Kiên Giang: Bí quyết “chuyển mình” mạnh mẽ của giáo dục tiểu học

GD&TĐ - Kiên Giang là một trong 36 tỉnh tham gia Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) giai đoạn 2010 - 2015. Vượt qua khó khăn ban đầu, công tác triển khai, thực hiện Chương trình tại các huyện và trường học tham gia SEQAP của tỉnh ngày càng nhịp nhàng, hiệu quả, từng bước tháo gỡ những khó khăn cho trường học.

Các em HS Trường TS Bình Sơn (huyện Hòn Đất - Kiên Giang) tham gia trò chơi dân gian trong giờ ngoại khóa
Các em HS Trường TS Bình Sơn (huyện Hòn Đất - Kiên Giang) tham gia trò chơi dân gian trong giờ ngoại khóa

Ông Lê Anh Huy - Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Kiên Giang) - chia sẻ những kinh nghiệm quý trong triển khai, thực hiện SEQAP, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học của địa phương.

Tuyên truyền hướng tới 2 đối tượng

- Tuyên truyền luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của các chương trình, dự án giáo dục. Với SEQAP, đối tượng hướng đến là học sinh tiểu học ở những vùng khó khăn nên việc tuyền truyền trong ngành, trong cộng đồng càng quan trọng hơn, đồng thời cũng khó khăn hơn. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của Kiên Giang trong công tác này? 

Về công tác tuyên truyền, Sở GD&ĐT Kiên Giang chỉ đạo các phòng GD&ĐT thực hiện theo yêu cầu từ Ban quản lý SEQAP trung ương. Nhiệm vụ dạy học cả ngày (FDS) hàng năm cũng được triển khai trong hội nghị hiệu trưởng tiểu học toàn tỉnh đầu năm học.

Công tác tuyên truyền cho chính quyền địa phương, nhân dân trong vùng được chú ý tại các cuộc họp, hội thảo nhỏ tổ chức tại xã  Nhà trường họp Ban đại diện cha mẹ học sinh xoay quanh các nội dung về kế hoạch chuyển sang FDS của trường và  giám sát thực hiện quỹ Giáo dục nhà trường và quỹ Phúc lợi học sinh của SEQAP cấp cho trường; từ đó, thúc đẩy vai trò của tổ chức chính quyền, Ban đại diện cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của các đoàn thể địa phương như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội khuyến học...

Tại  Ban quản lý SEQAP cấp huyện cũng tổ chức cuộc họp với các phòng ban liên quan và đại diện các trường tham gia SEQAP (mỗi cuộc khoảng 25 người) để thống nhất lộ trình chuyển sang FDS của các trường trong huyện và công tác phối kết hợp của phòng tài chính, phòng xây dựng, phòng nội vụ trong việc chỉ đạo triển khai.

Kiên Giang thực hiện tuyên truyền hướng tới 2 đối tượng: Trong nội bộ ngành giáo dục để quyết tâm thực hiện Chương trình và tuyên truyền trong cha mẹ học sinh; trong cộng đồng để hưởng ứng, hỗ trợ. Thời gian đầu tham gia SEQAP, các trường đã chú trọng tuyên truyền tổ chức học cả ngày trong các cuộc họp với cha mẹ học sinh đầu năm và mỗi học kỳ.

Nhìn chung, chính quyền địa phương đều hiểu mục tiêu của Chương trình và việc hỗ trợ để chuyển sang FDS; cha mẹ học sinh nhận thức cho con đi học cả ngày có chuyển biến tích cực. Qua đó, họ đã ủng hộ về tinh thần, vật chất cho nhà trường để tổ chức FDS. Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng nhà trường thực hiện đảm bảo tính công bằng trong xét duyệt cho các đối tượng học sinh nghèo, học sinh dân tộc, vùng sâu, xa được hưởng lợi từ các Quỹ của SEQAP.

Nghiêm túc tập huấn và nâng cao tinh thần tự học

- Cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục là người trực tiếp triển khai SEQAP, nên việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ này qua tập huấn là vô cùng quan trọng. Ông có thể chia sẻ cách làm của Kiên Giang, để từ các đợt tập huấn, cán bộ quản lý, giáo viên thống nhất cao quan điểm, cách làm, từ đó áp dụng có hiệu quả trong trường học?

Riêng công tác bồi dưỡng, tập huấn, Sở GD&ĐT đã điều động, đề cử cán bộ cốt cán cấp tỉnh tham gia lớp tập huấn do Ban quản lý SEQAP trung ương tổ chức.

Hàng năm, sau khi có hướng dẫn của Ban quản lý SEQAP trung ương, Sở GD&ĐT bắt tay vào xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng trong năm và hướng dẫn Ban quản lý SEQAP huyện tổ chức tập huấn, triển khai cho các trường tham gia SEQAP trong huyện.

Giảng viên các lớp tập huấn do huyện tổ chức là cốt cán cấp tỉnh đã được tham gia lớp tập huấn của ban quản lý SEQAP TW.

Mỗi nội dung tập huấn gồm 3 ngày nghe giảng tập trung, 2 ngày giải đáp thắc mắc và 10 ngày tự học.

Các đợt tập huấn từ cấp tỉnh đến cấp trường đều được tổ chức đúng theo quy trình, kế hoạch, hướng dẫn và dự toán kinh phí đầy đủ, đáp ứng cho yêu cầu tổ chức lớp. Số lượng học viên các lớp tập huấn được chia phù hợp, không quá đông hoặc quá ít làm ảnh hưởng đến chất lượng lớp học.

