Ảnh MH |
(GD&TĐ) - Mới đây, tại Hội nghị giao ban giáo dục các tỉnh trung du, miền núi phía bắc do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tổ chức, tỉnh Bắc Giang được coi là một trong những địa phương có số trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất vùng (69,06%).
Ðiều đó cho thấy Bắc Giang đã có những hướng đi đúng đắn trong việc bảo đảm các điều kiện, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Tạ Thị Hồng Lan, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) không giấu được niềm vui bên ngôi trường mới đưa vào sử dụng từ năm học 2012-2013. Trước đây, ngôi trường này khá chật chội, chỉ có tám phòng dành cho 18 lớp học cho nên nhà trường phải tận dụng các phòng học cấp bốn xuống cấp, học hai ca. Các hoạt động ngoại khóa, thực hành thí nghiệm hết sức khó khăn. Kể từ khi thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, với mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng, Trường THCS Hoàng Văn Thụ được xây dựng khang trang trên diện tích rộng rãi với tổng số 43 phòng, trong đó có 20 phòng học, còn lại các phòng chức năng, phòng bộ môn và phòng hiệu bộ... "Cơ sở vật chất đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sư phạm. Học sinh chỉ học một buổi, thời gian còn lại dành cho hoạt động ở phòng học chức năng Lý, Hóa, Sinh, Tin... từ đó tạo điều kiện cho các thầy giáo, cô giáo mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy" - cô Lan chia sẻ. Cùng chung niềm vui, cô giáo Nguyễn Thị Tươi, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng (TP Bắc Giang) kể lại: Ngôi trường cũ trên diện tích khoảng một nghìn m2, nằm gần cánh đồng, cạnh nhà máy sản xuất, sập sệ, nền bị lún nứt... Vì vậy, nhiều phụ huynh không muốn cho con em đến lớp, quy mô nhà trường chỉ hơn 100 cháu. Tuy nhiên, cách đây ba năm, kể từ khi chuyển ra cơ sở xây dựng mới trên diện tích hơn 4,5 nghìn m2 với các khu sân chơi, phòng học khép kín, nay số học sinh tăng lên hơn 500 cháu.
Cách TP Bắc Giang hơn 70 km, không có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi như ở khu vực trung tâm của tỉnh nhưng thầy giáo Nguyễn Hải Vũ, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Hải (huyện Lục Ngạn) lại có niềm vui khác. Mặc dù trường học thuộc vùng lòng hồ Cấm Sơn, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh nhưng chuyện học nơi đây đã dần đổi thay. Với tổng số 24 lớp học ở năm điểm trường, rải rác ở các thôn, bản quanh hồ và những "đảo" giữa hồ nhưng toàn bộ cơ sở vật chất đều được kiên cố hóa khang trang, tạo điều kiện thuận lợi và giúp học sinh yên tâm đến lớp, học tập chuyên cần. Qua đó, các thầy giáo, cô giáo cũng tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, không còn tình trạng "dạy chay" như trước. Ðến nay, ở Trường tiểu học Sơn Hải có hơn 95% số học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên, nhiều học sinh đoạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện. Dù là vùng khó khăn nhưng năm học 2012-2013, trường vinh dự có một giáo viên đoạt danh hiệu Giáo dạy giỏi cấp tỉnh.
Xác định rõ yêu cầu đặt ra trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã sớm triển khai thực hiện nhiều hoạt động, nhất là đề án kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên (xây mới, thay thế, xây thêm 4.264 phòng học và phòng chức năng, 1.244 phòng công vụ giáo viên...; tổng nguồn vốn khoảng 828 tỷ đồng) nhằm xóa phòng học nhờ, học tạm, góp phần tăng quy mô trường, lớp, học sinh. Ðáng chú ý, tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đầu tư xây dựng kiên cố trường, lớp học để triển khai đồng bộ ở các cấp, các địa bàn với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của nhân dân. Việc lựa chọn địa điểm đầu tư các phòng học, nhà công vụ giáo viên phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo của tỉnh cho nên các công trình đã phát huy hiệu quả tốt.
