Đảm bảo chuẩn bị kỹ lưỡng
Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Lạng Sơn; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Lạng Sơn.
Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tại các điểm thi trường THPT Đình Lập, trường THPT Chuyên Chu Văn An. Các nhà trường đã báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, như: Công tác dạy học, ôn tập; Công tác tập huấn, phổ biến quy chế, nghiệp vụ thi; Hoàn thiện hồ sơ thí sinh, chuẩn hóa dữ liệu; Chuẩn bị cơ sở vật chất; Phương án đảm bảo an ninh an toàn; Công tác phòng, chống dịch Covid-19; Phương án hỗ trợ thí sinh dự thi…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo kỳ thi của địa phương, công tác tham mưu và chuẩn bị của các nhà trường. Nhằm đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi, Thứ trưởng yêu cầu ngành giáo dục Lạng Sơn và các nhà trường phải xây dựng kế hoạch và các phương án một cách cụ thể, chi tiết, rõ ràng, kĩ lưỡng. Đồng thời, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, chặt chẽ, không chủ quan, nhưng cũng lưu ý không quá căng thẳng, áp lực.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, việc tổ chức cho cán bộ, giáo viên, thành viên nghiên cứu kỹ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của ngành, các văn bản, quy định liên quan đến tổ chức kỳ thi là vô cùng quan trọng, nhằm giúp cho việc triển khai được nghiêm túc, đảm bảo, thống nhất.
Chủ động trước các tình huống thực tiễn
Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 21 điểm thi, với hơn 9.500 thí sinh đăng kí dự thi, gần 1.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động tham gia làm nhiệm vụ. Đáng chú ý, toàn bộ các thành viên tham gia làm nhiệm vụ tổ chức kỳ thi và các thí sinh dự thi sẽ được test PCR, đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19.
Mỗi điểm thi bố trí 2 phòng thi dự phòng cho thí sinh có biểu hiện ho, sốt nghi nhiễm dịch Covid-19; 1 phòng y tế để sẵn sàng xử lý các tình huống y tế nảy sinh trong quá trình tổ chức coi thi.
Mỗi điểm thi lựa chọn và chuẩn bị 1 điểm thi dự phòng đảm bảo đủ phòng làm việc, phòng thi và các phòng chức năng tối thiểu cho công tác tổ chức thi, đảm bảo khoảng cách không quá xa điểm thi chính thức để thuận tiện di chuyển và sử dụng nếu có tình huống phát sinh (khi điểm thi chính thức nằm trong khu vực phong tỏa hoặc xuất hiện ca F0 trong khu vực nơi đặt điểm thi).
Theo báo cáo, tại tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 26/6/2021, có 6/11 huyện/thành có người mắc Covid-19, với trên 100 ca nhiễm (F0). Huyện Hữu Lũng đang thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Tính đến ngày 27/6/2021, toàn tỉnh có 2 trường hợp học sinh lớp 12 liên quan đến dịch Covid-19 không thể tham gia dự thi đợt 1.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, đánh giá cao Ban chỉ đạo đã tăng cường kiểm tra và tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, nhà trường. Thứ trưởng đánh giá: Lạng Sơn đã đảm bảo cơ bản về điều kiện cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ thi; Công tác dạy học và ôn tập cho học sinh được triển khai tích cực; Việc tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ giáo viên được thực hiện đảm bảo; Công tác phối hợp, vào cuộc của các lực lượng xã hội được triển khai hiệu quả.
Chỉ đạo việc hoàn thiện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh yêu cầu: Các nhà trường cần tiếp tục ôn tập, củng cố một cách phù hợp, có trọng tâm trọng điểm, giúp học sinh có sự chuẩn bị vững vàng cho kỳ thi.
Việc tập huấn, tổ chức cho cán bộ giáo viên nghiên cứu học tập quy chế phải được thực hiện kỹ lưỡng. Việc xây dựng các phương án phải đảm bảo sẵn sàng, chủ động trước các tình huống thực tiễn. Công tác kiểm tra, thanh tra, báo cáo phải được thực hiện tốt, nhằm đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chất lượng.
Thứ trưởng cũng yêu cầu địa phương, ngành giáo dục và các nhà trường trên địa bàn cần quán triệt mục tiêu chung của kỳ thi là an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng, tạo mọi điều kiện đảm bảo nhất cho thí sinh.
Thứ trưởng cũng đưa ra những lưu ý, nhắc nhở về việc thực hiện theo tinh thần “5K” của ngành giáo dục trong công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi: Không chủ quan - Không bị động - Kế hoạch - Kiểm tra - Khắc phục khó khăn.