Trường đại học vùng dịch tổ chức thi trực tuyến cuối kỳ

GD&TĐ - Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, các trường ĐH tại Đà Nẵng đã quyết định tổ chức kiểm tra và thi kết thúc học phần bằng hình thức trực tuyến.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức hội thảo về các giải pháp tổ chức, kiểm tra đánh giá học phần theo hình thức trực tuyến.
Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức hội thảo về các giải pháp tổ chức, kiểm tra đánh giá học phần theo hình thức trực tuyến.

Tùy theo đặc thù môn học, giảng viên đăng ký hình thức thi vấn đáp, tự luận hoặc trắc nghiệm trực tuyến. 

Trực tuyến có giám sát

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã thông báo đến SV toàn trường về điều chỉnh kế hoạch tổ chức thi học kỳ (HK) II và HK hè năm học 2020 – 2021. Thời gian triển khai bắt đầu từ 2/8 với nhiều hình thức thi như: Vấn đáp trực tuyến, tự luận trực tuyến có giám sát, trắc nghiệm trực tuyến có giám sát; kết hợp tiểu luận/ bài tập lớn/ đánh giá chuyên đề vào báo cáo/ thi tự luận trực tuyến.

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng bắt đầu tổ chức thi kết thúc học phần theo hình thức trực tuyến từ ngày 28/7.

PGS.TS Lê Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Nếu đúng tiến độ, từ ngày 24/5 trở đi, SV các khóa sẽ thi kết thúc học phần. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhà trường đã thông báo tạm dừng thi. Đến nay, HSSV Đà Nẵng vẫn chưa đến trường nên nhà trường tổ chức thi trực tuyến bao gồm vấn đáp, tự luận, trắc nghiệm và thi thực hành trên máy tính theo đặc thù của môn học.

Theo TS Nguyễn Đình Sơn – Giảng viên Khoa Cơ khí giao thông (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng), tổ chức thi trực tuyến dù với hình thức thi vấn đáp, thi trắc nghiệm hay tự luận đều cần có những giải pháp kỹ thuật để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và khách quan.

“Ngay cả thi trắc nghiệm trực tuyến cũng có thể xảy ra tình trạng thi hộ như sử dụng teamviewer, log in trên các thiết bị khác nhau... Có thể sử dụng các giải pháp khắc phục như yêu cầu SV sử dụng webcam, bật mic, khi kiểm tra danh sách, nếu có hai tên chứng tỏ sử dụng thiết bị thứ hai. Ngoài việc giảng viên có thể sử dụng câu hỏi có nhiều phương án trả lời, chia tỉ lệ câu hỏi dễ, trung bình, khó… có thể sử dụng thêm biện pháp kỹ thuật như giám thị coi thi trực tuyến – Autoproctor để tự động hạn chế các phần mềm thứ ba”, TS Nguyễn Đình Sơn cho biết.

Ngay cả đối với hình thức thi vấn đáp trực tuyến, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cũng yêu cầu SV bật camera của ứng dụng Zoom Meeting trong suốt thời gian thi, kể cả thời gian chuẩn bị câu trả lời nếu có. 

SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng bảo vệ đồ án trực tuyến.
SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng bảo vệ đồ án trực tuyến. 

Rà soát các điều kiện kỹ thuật

Để chuẩn bị các điều kiện hạ tầng cho việc tổ chức thi theo hình thức trực tuyến, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức hội thảo trực tuyến với sự tham dự của hơn 300 giảng viên đến từ các trường ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng).

Các giảng viên đã chia sẻ kinh nghiệm soạn đề thi trắc nghiệm với Microsoft Forms; Đánh giá bài tập lớn và vấn đáp trên MS Teams; Xây dựng đề thi tự luận, trắc nghiệm trên LMS; xây dựng đề thi và giám sát thi trên MS Team bằng công cụ Testportal; Đánh giá PBL, báo cáo dự án và sản phẩm trên MS Teams…

Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, từ hội thảo, nhà trường tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng các quy định cụ thể nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của kỳ thi trực tuyến.

“Những chia sẻ tại hội thảo sẽ là gợi ý để các khoa triển khai đến các bộ môn, từng bộ môn và nhóm chuyên môn lựa chọn phương án thi thích hợp nhất với từng học phần. Ngoài ra, phối hợp với các phòng chuyên môn để có những hỗ trợ về kỹ thuật và quy chế tổ chức thi. Đối với SV không thể tham gia thi do sự cố khách quan thì thực hiện hoãn thi theo các hướng dẫn của nhà trường”, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng nêu chi tiết yêu cầu về thiết bị và phần mềm để SV có thể tham gia kiểm tra trực tuyến. SV phải có laptop hoặc máy tính để bàn có tai nghe, microphone, webcam hoặc điện thoại thông minh có ứng dụng Zoom Meeting đã được tải và cài đặt sẵn.

Nhà trường khuyến khích sinh viên nên sử dụng laptop hoặc máy tính để bàn nhằm thuận tiện cho việc nhận đề thi và nộp bài thi qua Zoom. Với smart-phone  phải có ứng dụng Camscanner trên máy. SV được lưu ý về sự ổn định của chất lượng mạng Internet.

Đối với hình thức thi tự luận trực tuyến, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng quy định 2 mẫu giấy thi cho tờ đầu tiên của bài thi, mẫu tờ 2 dùng cho các tờ bài thi tiếp theo. SV làm bài thi bằng bút có độ đậm phù hợp, khuyến khích làm bài thi trên một mặt của tờ giấy thi để đảm bảo chất lượng hình ảnh và hạn chế tình trạng nhầm lẫn khi scan bài thi để nộp bài.

Nhà trường yêu cầu SV mở camera, micro và không được rời khỏi màn hình để cán bộ coi thi giám sát trong suốt thời gian làm bài. SV lưu ý phải thực hành sử dụng cho đến khi thành thạo các thao tác sử dụng Zoom như đăng ký tham gia, đổi tên, bật, tắt Camera, micro, chat, gửi file qua chat box… và Camscanner trên smart-phone như chụp hình, ghép nhiều hình thành 1 file, chuyển sang định dạng pdf, gửi file pdf sang máy tính…

SV Phạm Thị Thùy Dương (SV Lớp 20 PFIEV1, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Em không bất ngờ khi nhận được thông báo thi kết thúc học phần theo hình thức trực tuyến. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, các địa phương đều thực hiện giãn cách xã hội hoặc áp dụng biện pháp cách ly đối với người đến/ về từ vùng dịch thì đây là lựa chọn khả thi nhất.

Nếu chuẩn bị kiến thức vững vàng thì trực tuyến hay trực tiếp cũng không khác gì nhau. Tuy nhiên, chúng em mong sẽ được nhà trường tổ chức cho SV thi thử để làm quen với các thao tác kỹ thuật, có tổ chức lớp thi dự phòng cho những tình huống xảy ra như khu vực SV sinh sống bị mất điện, rớt mạng…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