Nghệ An xây dựng thí điểm 14 trường trọng điểm chất lượng cao, gồm 9 trường THCS và 5 Trường THPT
Năm học đầu tiên thí điểm, do ảnh hưởng của dịch Covid nên việc thực hiện tiêu chí theo kế hoạch gặp khó khăn. Dù vậy, 14/14 trường đã xây dựng chương trình giáo dục tăng cường và bước đầu triển khai ở các môn Tin học, Tiếng Anh tăng cường, giáo dục kỹ năng sống.
Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện, đồng bộ đáp ứng 6 tiêu chí trường trọng điểm chất lượng cao đã đưa ra trong kế hoạch.
Chất lượng giáo dục được khẳng đinh, đạt và vượt một số nội dung. Năm 2020, tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, có 8/9 trường THCS có điểm trung bình môn Toán tăng, 6/9 trường có điểm trung bình môn Ngữ văn tăng. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, có 4/5 trường THPT tăng vị trí xếp hạng so với năm trước.
Về phía UBND tỉnh Nghệ An cũng ưu tiên đầu tư phòng học bộ môn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ (2 trường), phòng học Tin học (14 trường), phòng học Ngoại ngữ (14 trường), phòng học Stem (2 trường) và đang triển khai xây dựng phòng học thông minh cho 14 trường.
Tại hội nghị, đại diện huyện, thành thị có trường trọng điểm chất lượng cao đã trao đổi về khó khăn, thuận lợi trong năm đầu tiên thực hiện thí điểm. Các địa phương đều ủng hộ và đầu tư ngân sách cho nhà trường xây dựng cơ sở vật chất.
Huyện Yên Thành từ năm 2015 đến nay đã đầu tư gần 72 tỷ để xây dựng trường THCS Bạch Liêu. Hiện đã nghiệm thu 5 gói hạng mục công trình: phòng học, phòng thực hành, nhà nội trú và nhà thi đấu đa năng.
Hay Tân Kỳ là một huyện miền núi nhưng đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng cho trường THCS Nguyễn Trãi nâng cấp cơ sở vật chất. Trong thời gian tới dự kiến tiếp tục đầu tư thêm 15 tỷ.
Tuy nhiên, các địa phương cũng kiến nghị tỉnh có chính sách riêng để thu hút đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trọng điểm, vì huyện không tự đề ra được cơ chế. Một số trường khuôn viên diện tích không đảm bảo để mở rộng và đầu tư xây dựng hiện đại như Trường THCS Hồ Xuân Hương (huyện Quỳnh Lưu).
Bên cạnh đó, công tác bố trí đội ngũ giáo viên cho các trường, đặc biệt là THCS gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ tổng biên chế bậc học này đang dôi dư nhiều. Trong khi đó, lại thiếu cục bộ một số môn, nhưng không thể tuyển dụng.
Với khối THPT, một số trường vùng cao, dân tộc nội trú, đầu vào học sinh thấp, điều kiện phụ huynh còn hạn chế nên khó triển khai các chương trình tăng cường.
Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành đánh giá nỗ lực và kết quả đạt được của các trường trọng điểm chất lượng cao sau 1 năm học.
Việc xây dựng trường trọng điểm là một quá trình từng bước một, cần tâm huyết, kiên trì. Vì vậy, lãnh đạo Sở mong muốn các nhà trường tiếp tục cố gắng tổ chức tốt công tác dạy và học.
Ông Thái Văn Thành cũng đề nghị các địa phương quan tâm, tạo điều kiện để các nhà trường xây dựng các chương trình giáo dục. Đặc biệt, ủng hộ các nhà trường trong xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trong điều kiện ngân sách không đáp ứng đủ.
Những khó khăn, vướng mắc của các nhà trường, địa phương sau 1 năm triển khai thí điểm, Sở sẽ ghi nhận, tiếp thu để đưa ra giải pháp. tham mưu với UBND tỉnh về cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và đội ngũ. Qua đó, đảm bảo điều kiện để nhà trường thực hiện tiêu chí trường trọng điểm chất lượng cao.