Giao quyền chủ động cho nhà trường
Năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục trung học trên địa bàn thành phố Cần Thơ triển khai kiểm tra, đánh giá giữa học kỳ I bằng hình thức trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, sở giao quyền chủ động cho nhà trường lựa chọn, sử dụng phần mềm kiểm tra đánh giá nhưng phải bảo đảm công bằng, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh. Phần mềm, ứng dụng được sử dụng phải được công khai và hướng dẫn cho giáo viên và học sinh.
Hình thức đề kiểm tra sẽ do hiệu trưởng trường quyết định (trắc nghiệm khách quan/tự luận hoặc kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận theo tỷ lệ phù hợp, đặc thù của môn học).
Ngành giáo dục cũng chỉ đạo nhà trường quan tâm đối với học sinh yếu thế, không đủ điều kiện tham gia kiểm tra đánh giá trực tuyến, các trường phải xây dựng kế hoạch tổ chức cho kiểm tra, đánh giá cho các em phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Lê Di Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều) cho biết nhà trường đã chủ động thực hiện cuộc khảo sát lựa chọn phần mềm dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến thông qua giáo viên và tổ chuyên môn tại trường.
Sau khi thống nhất với các giáo viên tổ chuyên môn, nhà trường đã lựa chọn phần mềm Shub Classroom để tổ chức kiểm tra giữa kì I cho 1.645 học sinh 3 khối lớp của trường.
“Đây được xem là bước điệm để chuẩn bị tiến tới tổ chức thực hiện kiểm tra chung cuối kỳ trong điều kiện dịch bệnh bệnh phức tạp”, cô Thanh nói.
Linh hoạt hỗ trợ học sinh yếu thế tham gia kiểm tra
Tại Trường THCS thị Trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), nhà trường lựa chọn tổ chức kiểm tra đánh giá trực tuyến qua phần mềm VNPT E-Learning
Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước kỳ thi, nhà trường chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm rà soát, thống kê những học sinh không có thiết bị, từ đó lên phương án tổ chức kiểm tra phù hợp với các em.
Trường có 805/812 học sinh tham gia kiểm tra đánh giá qua hình thức trực tuyến. Riêng 7 học sinh thiếu thiết bị, nhà trường đã xây dựng phương án tổ chức thi giữa kì I tại trường cho 5 học sinh và tại nhà cho 2 học sinh (gia đình không đồng ý đến trường).
Để đảm bảo tính công bằng, nhà trường yêu cầu giáo viên chịu trách nhiệm bảo mật thông tin đề thi và kiểm tra giám sát trong suốt quá trình học sinh làm bài thi tại nhà, tuy nhiên phải thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Tại trường THCS Thới Long (quận Ô Môn), có khoảng 60/1.712 học sinh được nhà trường hỗ trợ tham gia thi giữa kì I tại trường.
Cô Nguyễn Ðặng Huyền Trân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những học sinh không có thiết bị sẽ được tham gia thi bằng hình thức trực tiếp tại trường, mỗi phòng thi sẽ có 2 giám thị gác thi, các em sẽ làm bài thi giấy và bài thi sẽ là bài thi chung với bài thi trực tuyến
Ngoài ra, đối với những học sinh gặp trục trặc trong quá trình thi trực tuyến như máy hư, mạng yếu... nhà trường sẽ bố trí phòng máy, máy tính bảng hay điện thoại từ giáo viên hỗ trợ các em kịp thời trong quá trình thi.
"Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường còn khoảng 4 học sinh không tham gia được kỳ thi do bị cách ly, nhà trường cũng chỉ đạo các giáo viên bộ môn chủ động liên hệ và tổ chức thi theo đề thi dự phòng cho các em", cô Trân chia sẻ thêm.
Cô Lê Di Thanh