Kiến tạo nền giáo dục mở, linh hoạt, chất lượng

GD&TĐ - Việt Nam cam kết đóng góp nguồn lực và đồng hành cùng các nước khu vực Đông Nam Á kiến tạo một nền giáo dục mở, thúc đẩy các sáng kiến, hướng tới nền giáo dục chất lượng, bảo đảm không HS nào bị bỏ lại phía sau.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 51 (SEAMEC) diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 51 (SEAMEC) diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu như vậy tại đối thoại chiến lược của các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 5 (SDEM 5) đầu giờ chiều 17/6. Đây là hoạt động trong khuôn khổ hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 51 (SEAMEC) diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Bộ trưởng cho biết: Đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện đến nền giáo dục. Trong làn sóng Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2/2020, 24 triệu học sinh, sinh viên của hơn 53.000 cơ sở giáo dục, đào tạo tại Việt Nam đã không thể đến trường.

Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng xác định chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học” và chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục đại học tăng cường các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình để thích ứng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Năm học 2020-2021, các nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên đã dần thích nghi với việc dạy và học theo trạng thái mới. Đây cũng là lúc Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Chương trình này hướng tới phát triển 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm); và những năng lực cốt lõi như: năng lực tự học và tự chủ, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực đặc thù theo từng môn học. Điều này đòi hỏi người học độc lập, tự chủ, phát triển các năng lực, kĩ năng khám phá, sáng tạo, thói quen học tập suốt đời và năng lực thích ứng với cái mới trong cuộc sống; 

Ngoài ra, chương trình mới cũng chú trọng trang bị toàn diện cho học sinh năng lực nhận thức, cảm xúc xã hội, khát vọng cống hiến cho cộng đồng và khả năng để làm một công dân toàn cầu tốt.

Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 51 (SEAMEC) diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 17/6.
Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 51 (SEAMEC) diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 17/6.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ nhân văn tốt đẹp giữa học sinh và giáo viên, tương tác giáo viên với gia đình và cộng đồng, Bộ trưởng cho rằng, cần trang bị đầy đủ cho giáo viên những năng lực cần thiết, trong đó có năng lực số, để phát triển hoạt động đào tạo. Cần thiết phải hỗ trợ giáo viên để họ dễ dàng thích nghi với các thay đổi trong môi trường giáo dục mới. Mục tiêu trong thời gian tới là xây dựng những chính sách mới nhằm tạo môi trường gợi mở sáng kiến ​cho các nhà giáo, giúp họ đưa ra những giải pháp sáng tạo và phù hợp hỗ trợ sự phát triển năng lực của người học.

Bộ trưởng cũng chia sẻ việc hướng đến tiếp cận mang tính tổng thể: triển khai xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt với mô hình công dân học tập; đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục và có sự tham gia phối hợp của nhà trường - gia đình và xã hội; xây dựng chính sách và hành động phối hợp của các bộ ngành.

Đồng thời, Bộ trưởng thông tin một ưu tiên mang tính chiến lược là xây dựng các nền tảng hỗ trợ học tập tại nhà, học tập từ xa; hệ sinh thái học tập thích ứng kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng trí tuệ nhân tạo và những công nghệ mới nhất vào giáo dục; đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa các bộ ngành và các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.

“Hợp tác giáo dục trong khuôn khổ SEAMEO thúc đẩy sự chia sẻ thông tin, bài học thực tiễn, hướng đến hội nhập quốc tế, hiểu biết liên văn hóa cho học sinh, sinh viên. Việt Nam cam kết đóng góp nguồn lực và đồng hành cùng các nước trong khu vực Đông Nam Á kiến tạo một nền giáo dục mở, thúc đẩy các sáng kiến nhằm hướng tới nền giáo dục chất lượng, bảo đảm không học sinh nào bị bỏ lại phía sau” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) là một tổ chức liên chính phủ ở khu vực Đông Nam Á được thành lập năm 1965. Hiện nay, SEAMEO bao gồm 11 quốc gia thành viên, 8 quốc gia thành viên liên kết và 5 tổ chức thành viên liên kết. Việt Nam đã 2 lần đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng SEAMEO (nhiệm kỳ 2005-2006 và 2013-2015).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.