Địa điểm tổ chức đảm bảo tốt và hiệu quả; trang thiết bị, tài liệu, văn phòng phẩm… đầy đủ phục vụ cho các hoạt động học tập. Báo cáo viên có kế hoạch giảng dạy chi tiết, đảm bảo mục tiêu của từng modul. Học viên học nghiêm túc, tích cực thảo luận và được đánh giá ở mỗi cuối đợt tập huấn.

Quá trình bồi dưỡng đã tạo điều kiện cho đội ngũ quản lý các cấp nâng cao tay nghề; đội ngũ giáo viên vững tin về phương pháp, đồng thời khai thác và áp dụng phù hợp với tình hình lớp học và học sinh…

Việc tự học của giáo viên thực hiện khá nghiêm túc. Trong sinh hoạt tổ khối có thảo luận việc ứng dụng các modul đã học vào thực tế dạy học. Nhiều khó khăn, vướng mắc được đem ra giải quyết.

Các đơn vị, trường học đã tập trung khá cao giao quyền chủ động cho giáo viên theo tinh thần chỉ đạo chung của Ngành; chỉ đạo, hướng dẫn phối hợp linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phát huy tính tích cực của học sinh trong tiếp thu kiến thức và rèn luyện kĩ năng thực hành.

Tăng cường các hình thức học tập sinh động, nhẹ nhàng, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các tiết học ngoài trời. Tăng cường sử dụng thường xuyên và sử dụng có hiệu quả các thiết bị đồ dùng dạy học trong các tiết dạy.

Chỉ đạo quyết liệt làm nên chuyển động tích cực

- Là một trong những người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo triển khai SEQAP trên địa bàn tỉnh, ông đánh giá thế nào về tác động của Chương trình này đối với chất lượng giáo dục tiểu học của Kiên Giang trong thời gian qua?

Trước hết, có thể nói, việc chuyển đổi từ dạy học một buổi sang cả ngày là sự chuyển mình mạnh mẽ và quyết liệt của hiệu trưởng nhà trường và lãnh đạo các cấp quản lý giáo dục, cùng chính quyền địa phương. Sự thay đổi quan niệm của cha mẹ học sinh là khá rõ nét trong việc đồng tình, hưởng ứng và tạo điều kiện để con em được đi học cả ngày và hạn chế nghỉ học, bỏ học...

Với sự hỗ trợ của SEQAP, số học sinh được ăn trưa tại trường tăng đều hàng năm. Nếu năm học 2010 – 2011 có 2.276 em được hỗ trợ ăn trưa thì năm học 2014 – 2015 số lượng này đã tăng lên 8.095 em . Sang học kỳ II năm học 2013 – 2014, định mức hỗ trợ ăn trưa tăng lên đã tác động rõ nét đến việc duy trì học sinh đi học đều.

Cải thiện rõ nét nhất là trong dạy học từ thầy cô giáo được tập huấn các modul thiết thực để nâng cao tay nghề, để tổ chức lớp học theo hướng linh hoạt, hiệu quả hơn; được cung cấp tài liệu hỗ trợ việc chuẩn bị nội dung dạy học cho thời lượng tăng thêm.

Việc học cả ngày giúp học sinh có cơ hội nâng cao chất lượng học tập: có nhiều thời gian hơn củng cố kiến thức, kỹ năng và hoàn thành các bài tập theo yêu cầu, từ đó tiến bộ hơn trong cách học như chủ động, tích cực, tính hợp tác cao khi làm việc theo nhóm.

Thời gian tăng thêm tập trung tăng cường cho 2 môn Tiếng Việt, Toán và hoạt động giáo dục ngoài giờ. Vì vậy, chất lượng giáo dục giữa điểm chính và điểm lẻ được rút ngắn. Giáo viên có thời gian chủ động lựa chọn nội dung để củng cố kiến thức cho học sinh; có thời gian kèm cặp học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi...

Từ nguồn vốn của SEQAP, địa phương đã có nhiều giải pháp như: Kết hợp thực hiện Chương trình với điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học và chuẩn hóa trường, lớp học theo hướng đạt chuẩn quốc gia; sử dụng nguồn ngân sách địa phương, đóng góp từ nhân dân, các nhà tài trợ khác… nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu cho dạy học cả ngày.

Tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các phòng học và phòng học đa năng, đáp ứng nhiệm vụ chung của nhà trường trong việc tổ chức dạy học FDS. Qua 4 năm, với sự hỗ trợ của SEQAP, Kiên Giang đã xây dựng  bổ sung được 54 phòng học, 32 nhà vệ sinh và 4 phòng học đa năng cho 50 trường tham gia .

Giáo dục Kiên Giang đã có sự thay đổi lớn về cơ sở vật chất,nâng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong nhiều năm qua. Hiện, tỉnh có 149 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó cấp tiểu học nhiều nhất với 84 trường.

Những trường FDS, tỷ lệ học sinh yếu giảm dần: 2,98% năm 2010 - 2011 xuống còn 1,97% năm 2013 - 2015 (môn Tiếng Việt); 2,84% năm 2010 - 2011 xuống còn 1,57% năm 2013 -2015 (môn Toán). 
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