Kiến giải cho năm học mới

GD&TĐ - Năm học 2023 - 2024, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, dự báo ngành Giáo dục sẽ đối diện với không ít khó khăn, thách thức...

Học sinh Trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hà Nội) trong tiết học về trường học hạnh phúc. Ảnh: ITN
Học sinh Trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hà Nội) trong tiết học về trường học hạnh phúc. Ảnh: ITN

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội gợi mở một số việc cần làm nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Phát triển văn hóa học đường

Bà Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QH

Bà Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QH

Năm học 2022 - 2023, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây là năm học mà toàn ngành tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và là năm đầu tiên tổ chức ở cấp THPT. Qua theo dõi và giám sát, tôi nhận thấy, về cơ bản việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi vào nền nếp.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực trạng, tôi có nhiều trăn trở và mong ngành Giáo dục sớm khắc phục trong năm học mới. Đó là tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục; quá tải ở các trường học tại thành phố lớn vẫn tiếp tục tái diễn, gây bức xúc trong dư luận; điển hình là việc phụ huynh ở Hà Nội phải xếp hàng xuyên đêm để nộp hồ sơ đăng ký cho con vào lớp 10. Ngoài ra, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra.

Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn ý kiến trái chiều, với nhiều khó khăn, bất cập. Chẳng hạn như, dạy tích hợp ở cấp THCS, chọn sách giáo khoa vẫn lúng túng. Do đó, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục rà soát để có hướng khắc phục, điều chỉnh.

Tôi được biết, Bộ GD&ĐT có đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đây là động thái tích cực của Bộ, thể hiện sự quan tâm đồng hành với giáo viên. Mặt khác, nếu đề xuất này thành hiện thực sẽ cải thiện phụ cấp, tăng thu cho giáo viên mầm non. Tôi hy vọng, với sự nỗ lực của toàn ngành, những khó khăn vướng mắc dần được cải thiện.

Ngoài ra, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục quan tâm hơn nữa đến văn hóa học đường. Hiện, chúng ta mới phản ánh một chiều về giáo dục đạo đức cho học sinh. Tôi cho rằng, cần nhấn mạnh đến đạo đức của người thầy. Phát triển văn hóa học đường phải có nỗ lực của thầy và trò và là tổng hòa mối quan hệ bên trong cũng như bên ngoài nhà trường. Làm sao để giáo viên, học sinh có lối sống đẹp và văn minh. Làm được điều này sẽ tháo gỡ được nhiều nút thắt trong phát triển giáo dục toàn diện.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): Xây dựng mô hình trường học tiên tiến

TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: INT

TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: INT

Bước vào năm học mới, tôi mong ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản trị. Các trường đẩy mạnh giáo dục STEM, đưa tinh thần liên môn, tích hợp để giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống vào trong bài học. Ngành Giáo dục, địa phương cần tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên phát huy sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm đáp ứng tốt yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ở các địa phương, triển khai các nhiệm vụ dạy học, hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không tuyển dụng được người dạy khiến khó chồng khó trong dạy học.

Khó khăn nhất là dạy học tích hợp ở cấp THCS đối với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Trước đây, giáo viên đều được đào tạo đơn môn nên dù được bồi dưỡng để có thể dạy tích hợp nhưng kết quả chưa như mong muốn. Từ thực tế này, Bộ GD&ĐT cần sớm xem xét, điều chỉnh dạy học tích hợp ở cấp THCS, tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy - học.

Với các địa phương, việc cần làm lúc này là tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc… Căn cứ vào thực tế, có thể điều chuyển giáo viên từ nơi này sang nơi khác nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần kiên trì tham mưu, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội để ban hành chính sách hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần, giúp thầy, cô yên tâm công tác, hạnh phúc với nghề và sẵn sàng cho những đổi mới trong giáo dục. Từ đó lan tỏa hạnh phúc đến học sinh, tạo nền tảng xây dựng trường học hạnh phúc. Và đặc biệt, cần trao quyền tự chủ cho trường công để xây dựng mô hình trường học tiên tiến: Tự chủ – dân chủ – nhân văn – sáng tạo.

Bà Hồ Thị Minh - đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị: “Chặn” tình trạng lạm thu đầu năm học

Bà Hồ Thị Minh. Ảnh: QH

Bà Hồ Thị Minh. Ảnh: QH

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Giáo dục đã chỉ đạo, điều hành và triển khai quyết liệt các nhiệm vụ năm học 2022 - 2023; trong đó có thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mục tiêu chương trình là đổi mới căn bản, toàn diện về nội dung, phương pháp dạy học. Song, để thực hiện đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, bao gồm cả nhân lực, vật lực.

Tuy nhiên, hiện điều kiện bảo đảm thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới ở các địa phương hầu như chưa được đáp ứng. Nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học bộ môn và thiết bị dạy học tối thiểu. Đặc biệt, tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới, giáo viên dạy môn tích hợp xảy ra ở hầu hết tỉnh, thành trên cả nước.

