Năm nay, thay vì kiểm tra hết môn và thi tốt nghiệp như bình thường, nhiều trường buộc phải chuyển sang thi trực tuyến nhằm đảm bảo tiến độ học tập, tốt nghiệp của sinh viên.
Giảng viên được chủ động xây dựng đề thi, dạng thức thi
Do tác động của dịch Covid-19 tại TPHCM nên việc học tập của sinh viên các trường ĐH-CĐ phần lớn vẫn diễn ra theo hình thức trực tuyến từ cuối tháng 8 đến nay. Để đảm bảo tiến độ học tập, thi kết thúc môn, thi tốt nghiệp ra trường của sinh viên năm cuối đúng hạn, các trường đã tập huấn và lên kế hoạch chi tiết cho việc thi online.
PGS.TS Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho biết: Chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc học phần của học kỳ đã qua, nhà trường thảo luận và tiến hành khảo sát nhiều lần mới đi đến quyết định tổ chức thi bằng hình thức online. Đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, nghiêm túc, chất lượng, trường đã xây dựng Cổng thi trực tuyến, chuẩn bị các bộ đề phù hợp với từng hình thức thi, công tác bảo mật đề thi do Trung tâm Khảo thí bảo quản theo quy định.
“Sinh viên được yêu cầu xem kỹ các hướng dẫn tùy theo hình thức thi, sử dụng tài khoản email do nhà trường cấp (có tên miền .hcmulaw.edu.vn) và đăng nhập vào Cổng thi trực tuyến của nhà trường tại http://thionline.
hcmulaw.edu.vn. Tùy vào tính chất của từng môn học, bộ môn sẽ quyết định các hình thức thi phù hợp gồm trắc nghiệm, vấn đáp, tự luận, tiểu luận. Giảng viên chủ động xây dựng các đề thi và dạng thức thi cho phù hợp”, PGS.TS Trần Hoàng Hải thông tin.
Kết hợp nhiều dạng thức làm bài thi khác nhau để đánh giá chất lượng sinh viên một cách tốt nhất, cũng như giảm thiểu nguy cơ gian lận thi cử, nhiều trường khi xây dựng phương án thi online còn tích hợp cả việc giám sát từ xa bằng hệ thống camera.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, để đảm bảo chuẩn đầu ra của môn học, trường cho phép giảng viên xây dựng đề thi có thể linh hoạt, kết hợp nhiều dạng đề trong một đề thi (trắc nghiệm, tự luận, vấn đáp…) nhằm tạo thuận lợi cho sinh viên, cũng như đánh giá bài thi một cách toàn diện hơn.
Hiện trường có khoảng 5.000 sinh viên thi online. Do đó nhà trường sắp xếp sinh viên thi theo nhóm, lớp và môn học. Kế hoạch thi của từng môn do giảng viên bộ môn xây dựng và báo cáo về trường để cập nhật trên hệ thống thi trực tuyến, tránh việc chồng chéo giữa các môn thi khác nhau trên cùng một nhóm sinh viên và trong cùng một thời điểm.
“Trong kế hoạch thi, nhà trường yêu cầu giảng viên phải thể hiện rõ ngày tháng, thời gian thi, số lượng sinh viên dự thi, dạng đề thi (trắc nghiệm, tự luận, vấn đáp, thi kết hợp). Giảng viên được yêu cầu nộp đề thi và đáp án về trường chậm nhất là 1 tuần trước khi kỳ thi diễn ra. Hiện hệ thống thi trực tuyến của trường cho phép giảng viên tạo các phòng thi, môn thi như hình thức thi thông thường, cho phép giảng viên đăng tải đề thi và sinh viên nộp bài thi dưới dạng audio, video, ảnh chụp bài thi viết tay. Hệ thống cũng cho phép đăng tải nhiều file đề thi cho mỗi môn học nên khá thuận lợi trong công tác đánh giá, giám sát và hậu kiểm”, PGS.TS Vũ Quỳnh cho biết.
Kiểm soát tính khách quan của kỳ thi như thế nào?
Việc đảm bảo khách quan và công bằng cho kỳ thi là mục tiêu của các trường. Vì vậy, ngoài giải pháp giám sát bằng công nghệ, nhiều trường hướng đến mục tiêu trên bằng việc xây dựng đề thi với nhiều dạng thức.
PGS.TS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn cho hay: Cách thức thi trực tuyến và kiểm soát của trường là giảng viên cung cấp đề thi cho sinh viên qua hệ thống SGU Moodle. Sinh viên nộp bài thi cho giảng viên qua hệ thống này. Mỗi học phần khoa sẽ bố trí hai cán bộ chấm thi. Trong quá trình sinh viên thi, giảng viên chấm thi, cán bộ chấm thi phải ghi hình, ghi âm đầy đủ các buổi thi và lưu trữ để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.
Ngoài việc giám sát, giải pháp hữu hiệu nhất trong hạn chế gian lận thi cử chính là xây dựng bài thi theo nhiều dạng thức kết hợp. Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, để đảm bảo tính khách quan, giảm thiểu tình trạng gian lận trong thi cử, trường cho phép giảng viên kết hợp nhiều hình thức thi khác nhau cho một môn học. Ví dụ ngoài bài thi viết tay nộp trên hệ thống, giảng viên có thể kiểm tra vấn đáp các nhóm sinh viên.
Do đó, đề thi trực tuyến được yêu cầu đảm bảo chuẩn đầu ra, nhấn mạnh hơn mục tiêu kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết tình huống thực tế. Thời gian thi giống như thời gian thi trực tiếp, sinh viên khi nộp các file bài thi, đề thi sẽ được lưu giữ trên hệ thống để làm minh chứng. Nhà trường cũng yêu cầu sinh viên giới hạn thiết bị đăng nhập (1 thiết bị duy nhất, 1 tài khoản sinh viên chỉ đăng nhập duy nhất trên 1 thiết bị) nhằm tránh những hệ lụy nảy sinh.
Để kiểm soát tính nghiêm túc của kỳ thi, Trường ĐH Luật TPHCM siết chặt công tác giám sát ở mọi khâu. “Đối với hình thức thi trắc nghiệm và tự luận, cán bộ coi thi phải có mặt tại phòng coi thi trực tuyến được bố trí trong trường để phối hợp với đơn vị khác cùng thực hiện. Đối với hình thức thi vấn đáp và tiểu luận thì khoa, bộ môn chủ động tổ chức công tác coi thi theo lịch thi chung của trường.
Riêng với hình thức thi vấn đáp, trường khuyến nghị cán bộ coi thi vào trường tiến hành hỏi thi để được hỗ trợ về kỹ thuật và hạ tầng mạng. Bên cạnh đó, do tính chất của các ngành học khác nhau nên nhà trường cho phép sử dụng tài liệu hay không sử dụng tài liệu đối với đề thi trắc nghiệm trực tuyến do bộ môn quyết định và ghi rõ trong đề thi. Hệ thống camera tương tác cũng tham gia giám sát thí sinh”, PGS.TS Trần Hoàng Hải thông tin.