Kiên định với mục tiêu đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Ngành GD đang trong quá trình đổi mới, không có một phương án nào là tối ưu trong lúc này, kể cả vấn đề thi cử. Khi đưa ra nhận định, cần bình tĩnh, phân tích một cách khách quan, đừng xoáy sâu vào những hiện tượng cá biệt. 

Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã và đang được toàn ngành GD triển khai đồng bộ, đúng hướng
Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã và đang được toàn ngành GD triển khai đồng bộ, đúng hướng

GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - chia sẻ quan điểm cá nhân trong cuộc trao đổi với các chuyên gia xung quanh Kỳ thi THPT quốc gia tại trụ sở Chính phủ mới đây. Đây cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia khi góp ý cho Kỳ thi THPT quốc gia.

Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có nêu: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực HS, làm cơ sở cho việc tuyển sinh GD nghề nghiệp và GD ĐH… Đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo…

“Nghị quyết 29 không phải là văn bản của Sở GD&ĐT hay Bộ GD&ĐT; mà đây là Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy phải thực hiện. Sai ở đâu thì phải kiểm điểm ở đó, tức là có phân cấp”  
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm 

GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, Bộ GD&ĐT đang thực hiện và thực hiện có phần tốt Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có đổi mới thi cử. Chủ trương thi như vừa qua là tốt, là đúng theo Nghị quyết 29, giảm chi phí cho xã hội, giảm khó khăn vất vả cho các gia đình và được xã hội hoan nghênh. Ai cũng có con đi thi ĐH cũng có thể thấy rất rõ điều này. Không chỉ vì sự việc ở một số địa phương mà phủ nhận hết tất cả những kết quả của kỳ thi.

Đổi mới thì cử thể hiện rõ vai trị quản lý vĩ mô của ngnh GD

Đổi mới thì cử thể hiện rõ vai trị quản lý vĩ mô của ngnh GD

Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Bộ GD&ĐT trong kỳ thi vừa qua cũng đã rất sát sao và đang thực hiện đúng chức năng quản lý vĩ mô, đó là cử người xuống giám sát tại các điểm thi. Bộ GD&ĐT quản lý vĩ mô, tức là kiểm tra, giám sát, đánh giá, đưa ra các quy chế, chính sách, chứ không đi chấm thi, đi coi thi và không tổ chức kỳ thi. Cần phân biệt rõ ràng điều này và đánh giá đúng cố gắng của Bộ GD&ĐT.

Đổi mới đúng hướng thì cần kiên định

PGS.TS Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội (Đoàn Hà Nội, khoá XIII), hiện là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội - khi đánh giá về Kỳ thi THPT quốc gia cũng chỉ ra 3 mục tiêu rất rõ ràng mà Nghị quyết 29 đề cập, đó là: Giảm áp lực, tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy; Đánh giá đúng năng lực HS, làm cơ sở cho việc tuyển sinh vào các trường ĐH; Trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở GD ĐH.

Theo đại biểu, mục tiêu 1 về cơ bản Kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được; mục tiêu 2 nếu các tỉnh chấm đúng, chấm nghiêm túc, vẫn có thể đạt được; riêng mục tiêu 3 còn phải bàn thêm.

Tinh thần đổi mới GD đang lan tỏa mạnh mẽ

Tinh thần đổi mới GD đang lan tỏa mạnh mẽ

“Mới đây tôi được dự một lễ trao giải cho các HS khuyết tật và cảm thấy vô cùng xúc động. Nhận giải thưởng hôm đó có một em đi thi ĐH bị tai nạn và sau thành khuyết tật. Với trên 900.000 HS, bằng với từng ấy gia đình, trong đó có gia đình ở vùng sâu, vùng xa đi về thành phố đi thi, gặp rất nhiều khó khăn, vất vả… Riêng chuyện này, tôi đánh giá rất cao Kỳ thi THPT quốc gia vì giảm tải cho xã hội rất lớn và kéo theo rất nhiều lợi ích. Đó là điều tôi nghĩ không ai có thể phủ nhận được” – PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

“Giai đoạn trước mắt, tôi nghĩ các trường ĐH vẫn có thể chủ động, dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể tuyển được SV. Nếu sau 2020, không thích hợp lắm thì ta phân cấp thi THPT triệt để cho địa phương. Thấy cái gì phù hợp phải kiên quyết, đừng thấy khó là bỏ ngay” – PGS.TS Bùi Thị An nêu ý kiến. 

Cho rằng cần thiết duy trì Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho tuyển sinh GD ĐH, tuyển sinh nghề nghiệp, theo PGS.TS Bùi Thị An, từ nay đến năm 2020, cần tổ chức thật tốt, sửa các vấn đề kĩ thuật liên quan đến kỳ thi. Đầu tiên ra đề chuẩn; công tác giám sát kỳ thi chặt chẽ, trong đó có thể sử dụng công nghệ thông tin… Đổi mới thi cử, vấn đề cơ bản, cốt lõi vẫn là xây dựng đội ngũ cán bộ GD có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ. Những vi phạm thi cử phải xử lý thật nghiêm, thực hiện đúng Nghị quyết T.Ư 4 – không ngoại lệ, không vùng cấm.

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng nếu làm tốt được những đổi mới tổ chức kỳ thi như vừa nêu ở trên, các trường ĐH có thể xem xét để lấy điểm tuyển sinh. Còn chuyện các trường ĐH muốn chọn lọc thêm thì có thể tổ chức thi cụm. Tuy vậy, bà cũng lưu ý rằng hiện nay là thời đại công nghiệp 4.0, nếu chúng ta lựa chọn con người tốt và sử dụng camera giám sát coi thi, chấm thi thì có thể hạn chế được rất nhiều tiêu cực.

Cho rằng chất lượng kỳ thi và kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là vấn đề chúng ta cần phân tích, đánh giá, GS.TS Nguyễn Thị Doan đồng thời cho rằng vẫn nên tiếp tục duy trì kỳ thi như hiện nay nhưng cần xem lại cách ra đề và thêm nhiều đề thi trong ngân hàng hơn nữa để lựa chọn; đồng thời, chỉnh sửa những sơ suất trong phần mềm; đề nghị Bộ GD&ĐT quản lý khâu chấm thi, không phải mang về Bộ chấm, có thể chấm thi chung theo cụm… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