Kiểm tra trực tuyến công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở 9 tỉnh, thành phố

GD&TĐ - Sáng 29/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc – Trưởng đoàn kiểm tra số 4 và các thành viên đã kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 bằng hình thức trực tuyến ở 9 tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kon Tum, Long An.

Tất cả đã sẵn sàng

Báo cáo với đoàn kiểm tra, hầu hết các địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, từ cơ sở vật chất, nhân sự… cho đến xây dựng kịch bản tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và thành công.

Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố có hơn 88.700 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó hệ THPT là hơn 80.000,  hệ giáo dục thường xuyên là gần 8.000 thí sinh. Tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia coi thi là trên 12.400 người. Địa phương đã thành lập 155 điểm thi. Mỗi quận, huyện sẽ bố trí từ 1 đến 3 điểm thi dự phòng. Mỗi điểm thi có 2 phòng thi dự phòng.

Để kỳ thi diễn ra an toàn, UBND thành phố đã tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tổ chức sàng lọc, cung cấp và cập nhật danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi và thí sinh thuộc các diện F0, F1, F2. Toàn bộ cán bộ, giáo viên làm công tác thi sẽ được xét nghiệm sàng lọc Covid-19.

Thành phố cũng tổ chức tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 cho toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia làm nhiệm vụ tại các điểm thi và tham gia chấm thi, in sao đề thi, làm phách…

Tại tỉnh Kon Tum, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đinh Thị Lan cho biết, toàn tỉnh có hơn 4.600 thí sinh, dự thi ở 12 điểm thi với 209 phòng thi. Địa phương cũng bố trí 20 phòng chờ, 33 phòng thi dự phòng; đồng thời, lựa chọn bố trí 12 điểm thi dự phòng tương ứng với điểm thi chính thức, sẵn sàng kích hoạt khi phải tổ chức thi trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.

Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng phương án đề phòng mất điện, mưa bão, sạt lở đất… Cụ thể, 100% điểm thi sẽ có lực lượng thanh niên tình nguyện, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh khi cần thiết. Phía công ty điện lực đã có thông báo, từ ngày 6 - 9/7/2021 sẽ dừng tất cả các công tác trên lưới điện ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện tại các địa điểm phục vụ kỳ thi. Ngoài ra, đơn vị này bố trí phát điện dự phòng khi có sự cố mất điện; trong đó ưu tiên khu vực in sao đề thi, làm phách và chấm thi.

“Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã cơ bản hoàn tất, tất cả đã sẵn sàng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, chất lượng và thành công” - bà Đinh Thị Lan khẳng định.

Tại tỉnh Long An, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi đã diễn ra theo kịch bản, đảm bảo tiến độ và đúng Quy chế.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết các nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Sở đã tham mưu với tỉnh, bố trí chỗ ăn, nghỉ và xe đưa đón cán bộ coi thi. Tỉnh đã chỉ đạo, các huyện, thị xã, thành phố sắp xếp nơi ăn, chỗ nghỉ cho cán bộ coi thi, đảm bảo an toàn, giúp cán bộ coi thi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Buổi kiểm tra được thực hiện theo hình thức trực tuyến
Buổi kiểm tra được thực hiện theo hình thức trực tuyến

Đảm bảo mục tiêu kép

Ghi nhận công tác chuẩn bị chu đáo của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị, các địa phương tiếp tục rà soát các công việc còn lại, bám sát Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ.

Đồng thời, bám sát diễn biến dịch bệnh và thực tế của địa phương để tổ chức kỳ thi an toàn, trung thực, khách quan, đảm bảo mục tiêu kép. Các Ban chỉ đạo thi cần xây dựng phương án, kịch bản chi tiết, nhằm ứng phó kịp thời trước những tình huống đột xuất, bất ngờ.

Thứ trưởng lưu ý, các tỉnh, thành phố có thể tăng số điểm thi dự phòng, phòng thi dự phòng, phòng chờ và phòng cách ly và phải đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch bệnh. Tại các điểm thi cần bố trí nhân viên y tế và thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế.

Hoan nghênh nhiều địa phương đã tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi, Thứ trưởng gợi ý: một số địa phương đã xuất hiện dịch Covid-19 nên mở rộng đối tượng xét nghiệm đến tất cả thí sinh.

Song song với các nhiệm vụ trên, Thứ trưởng đề nghị cần tổ chức tập huấn, quán triệt đến cán bộ coi thi nắm rõ Quy chế, hạn chế tối đa những sơ suất không đáng có. Công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện nghiêm túc, khách quan. Đặc biệt, công tác in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi và khu vực chứa đề thi, bài thi phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Cũng theo Thứ trưởng, các địa phương nên có đầu mối để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho truyền thông, tránh những thông tin thất thiệt.

Trao đổi về một số đề xuất của các địa phương, Thứ trưởng cho hay: Hiện, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ về tuyển sinh nên các trường đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển.

Riêng với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ sẽ có hướng dẫn phù hợp, tinh thần là đảm bảo công bằng về quyền lợi cho thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.