. Nhưng tạo nên “vùng đất văn học” thì đương nhiên phải có “nền” và “đỉnh”.

Trong thời trung đại, phải ghi công những đóng góp xuất sắc của các nhà văn khác như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ, Bùi Dương Lịch,... Đồng thời không thể không kể đến những nhân vật trác tuyệt khác như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (người vừa được UNESCO vinh danh Danh nhân Văn hóa thế giới, năm 2023), chí sĩ Cần Vương Phan Đình Phùng cũng đều là những nhà văn tài danh được ghi tên trong “Từ điển văn học Việt Nam” (Bộ mới, NXB Thế giới, 2004).

Thống kê sau đây - tựa như những “con số biết nói” - cho phép chúng ta hình dung khá đầy đủ về thành tựu của vùng văn học Nghệ Tĩnh thời hiện đại: Qua 6 đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước về Văn học nghệ thuật (từ năm 1996 đến 2022), hai tỉnh của miền gió Lào và cát trắng dẫn đầu cả nước về số lượng nhà văn đoạt giải, với 12 Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật trao cho các nhà văn: Đặng Thai Mai, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Minh Châu, Bùi Hiển, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Chính Hữu, Hà Xuân Trường, Hoàng Trinh, Xuân Thiều và 20 Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật trao cho các nhà văn: Nguyễn Trọng Oánh, Trần Hữu Thung, Phan Cự Đệ, Nam Hà, Minh Huệ, Vương Trọng, Thanh Hương, Thái Bá Lợi, Anh Ngọc, Ông Văn Tùng, Cao Tiến Lê, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, Đức Ban, Lê Thành Nghị, Nguyễn Khắc Phê, Phạm Ngọc Cảnh, Phong Lê, Nguyễn Quốc Trung. Riêng trường hợp nhà văn Trương Chính nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.

Vùng đất văn học (nết đất) tất nhiên trước hết là “trời cho”, nhưng sau hết phải là “người cho”, theo phép biện chứng “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Ở đâu chính quyền quan tâm đến văn hóa, văn học nghệ thuật, ở đó “vùng đất văn học” sẽ có cơ đồ.

Nhà văn Nguyễn Thành Long thừa nhận Lào Cai đã trở thành quê hương văn học của mình. Ảnh: ITN

Nhà văn Nguyễn Thành Long thừa nhận Lào Cai đã trở thành quê hương văn học của mình. Ảnh: ITN

Là sự chuyển hóa…

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Làm thế nào để có vùng đất văn học” thực sự đã chạm đến những vấn đề quan thiết và nhạy cảm hiện nay trong lĩnh vực sáng tác văn học.

Các ý kiến được bàn thảo trong tọa đàm và lan tỏa ra ngoài sự kiện hết sức sôi nổi, nhiệt thành. Nhưng xem ra ít ý kiến đề cập đến các giải pháp căn cơ có tính chiến lược văn hóa, nặng về duy tình, đề cao “niềm tin chân thành”.

Nếu như thế (chỉ cần đến “ niềm tin chân thành”), thì khó có thể tạo ra cái gọi là “vùng đất văn học”. Bởi “người ta là hoa của đất”. Cần những nhân tài (chân tài) văn học dẫn dắt để xác lập vùng đất văn học, những vùng đất này có ý nghĩa kép: Vừa là quê hương sáng tác của nhà văn, vừa là vùng đất của công chúng văn học.

Nếu chúng ta nhớ lại sự kiện văn học khi truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được nhà văn Nguyễn Thành Long sáng tác năm 1971 do sự gắn bó và mách bảo của mảnh đất Lào Cai vừa xa vừa gần.

Trong bài “Trường hợp viết Lặng lẽ Sa Pa” (in trong “Sổ tay truyện ngắn”, Vương Trí Nhàn tuyển chọn và giới thiệu, NXB Tác phẩm mới, 1980), nhà văn thừa nhận Lào Cai đã trở thành quê hương văn học của mình, là nguồn cảm hứng để viết những thiên truyện hay nhất về thiên nhiên và con người, tiêu biểu phải kể đến tập truyện “Giữa trong xanh” (1972).

