Mưa, nắng thất thường
Nông dân vùng ĐBSCL đã bước qua giai đoạn thu hoạch rộ lúa đông xuân 2016 - 2017 và triển khai gieo trồng vụ mới. Thông thường, thời điểm này sẽ có thời tiết thuận lợi nên được xem vụ chủ lực, là vụ lúa “ăn chắc” của bà con nông dân với năng suất, chất lượng cao nhất trong năm. Tuy nhiên, từ hơn một tháng qua, tại các tỉnh ĐBSCL đã xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp.
Những trận mưa to trái mùa bất thường tại Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ thời gian qua đã làm nhiều diện tích lúa đông xuân đang bước vào giai đoạn thu hoạch của bà con nông dân bị tàn phá. Chưa kể mưa trái mùa cũng gây khó khăn và tổn thất trong công tác phơi sấy, tăng cao chi phí thu hoạch nhưng lúa bị giảm chất lượng, giá bán không cao…
Đây là hiện tượng thời tiết bất thường, bởi thông thường, mùa mưa đã chấm dứt từ cuối tháng 11 (âm lịch) của năm cũ, và bắt đầu từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 năm sau. Thời tiết thất thường cũng đã làm năng suất vụ đông xuân bị giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhất là ở giai đoạn lúa trổ đến chín thì thường xuyên có mưa nên bông lúa trên cây đều bị lem lép hạt. Bên cạnh đó, lúa còn bị bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông, chuột cắn phá và rầy nâu tấn công mạnh, mặc dù bà con phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trị rất nhiều nhưng hiệu quả rất thấp.
Dù có những cơn mưa trái mùa thời gian qua, nhưng dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn thì mực nước đầu nguồn sông Cửu Long luôn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, báo hiệu khả năng thiếu nước cho các tỉnh ĐBSCL là rất lớn. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn năm 2017 vì thế sẽ diễn ra gay gắt trong mùa khô. Đặc biệt theo nhận định mới đây của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2017, mặc dù xâm nhập mặn ít gay gắt hơn năm 2015 - 2016 nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn cao nhất có khả năng lên đến 34,2g/l và xuất hiện vào tháng 2, tháng 3/2017. Điều này đòi hỏi các tỉnh ĐBSCL đã phải triển khai sớm các phương án chống hạn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
Lo hạn, mặn tấn công
Tại Hậu Giang, ngành chức năng tỉnh này cho hay, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có khả năng lấn sâu hơn so với năm 2016 và diễn biến hết sức phức tạp. Nước mặn có nhiều khả năng xâm nhập sâu vào nội đồng ở huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh từ Biển Tây theo ngã ba sông Cái Lớn và từ Biển Đông qua ngả sông Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Ngoài ra, khả năng mặn xâm nhập từ phía Biển Đông, sông Hậu ở các khu vực Cái Côn, Mái Dầm của huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp. Mặn cũng có khả năng xâm nhập vào huyện Châu Thành A theo hướng từ thành phố Vị Thanh lên và từ huyện Châu Thành sang.
Kể từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu tới nay, UBND các địa phương, nhất là huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) cũng đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế, Trạm Thủy lợi quan trắc độ mặn hàng ngày và có báo cáo về tỉnh; đồng thời xác định rõ các vùng có khả năng xâm nhập mặn và đề xuất kế hoạch nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn tưới tiêu và trữ ngọt đảm bảo phục vụ tốt cho vụ lúa Xuân hè và Hè thu năm 2017.
UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm để có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa các công trình nhằm ngăn mặn, trữ nước ngọt, nhất là không để nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Đồng thời đắp đập thời vụ, đóng các cửa cống; nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng bị bồi lắng để trữ nước ngọt nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Tại tỉnh Bến Tre, một trong những giải pháp lâu dài được đưa ra là chủ động đắp đập ngăn mặn. Theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, người dân và các doanh nghiệp sẽ còn phải sống chung với hạn mặn đến năm 2022. Khi đó, sông Ba Lai với dự án thủy lợi Bắc Bến Tre mới hoàn thành 5 cống ngăn mặn và dự án thủy lợi Nam Bến Tre hoàn thành 3 cống.
Trước mắt, mùa khô 2016 - 2017, rút kinh nghiệm năm qua, tỉnh sẽ chủ động đối phó với hạn mặn hơn, bằng cách duy trì đập tạm trên sông Cái Cỏ ở xã Quới Thành, huyện Châu Thành là nơi cung cấp nước ngọt thô cho Trạm bơm Cái Cỏ với công suất 30.000 m3/ngày đêm; bổ sung nước ngọt thô cho nhà máy nước Sơn Đông có công suất 32.000 m3/ngày đêm là nhà máy chính cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho nhiều huyện, thành phố, các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Ngoài đập tạm Cái Cỏ, tỉnh cũng đã xác định nhiều con đập khác nếu dự báo nước mặn lên cao, tỉnh sẽ cho đắp ngay để ngăn mặn và trữ nước ngọt phục vụ sản xuất.
Dẫu các chỉ đạo của địa phương và cơ quan chức năng rất rốt ráo và quyết liệt, nhưng người nông dân khi trao đổi đều bày tỏ sự lo lắng, khi mà nghề nông vẫn trông chờ chủ yếu vào thời tiết, mà sự bất thường của ông trời ngày càng rõ, cho thấy biến đổi khí hậu ngày càng hiển hiện rõ ở vùng sông nước này, đặc biệt là hạn hán và xâm ngập mặn.