Hội thảo do Trường ĐH Kiên Giang và Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức. Tham dự hội thảo đại diện Ban Quản lý đề án ngoại ngữ (Bộ GD&ĐT), lãnh đạo Sở GD&ĐT Kiên Giang, Trường ĐH Kiên Giang cùng hơn 230 giảng viên, giáo viên ở các trường Đại học, THPT, THCS, TH, Trung tâm GDTX trong và ngoài tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Tuấn Khanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang nhấn mạnh: Với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc dạy và học tiếng Anh là tất yếu. Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục.
Việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025 có mục tiêu chung là đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tiếp tục triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc. Tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông năm 2025.
Tại hội thảo, ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết, kết quả dạy và học tiếng Anh của tỉnh Kiên Giang thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như: điều kiện học tập của thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo còn khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc soạn bài, giảng dạy còn hạn chế. Việc đổi mới phương pháp dạy, học truyền thống qua dạy học tích cực còn ít…
Theo ông Trần Quang Bảo, nguyên nhân cơ bản là do cơ sở vật chất phục vụ việc dạy tiếng Anh ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo chưa đảm bảo. Học sinh nghe nói chủ yếu chỉ mới thông qua bài học do giáo viên tự chuẩn bị. Một số thầy cô dạy tiếng Anh của tỉnh còn hạn chế về kỹ năng nghe, nói tiếng Anh. Động lực học tiếng Anh của học sinh chủ yếu là để vượt qua kỳ thi, chưa hướng đến kỹ năng thực hành trong thực tế…
Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã trình bày 12 tham luận và thảo luận các vấn đề như: Tại sao người học thiếu động cơ học tập trong lớp học tiếng Anh; Mô hình học tập “Blended learning - học tập phối hợp” nào là thực tế; Một số giải pháp để khuyến khích học sinh yếu tham gia vào các hoạt động học tập; Những yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ vào hệ thống giáo dục Việt Nam; Sẵn sàng cho giáo dục trong giai đoạn công nghiệp 4.0; Làm thế nào để tạo ngữ cảnh giao tiếp tự nhiên trong lớp học…