Từ thực tế trên, theo tôi cần có giải pháp tổng thể và dài hơi. Trong bối cảnh thiếu giáo viên như hiện nay, Bộ GD&ĐT, các địa phương cần tham mưu, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội về việc không thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục. Để đảm bảo tính thuyết phục, việc này cần thực hiện bài bản, khoa học và gắn với thực tiễn về số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học mới, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần căn cứ theo thực tế của địa phương để có quyết sách đúng và trúng. Trước mắt, cần thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc, công bằng việc bổ nhiệm, thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, giúp thầy, cô yên tâm công tác. Ngoài ra, làm tốt công tác quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục, thực hiện tốt phân luồng học sinh sau THCS. Đối với đội ngũ giáo viên, cần chú trọng phẩm chất đạo đức và thái độ làm việc, để “thầy ra thầy, trò ra trò”.

Một vấn đề mà dư luận quan tâm đó là tình trạng lạm thu đầu năm học. Tôi mong rằng, vấn đề này sẽ không xảy ra trong năm học mới. Đặc biệt, cần gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Muốn vậy, phải thống nhất về khoản nào được phép thu theo hình thức xã hội hóa và khoản nào không được phép thu. Cơ sở giáo dục cần công khai, minh bạch các khoản thu chi, nếu phát hiện đơn vị nào lạm thu, cần xử lý thật nghiêm để tạo tính răn đe trước toàn ngành.

PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng bộ môn Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội): Truyền thông đúng và đủ

PGS.TS Phạm Thị Huyền. Ảnh: NVCC

PGS.TS Phạm Thị Huyền. Ảnh: NVCC

Phải khẳng định, tự chủ đại học là chủ trương đúng để huy động được các nguồn lực của toàn xã hội cho phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, do khái niệm “tự chủ” được hiểu chưa đầy đủ, thiên về “tự chủ tài chính”, ít nghĩ tới các khía cạnh khác còn quan trọng hơn như: Tự chủ tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, tự chủ học thuật.

Xã hội nói chung và nhiều gia đình, người học cho rằng, tự chủ gắn liền với học phí tăng bởi các trường phải “tự lo”, hoặc tự chủ là “tự do”, muốn làm gì thì làm, chất lượng sẽ không đảm bảo. Tư duy này làm cho các trường ngại tự chủ, người học và gia đình cũng ngại theo học các trường tự chủ.

Từ thực tế nêu trên, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần chung tay góp sức cùng các trường đại học trong công tác truyền thông về tự chủ đại học. Quá trình truyền thông không nhấn mạnh vào tự chủ tài chính, mà cần nhấn mạnh vào tự chủ học thuật. Trong đó, có liên quan tới việc các trường tự chủ có thể phát triển chương trình đào tạo riêng biệt trên cơ sở tiếp thu tri thức mới, bối cảnh mới, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động với các kiến thức và kỹ năng mà các chương trình đào tạo cũ không đáp ứng được.

Nhờ tự chủ, trường đại học có thể chủ động thực hiện các hoạt động khoa học, trao đổi học thuật, liên kết nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Qua đó, tạo cơ hội cho người học được tham gia, trải nghiệm và thực hành thực tế ngay khi còn trên ghế nhà trường; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Về tự chủ tài chính, tài sản. Hiện, các trường tự chủ có thể chủ động hơn trong đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội xây dựng phòng thí nghiệm, thư viện, công trình hỗ trợ đào tạo. Qua đó tạo nên không gian học thuật đạt chuẩn quốc tế.

Các trường tự chủ có thể chủ động liên doanh, liên kết để đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp cho người học, từ học tập chính khóa, bồi dưỡng kỹ năng cho đến giải trí… Tất cả điều đó tạo nên hệ thống cung cấp dịch vụ giáo dục đại học chất lượng cao. Và với chất lượng đó, việc thu đúng, thu đủ học phí là cần thiết. Người học và xã hội sẽ không còn nghi ngờ, phàn nàn về học phí hay tư duy tự chủ là tự do, hay tự chủ là tự lo ở các trường đại học chưa tự chủ hiện nay.

Thực tế cho thấy, hiện có sự thiếu đồng bộ trong các chính sách liên quan tới vận hành trường đại học tự chủ. Vì vậy, mong Bộ GD&ĐT cùng với cơ quan quản lý Nhà nước sớm tiến hành rà soát, sớm sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật để tự chủ đại học được triển khai hiệu quả hơn.

Đặc biệt, với vai trò của người lao động, tôi cũng hy vọng quyền làm chủ của người lao động với hoạt động của trường đại học công lập tự chủ được quy định rõ nét hơn trong văn bản pháp luật được sửa đổi đó.

Ngoài ra, tôi cũng mong Bộ GD&ĐT khi ban hành văn bản mới, cần có sự tham vấn ý kiến của các trường để thực hiện truyền thông đúng, đủ, để không ảnh hưởng tới uy tín của ngành Giáo dục và hoạt động của nhà trường.

“Bộ GD&ĐT cần chủ động tham mưu với Chính phủ và tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để có cơ chế, chính sách cải thiện thu nhập cho giáo viên; đồng thời thu hút, giữ chân thầy cô giỏi và học sinh giỏi vào ngành Sư phạm”, bà Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.