Nếu nói chính xác và công bằng thì nhà văn Nguyễn Thành Long là một trong những người đã khai mở một dòng chảy “văn học xanh” ngay trong chiến tranh tàn khốc và hủy diệt, sau này được giới nghiên cứu quan tâm và được xếp vào phạm trù “văn học sinh thái”.

Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là, sau nửa thế kỷ, Lào Cai mặc dù đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn vào loại nhất nhì trong cả nước, nhưng vẫn chưa trở thành vùng đất văn học như kỳ vọng của công chúng.

Ở đây là vấn đề văn học tiệm tiến văn hóa trong quy luật phát triển bền vững của nó. Ý thức được điều này, Ủy ban nhân dân huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã tổ chức “Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa”.

Có chân trong Ban giám khảo (phần văn), tôi nhận thấy một kết quả tiềm năng của các giải thưởng là ở chỗ các tác giả đạt giải cao phần lớn ở các địa phương khác. Họ sống với Sa Pa chứ không ngắm Sa Pa, đúng như câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.

Trong phần văn, các tác giả đạt giải cao là Tống Phước Bảo (TP Hồ Chí Minh), Lê Đình Trung (Thanh Hóa), Tống Ngọc Hân (Phú Thọ)... Trong bài viết “Sa Pa không lặng lẽ” (in tạp chí Phan Xi Păng, Hội VHNT Lào Cai), chúng tôi đã chia sẻ với văn giới về niềm hy vọng thiêng liêng - Sa Pa, Lào Cai sẽ không chỉ là một địa chỉ du lịch nổi tiếng, mà còn là một điểm đến, một vùng đất văn học của công chúng cả nước với những tên tuổi quen thuộc như Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn, Đoàn Hữu Nam, Hoàng Anh Tuấn, Mã Anh Quân... đang góp công sức và tài năng kiến tạo nên một “Vùng văn học sông Chảy”.

Nhân đây cũng phải nhắc đến những năm tháng đầu đời của anh thanh niên Đinh Trọng Đoàn sau này trở thành nhà văn Ma Văn Kháng, chính trên mảnh đất Lào Cai, trong hơn hai chục năm trời (1955-1976), được tái hiện trung thành trong hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” và những cuốn tiểu thuyết đậm đặc hương sắc Lào Cai như “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Vùng biên ải”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, “Một mình một ngựa”.

Trong chính sách văn hóa có hai nhân tố (điều kiện) về nhân lực và vật lực. Về nhân lực thì rõ ràng “tột cùng văn hóa là con người” (nghệ sĩ), vật lực là điều kiện cần và đủ để nghệ sĩ sáng tác. Xét đến cùng, hiện nay chúng ta thiếu cả hai nhân tố quyết định này, do cả điều kiện chủ quan và khách quan tạo nên, do đó nguồn lực không đáp ứng phù hợp.

Trong lĩnh vực văn học, sẽ thấy tình trạng “đứt gãy thế hệ”, khiến cho nguồn lực bị hạn chế (Hội Nhà văn Việt Nam hiện có hơn 1.600 hội viên, có hơn 500 hội viên đã mất, số còn lại bị “già hóa”). Tình trạng này phổ biến trên tất cả 63 Hội VHNT địa phương. Viết văn trở thành “nghiệp” hơn là “nghề”, người trẻ không mặn mà theo đuổi theo lối tận hiến “sống chết với văn chương”.

Nguồn lực tài chính từ Trung ương tới địa phương cấp cho hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật eo hẹp. Các “vùng đất văn học” vốn có truyền thống nay nhiều nơi “thúc thủ”, nếu không thì cũng “cầm chừng”.

Không cần nói đâu xa, Hội Nhà văn Hà Nội có 780 hội viên (tính đến 2023), cũng không đủ nguồn lực vượt lên để duy trì danh hiệu “Vùng đất văn học Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”, như là niềm hy vọng thiêng liêng của công chúng Thủ đô và cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