Để đáp ứng yêu cầu mới, giáo viên cần linh hoạt, vận dụng hiệu quả các hình thức đánh giá; tránh chỉ sử dụng cách kiểm tra, đánh giá truyền thống vì ngại thay đổi.
Chuyển biến chưa triệt để
Ông Nguyễn Thế Bình - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận (hiện là nghiên cứu sinh Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho biết: Những năm gần đây, hoạt động đánh giá kết quả học tập của học sinh có thay đổi căn bản cả về triết lý, quan điểm, phương pháp và nội dung quản lý cụ thể.
Đó là xu hướng đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học. Nội dung đánh giá kết quả học tập của học sinh bao gồm: Các yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ thể hiện qua môn học, hoạt động giáo dục; khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết tình huống thực tiễn.
Tuy có nhiều chuyển biến, song hoạt động đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn tồn tại một số bất cập; chưa thực hiện triệt để và đạt hiệu quả như mong muốn theo hướng tiếp cận năng lực cũng như mục tiêu của đánh giá là “đánh giá vì việc học và đánh giá như là việc học”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Bình chia sẻ đã thực hiện một khảo sát trên 14 cán bộ quản lý, 421 giáo viên ở các trường THCS trên địa bàn TP Phan Rang - Tháp Chàm. Kết quả cho thấy, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực (ở cả mục tiêu, nội dung, yêu cầu, phương pháp, công cụ đánh giá) được giáo viên triển khai tốt.
Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, cần tăng cường cải thiện trong thời gian tới, liên quan đến việc lựa chọn, thiết kế và sử dụng các công cụ đánh giá (đánh giá qua dự án, hồ sơ học tập của học sinh…); kết hợp đánh giá của giáo viên và tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng của học sinh. Nếu áp dụng đồng bộ, triệt để các công cụ, hiệu quả đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực sẽ cải thiện nhiều hơn nữa.
Theo cô Nguyễn Thị Ngân Hà - giáo viên Trường THPT Hùng Vương (Đắk Lắk), trước đây, với đánh giá thường xuyên, giáo viên chỉ sử dụng hình thức kiểm tra miệng và kiểm tra viết 15 phút. Việc lặp đi lặp lại hình thức kiểm tra, đánh giá này tạo cảm giác nhàm chán, thậm chí là lo sợ mỗi lần được kiểm tra và đặt các em vào tình thế bị động.
Từ kết quả khảo sát 3 giáo viên dạy Lịch sử tại trường, cô Nguyễn Thị Ngân Hà nhận thấy thầy cô vẫn sử dụng hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên truyền thống; hình thức khác chưa nhiều. Các giáo viên cho rằng, sử dụng đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên mất thời gian và quá trình chuẩn bị công phu. Cộng thêm tâm lý ngại thay đổi, thầy cô giữ nguyên cách kiểm tra truyền thống để bảo đảm an toàn.
Cùng đó, một số giáo viên lúng túng không biết tiến hành các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên thế nào để đạt hiệu quả; do đó, chưa mạnh dạn thực hiện. Thêm nữa, học sinh quen với hình thức kiểm tra miệng, viết dưới 1 tiết, nên kỹ năng hợp tác, tính tự giác, chủ động chưa cao. Tâm lý thi cử, nặng về điểm số cũng tác động không nhỏ đến giáo viên khi đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là kiểm tra, đánh giá.
Ảnh minh họa ITN. |
Linh hoạt, đa dạng hình thức
Khẳng định sự cần thiết, vai trò quan trọng của đánh giá thường xuyên trong giáo dục, cô Trần Thị Hội - giáo viên Trường Liên cấp song ngữ Sentia (Hà Nội), cho rằng: Kiểm tra miệng truyền thống không còn phù hợp. Với công nghệ 4.0, giáo viên có thể cho học sinh kết nối, kiểm tra kiến thức dưới dạng trò chơi nhanh, vận động phù hợp. Ngoài kiểm tra viết, trắc nghiệm và tự luận, kiểm tra theo dự án, làm việc nhóm và thực hành sáng tạo trải nghiệm đang là xu thế khá ưu việt, phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, sự sáng tạo của học sinh.
Ví dụ khi dạy bộ môn Lịch sử 7, phần Lịch sử Trung đại Việt Nam các thời Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần, ngoài cung cấp cho học sinh một dòng thời gian xuyên suốt các triều đại lịch sử phong kiến Việt Nam, với từng bài học, cô Trần Thị Hội cho học sinh tìm hiểu theo nhiều cách thức khác nhau.
Cụ thể, một buổi đọc câu chuyện về nhân vật lịch sử tiêu biểu trong giai đoạn này, học sinh phải viết một bài thu hoạch về cuốn sách và nhân vật mình đọc được. Một buổi khác, học sinh được đi thực tế ở Cố đô Hoa Lư (đền vua Đinh, vua Lê) và Hoàng thành Thăng Long, để hiểu được nguyên nhân, con đường dời đô và tầm vóc của một nhà lãnh đạo lớn thời đó.
Trên lớp, giáo viên có thể tổ chức trò chơi nhóm, đóng vai các nhân vật lịch sử... Bài cuối kỳ, ngoài kiểm tra kiến thức trắc nghiệm, tự luận, học sinh có thể vẽ tranh, viết báo, kể chuyện, sáng tác truyện… và thuyết trình, phản biện theo nội dung được tìm hiểu.
“Có nhiều cách đánh giá thường xuyên hiệu quả, học sinh rất chủ động và thích thú. Việc của giáo viên là sáng tạo, định hướng để mỗi tiết học là hành trình khám phá tri thức vui, ý nghĩa đối với cả cô và trò”, cô Trần Thị Hội chia sẻ.
Có cùng quan điểm, cô Hoàng Thị Huế - Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, không chỉ kiểm tra đầu giờ mà giáo viên cần sử dụng đa dạng hình thức đánh giá, tùy học sinh trong tiết học.
Có thể kiểm tra thường xuyên bằng hình thức tổ chức trò chơi phù hợp với đặc trưng từng tiết học, lớp học. Kiểm tra, đánh giá thường xuyên bằng cách phát phiếu học tập, hướng dẫn các em trả lời câu hỏi gợi mở, tự khám phá, tìm hiểu kiến thức. Dựa vào phiếu học tập, giáo viên có thể thu thập để đánh giá thường xuyên trong suốt quá trình học tập của học sinh...
Trước đây, hầu hết giáo viên sử dụng hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên truyền thống, ngại thay đổi, không muốn thay đổi. Tuy nhiên, với thời đại công nghệ số hiện nay, việc phát huy vai trò, năng lực, phẩm chất của người học được đề cao, giáo viên không thể giữ nguyên quan niệm cũ. - Cô Nguyễn Thị Ngân Hà