Trong đó sai sót như tẩy xóa diện tích, mức thiệt hại, thiếu đơn xin hỗ trợ, biên bản thẩm định, biên bản họp dân…
Trong vụ lúa Hè Thu, Thu Đông năm 2015 toàn tỉnh Kiên Giang có 16.316 hộ dân bị ảnh hưởng hạn mặn, tổng diện tích thiệt hại 29.700 ha; Vụ Mùa, Đông Xuân 2015 - 2016 có 31.215 hộ ảnh hưởng, thiệt hại trên 56.000ha.
Để giúp người dân có vốn tái sản xuất, ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Kiên Giang ứng ngân sách hỗ trợ cho 47.513 hộ dân với tổng số tiền trên 463 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua các đợt hỗ trợ, ngành chức năng phát hiện nhiều địa phương sai phạm, như lập danh sách khống, kê khai không đúng diện tích, bỏ sót người dân, thu nhiều loại phí khi người dân đến nhận tiền hỗ trợ hạn mặn…
Từ những dấu hiệu sai phạm trên, UBND tỉnh Kiên Giang cho thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về thực hiện chính sách hỗ trợ giống, phân bón… cho người dân bị thiệt hại do thiên tai trên 12 huyện, thành phố tỉnh Kiên Giang.
Theo kết luận số 01/KL-UBND, ngày 08/6/2017 của UBND tỉnh Kiên Giang cho thấy, qua công tác thanh tra, đoàn công tác phát hiện trên 23.000 hồ sơ (chiếm trên 50% hồ sơ) có sai sót như tẩy xóa diện tích, mức thiệt hại, thiếu đơn xin hỗ trợ, biên bản thẩm định, biên bản họp dân…
Ngoài ra, trong quá trình thanh tra có trên 4.600 hộ dân bị bỏ sót hỗ trợ, với tổng diện tích trên 7000ha, kinh phí cần hỗ trợ trên 39 tỷ đồng.
Đặc biệt, phòng chức năng của huyện thẩm định không chính xác trước khi đề xuất với UBND tỉnh công bố thiên tai và quyết định dự toán kinh phí dẫn đến thừa số tiền hỗ trợ hơn 8,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều xã cấp phát sai qui định trên 4,4 tỷ đồng (đã thu hồi trên 3,1 tỷ đồng); Cũng liên quan đến số tiền cấp phát chưa đúng từ việc thẩm định sai đối tượng, diện tích mà xã đang giữ trên 1,3 tỷ đồng. Tổng số tiền mà Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đề nghị các huyện, xã thu hồi nộp lại ngân sách trên 14 tỷ đồng.
Theo đoàn thanh tra, nguyên nhân dẫn đến các sai phạm nêu trên là do công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chưa thật sâu sát của các cấp chính quyền; quy trình thủ tục phức tạp nhưng chưa được cấp thẩm quyền hướng dẫn cụ thể; năng lực nhiều cán bộ về công tác thống kê, thẩm định… còn hạn chế.
Đến khi tổ chức thực hiện thì phòng chức năng huyện, xã thẩm định không chính xác về diện tích, mức thiệt hại, đối tượng… dẫn đến cấp phát sai, thừa tiền.
Từ những dấu hiệu sai phạm nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Chủ tịch UBND các huyện có thiếu sót, sai phạm tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm, có hình thức xử lí kỷ luật đối với cá nhân, tố chức liên quan như trong báo cáo của đoàn thanh tra gửi cho từng huyện.
Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang còn yêu cầu Chủ tịch các huyện Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Hòn Đất chỉ đạo các xã hoàn trả lại hàng trăm triệu đồng từ việc các xã vận động các loại quỹ từ người dân không đúng quy định.
Liên quan đến những sai phạm về hỗ trợ hạn mặn cho người dân, thời gian qua UBND tỉnh Kiên Giang đã xử lý nghiêm minh như huyện Vĩnh Thuận (16 cá nhân, 1 Đảng ủy xã); huyện Gò Quao (23 cá nhân); huyện Giồng Riềng (1 cá nhân); huyện U Minh Thượng (2 cá nhân, 1 Chi bộ ấp)...