Theo Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ðức Hiền, Giám đốc Sở GD và ÐT Bắc Giang, xác định việc triển khai kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên có ý nghĩa thiết thực với phát triển giáo dục, vì vậy, Bắc Giang đã kết hợp hài hòa các nguồn vốn đầu tư, từ nguồn trái phiếu Chính phủ tạo "cú huých" huy động nguồn vốn của tỉnh, các huyện, xã và xã hội hóa cho xây dựng cơ sở vật chất. Mặt khác, tỉnh kết hợp đưa điều kiện xây dựng trường chuẩn quốc gia làm chỉ tiêu trong hoạt động của các đảng bộ, chính quyền địa phương nhằm tăng hiệu quả và tạo sự đồng thuận của người dân. Vì vậy các nguồn lực của địa phương phục vụ cho việc xây dựng trường, lớp học, trường chuẩn quốc gia được huy động tốt hơn. Thực tế ở Bắc Giang cho thấy, dù tỷ lệ hỗ trợ của tỉnh, Trung ương khoảng 80%, các địa phương đối ứng khoảng 20% nhưng có những trường học được xây dựng xong, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và tỉnh chỉ chiếm hơn 55%, số còn lại do huy động của địa phương, từ các nguồn tài trợ. Ðiều đó cho thấy sự vào cuộc tích cực, quan tâm đến đầu tư công trình, phục vụ phát triển giáo dục được chính quyền và người dân nơi đây chú trọng, theo đúng mục tiêu đề ra. Nhiều huyện, thành phố xây dựng cơ chế và phương án huy động các nguồn kinh phí nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp học hiệu quả như: TP Bắc Giang, ngoài ngân sách tỉnh và Trung ương đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân... ủng hộ xây dựng trường, lớp học gắn với xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Huyện Yên Dũng chi ngân sách huyện hỗ trợ thêm các xã nghèo là 5%; các xã miền núi hỗ trợ 15%; các xã còn lại 20% giá trị xây lắp theo định mức chung. Huyện Hiệp Hòa chi ngân sách huyện hỗ trợ năm 2008 là 20 triệu đồng/phòng; năm 2009, 2010 là 30 triệu đồng/phòng học xây dựng kiên cố hóa...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học ở Bắc Giang bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Việc bố trí các nguồn vốn hằng năm chưa kịp với tiến độ đầu tư xây dựng đã làm hạn chế hiệu quả đầu tư và gây khó khăn cho các nhà thầu. Một số nơi, công tác thiết kế, lập dự toán còn mắc sai sót trong việc tính toán khối lượng. Ðiển hình như ở huyện Sơn Ðộng có sai phạm phải thu hồi và nộp ngân sách nhà nước hơn 154 triệu đồng; giảm trừ số tiền khi quyết toán hơn 223 triệu đồng. Tại huyện Lạng Giang, Lục Nam và Lục Ngạn thu hồi hơn 579 triệu đồng do vi phạm trong việc phân bổ nguồn vốn, sai phạm về khối lượng thi công, áp sai định mức, đơn giá và không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế của các công trình... Mặt khác, theo NGƯT Nguyễn Ðức Hiền, cơ sở vật chất cho giáo dục dù được chú trọng nhưng hiện nay mới dừng ở mức kiên cố hóa, đủ phòng học. Nhiều nơi còn thiếu thiết bị đồng bộ, sân chơi, bãi tập, phòng nhạc, họa, thể chất...
CÓ thể nói, những khó khăn đang đòi hỏi tỉnh Bắc Giang cần có thêm những giải pháp hữu hiệu nhằm đồng bộ về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, với địa bàn là tỉnh miền núi, trong đó có bốn huyện vùng núi cao, quá trình nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường, lớp học của Bắc Giang những năm qua đã góp phần quan trọng làm cho bộ mặt nhiều trường học được thay đổi rõ rệt, thật sự là điểm sáng về văn hóa, giáo dục của địa phương, góp phần nâng cao dân trí, nhất là ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trường học được xây dựng mới, bảo đảm khang trang, thoáng mát, cảnh quan sư phạm xanh, sạch, đẹp thân thiện với học sinh tạo cơ hội bình đẳng về quyền hưởng lợi trong giáo dục, giúp giáo viên yên tâm, tích cực công tác góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thúc đẩy tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của Bắc Giang ngày một tăng cao.
- Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có có 834 trường học; trong đó có 558 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 69,06%); tỷ lệ phòng học kiên cố của giáo dục phổ thông đạt 85,9%. - 194/230 xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi; 248 trường tiểu học, 12,52% học sinh THCS và 24,07% học sinh THPT được học hai buổi/ngày. (Nguồn: Sở GD và ÐT Bắc Giang) |
Theo Báo Nhân dân