Trong đó, việc được chọn đăng cai Đại hội ASOSAI 14, thực hiện vai trò Chủ tịch và thành viên Ban Điều hành giai đoạn 2015-2024 là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Kiểm toán Nhà nước tại tổ chức kiểm toán của khu vực.
Chủ động hội nhập
Được thành lập ngày 11/7/1994, trải qua 24 năm, Kiểm toán Nhà nước không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của quốc gia. Từ khi tham gia tổ chức, Kiểm toán Nhà nước đã có điều kiện thuận lợi để trao đổi, cập nhật các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về chuyên môn kiểm toán nhà nước.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định: Trong bối cảnh hội nhập, Kiểm toán Nhà nước đã và đang nâng cao vị thế của mình trong cộng đồng ASOSAI bằng việc chủ động hội nhập sâu và tham gia thực chất hơn vào các hoạt động của tổ chức. Năm 2009, lần đầu tiên sau hơn 10 năm gia nhập, tại Đại hội ASOSAI lần thứ 11 tổ chức ở Pakistan, Kiểm toán Nhà nước đã trở thành thành viên của Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2009-2012. Sự kiện này mở ra giai đoạn hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam một cách tích cực, chủ động hơn.
Kiểm toán Nhà nước đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của ASOSAI và được cộng đồng đánh giá cao, tiêu biểu là Kỳ họp Ban ASOSAI lần thứ 42 tại Hà Nội vào tháng 8/2010. Đây là một trong những sự kiện được ASOSAI đánh giá là thành công nhất của ASOSAI từ trước đến nay. Phát huy những thế mạnh, kinh nghiệm tích lũy được sau thành công của Kỳ họp Ban Điều hành 42, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hội nhập sâu rộng và toàn diện trong cộng đồng này. Đây là một trong sáu mục tiêu chiến lược của Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2010, đó là: “Phát huy hiệu quả vai trò thành viên Ban Điều hành ASOSAI 12 và tổ chức đăng cai thành công các hội nghị Ban Điều hành ASOSAI, tiến tới đăng cai Đại hội ASOSAI giai đoạn 2015-2020...”.
Đến tháng 2/2015 tại Malaysia, Đại hội ASOSAI lần thứ 13 đã chính thức thông qua việc Kiểm toán Nhà nước đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018. Điều đó có nghĩa Kiểm toán Nhà nước sẽ là thành viên đương nhiên của Ban Điều hành ASOSAI trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (9 năm) từ năm 2015 đến năm 2024 và là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.
Hợp tác nghiên cứu
Từ khi trở thành thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2009-2012, Kiểm toán Nhà nước đã không ngừng củng cố tiếng nói và vai trò của mình trong quá trình phát triển của tổ chức. Tại cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 42 được tổ chức tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng trong văn kiện của Kỳ họp, nhất là việc nâng cao tính trách nhiệm và uy tín của các SAI (thành viên) trong kiểm toán tài chính công và các giải pháp để rút ngắn khoảng cách, trình độ giữa các SAI trong ASOSAI. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần vào việc thông qua Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2011-2015.
Tại cuộc làm việc với Ban thư ký ASOSAI nhằm thảo luận về kỳ họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 43 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã góp ý kiến vào những hoạt động đào tạo của ASOSAI, các hoạt động đào tạo được ASOSAI tài trợ, chương trình hợp tác và một số vấn đề khác...
Bên cạnh vai trò tích cực của thành viên Ban Điều hành ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước cũng trực tiếp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong cộng đồng ASOSAI. Sau khi trở thành thành viên Ban Điều hành giai đoạn 2009-2012, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động đăng cai tổ chức cuộc họp đề án nghiên cứu lần thứ 9 với chủ đề “Đánh giá và cải thiện hệ thống kiểm toán nội bộ và mối quan hệ giữa các đơn vị kiểm toán nội bộ và SAI” và cuộc họp lần thứ 2 của đề án nghiên cứu lần thứ 10 với chủ đề “Kiểm toán để đánh giá chống tham nhũng và rửa tiền”.
Từ năm 2015, Kiểm toán Nhà nước tích cực tham gia vào các hoạt động trong đề án nghiên cứu lần thứ 11 của ASOSAI với 2 chủ đề: “Phương pháp xây dựng kế hoạch kiểm toán dựa trên rủi ro” và “Kiểm toán đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP”. Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đang tích cực tham gia Nhóm công tác kiểm toán môi trường của ASOSAI. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình hợp tác hội nhập cũng như nâng cao năng lực kiểm toán của các SAI trong cộng đồng ASOSAI.
Hợp tác đào tạo chuyên môn
Trong khuôn khổ hợp tác đào tạo với các thành viên ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước thể hiện vai trò thành viên tích cực thông qua các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho Kiểm toán Nhà nước Lào, các chương trình hợp tác kiểm toán chung với Kiểm toán Nhà nước các nước.
Kể từ năm 2000 tới tháng 10/2017, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã giúp Kiểm toán Nhà nước Lào đào tạo 117 lượt kiểm toán viên trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng tổ chức các buổi đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng song phương với Kiểm toán Nhà nước Lào hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực, kỹ năng tổ chức cho cán bộ của hai bên. Các buổi tọa đàm về kỹ năng làm việc của kiểm toán viên nhà nước (bao gồm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp phỏng vấn), kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong Kiểm toán Nhà nước (kỹ năng quản lý và phát triển nguồn nhân lực, lập và tổ chức kế hoạch công tác, kỹ năng thuyết trình…).
Trong các hoạt động hợp tác kiểm toán chung, năm 2012 và 2015, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tham gia Cuộc kiểm toán hợp tác về Lưu vực sông Mekong với Kiểm toán Nhà nước các nước: Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanma và thực hiện kiểm toán thực địa tại một số tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong khuôn khổ chương trình kiểm toán chung, Kiểm toán Nhà nước đã đăng cai tổ chức Hội thảo tiền kiểm toán chuẩn bị cuộc kiểm toán. Hội thảo đã thảo luận và thống nhất phương thức tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác cho các Kiểm toán Nhà nước tham gia, góp phần vào thành công của cuộc kiểm toán chung. Báo cáo kiểm toán song song vấn đề nước lưu vực sông Mê Kông nêu rõ, tác động lớn nhất của việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với hạ nguồn nói chung, với đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là lượng phù sa đã bị giảm, kéo theo xói lở.
Song song với kiểm toán chung, Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với Kiểm toán Nhà nước Liên bang Nga cùng kiểm toán Liên doanh Nga-Việt Vietsovpetro giai đoạn 2011-2015 nhằm đánh giá việc tuân thủ của những bên tham gia Liên doanh đối với các điều khoản của Hiệp định liên Chính phủ. Kết quả kiểm toán xác nhận, Vietsovpetro hoạt động có hiệu quả và là một liên doanh có vị trí quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà đối với cả các nước trong khu vực. Báo cáo kiểm toán chung đã đưa ra các khuyến cáo giúp Vietsovpetro nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó cần cơ cấu lại chi phí, cắt giảm các chi phí gián tiếp. Hoạt động kiểm toán chung đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam - Liên bang Nga vì lợi ích chung của nền kiểm toán khu vực và thế giới.