Kiểm tra Bộ VHTT&DL, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phê bình cấp dưới

Nghe Bộ VHTT&DL giải trình về 4 nhiệm vụ quá hạn và 5 vấn đề tồn tại, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đồng thời phê bình nghiêm khắc cấp dưới tại Văn phòng Chính phủ vì trong quá trình làm việc không nêu rõ quan điểm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 14/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Tính từ đầu năm 2016 tới nay, Bộ được giao 282 nhiệm vụ, đã hoàn thành 158 nhiệm vụ, có 4 nhiệm vụ quá hạn mà chưa hoàn thành – đều thuộc lĩnh vực xây dựng thể chế. Bộ cần làm rõ về 4 nhiệm vụ này, đồng thời giải trình, nêu hướng khắc phục về những tồn tại, hạn chế trong 5 lĩnh vực mà Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác truyền đạt.

‘Nhận lỗi với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL’

Mở đầu phần giải trình, Bộ VHTT&DL cho biết nguyên nhân chung dẫn đến các nhiệm vụ quá hạn là do phải chờ ý kiến của các bộ liên quan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các đơn vị của Bộ giải trình cụ thể về từng nhiệm vụ quá hạn, văn bản hiện đang nằm ở đâu, vướng mắc ở chỗ nào. “Nếu nằm tại VPCP thì cũng nói rõ, chúng tôi sẽ nhận lỗi”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Vụ Kế hoạch-Tài chính thuộc Bộ VHTT&DL cho biết, đối với nhiệm vụ xây dựng nghị định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực VHTT&DL - quá hạn 1 tháng 14 ngày, Bộ đã nhận được ý kiến của 5 Bộ, 39 tỉnh thành, Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định dự thảo. Cuối tháng 11/2016, VPCP có văn bản yêu cầu đôn đốc, bổ sung, hoàn thiện, nhưng không nêu rõ nội dung nào cần tiếp thu, hoàn chỉnh.

Ngay lập tức, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu vụ chủ trì của VPCP giải trình và nhận lỗi với Bộ VHTT&DL. “Việc này VPCP cũng đang chấn chỉnh, khi gửi văn bản cho Bộ khác thì phải nói rõ cần tiếp thu nội dung gì, giải trình về ý kiến nào, không nói chung chung”.

Khi được cấp dưới cho biết đã trao đổi cụ thể với Bộ VHTT&DL qua điện thoại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không đồng tình. “Nói miệng là nói miệng, văn bản là văn bản. Không thể đưa ra một câu “yêu cầu tiếp thu, giải trình” vô cảm như vậy. Nếu các bộ có ý kiến khác nhau thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP sẽ mời các Bộ trưởng ngồi lại, thống nhất, còn nếu cứ văn bản đẩy đi đẩy lại thì không xử lý được. Trong việc này có một phần trách nhiệm của VPCP”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ và thống nhất, nhiệm vụ này phải xong trong tháng 2/2017.

Đối với 3 nhiệm vụ còn lại – đều quá hạn 1 tháng 14 ngày, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu nhiệm vụ xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ VHTT&DL phải xong trong tháng 2/2017. Hai nhiệm vụ phải xong trong quý I/2017 (gồm xây dựng quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập và rà soát quy định, tháo gỡ các vướng mắc trong việc việc phân bổ, quản lý, thực hiện kinh phí sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước).

Góp ý với Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng để quản lý các lễ hội hiệu quả hơn, Bộ cần tăng cường hoàn thiện xây dựng thể chế trong lĩnh vực này. 

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, việc tổ chức các lễ hội năm sau phải tốt hơn năm trước. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, việc tổ chức các lễ hội năm sau phải tốt hơn năm trước. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lễ hội: Năm sau phải tốt hơn năm trước

Về 5 vấn đề Thủ tướng yêu cầu, sau khi các đơn vị thuộc Bộ phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã giải trình về từng vấn đề.

Về phát triển du lịch, ngay trong chiều 14/2, Bộ sẽ tổ chức triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời xây dựng chương trình hành động. Cùng với đó, Bộ sẽ tập trung xử lý các vấn đề như chất lượng khách sạn, nạn “chặt chém” du khách, bảo đảm vệ sinh môi trường…

Về lĩnh vực thể thao, trong năm nay Bộ sẽ xây dựng Luật Thể dục thể thao sửa đổi, đồng thời quan tâm hơn tới chế độ cho các vận động viên, tập trung chuẩn bị tốt cho SEA Games 2017, ASIAD 2018 và Olymlic 2020; chấn chỉnh quyết liệt những hạn chế, tiêu cực trong thể thao, nhất là bóng đá…

Đặc biệt, về lễ hội, Bộ trưởng cho biết ngay trong năm 2016 đã chuẩn bị trước cho công tác quản lý lễ hội năm nay và nhìn chung, công tác quản lý lễ hội đã tốt hơn. Nhiều nét phản cảm tại các lễ hội đã giảm đi. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số vấn đề. “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong tuần tới chúng tôi sẽ sơ kết bước đầu về việc tổ chức các lễ hội, những nơi nào có vấn đề sẽ có phát ngôn chính thức, tham mưu chỉ đạo”, Bộ trưởng nói.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế quản lý lễ hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng giải pháp quan trọng, căn bản, lâu dài là tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, người tổ chức và tham gia lễ hội. “Những vấn đề tồn tại của năm trước phải được khắc phục một phần, chưa chấm dứt được hẳn thì cũng phải giảm bớt. Năm sau phải tốt hơn năm trước”, Bộ trưởng cam kết.

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tới quản lý nhà nước về gia đình, quản lý nghệ thuật biểu diễn, việc phong tặng các danh hiệu, trao các giải thưởng…

Cần hết sức quan tâm xây dựng thể chế

Sau khi nghe các ý kiến của các thành viên Tổ công tác, kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết hoạt động của Tổ công tác nhằm góp phần thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Hoạt động của Tổ công tác thời gian qua đã mang lại chuyển biến rõ rệt, góp phần để số nhiệm vụ quá hạn giảm mạnh và lần đầu tiên sau nhiều năm, Chính phủ đã không còn nợ đọng văn bản hướng dẫn…

Đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của Bộ trong việc giải trình các vấn đề, nhiệm vụ, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng trong năm 2016, ngành VHTT&DL đã đạt nhiều thành tựu lớn, khi lần đầu tiên khách quốc tế đạt trên 10 triệu, thể thao cũng giành được những thành tích ngoạn mục trên đấu trường quốc tế, những nét phản cảm tại các lễ hội giảm đi…

Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng về việc Bộ phải theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý lễ hội, trước những hiện tượng phản cảm, thương mại hóa thì cơ quan quản lý nhà nước phải có chính kiến, ý kiến chính thức, nêu rõ là như vậy đúng hay sai, được hay không được.

“Tất nhiên đây là vấn đề khó, liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo, tập quán của người dân, nhưng những gì là phản cảm, thương mại hóa, trục lợi thì Bộ phải lên tiếng. Tôi nhắc lại lần thứ ba, Thủ tướng nói rõ, nếu Bộ trưởng ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng chỉ đạo các địa phương”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện hết sức quan tâm vấn đề xây dựng thể chế, như 4 nhiệm vụ tồn đọng đều liên quan tới thể chế. Với những vấn đề Thủ tướng gợi ý, Bộ cần nghiêm túc tiếp thu, giao cho các đơn vị triển khai với kế hoạch hết sức cụ thể để khắc phục những tồn tại.

Về phía VPCP, Bộ trưởng cũng yêu cầu phải rút kinh nghiệm và khẳng định sẽ xây dựng VPCP kiến tạo, hành động, liêm chính, phục vụ, góp phần vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chung. 

Theo baochinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.