Kiểm soát mức sinh phòng nguy cơ bùng nổ dân số

GD&TĐ - Việt Nam được quốc tế ghi nhận thành công trong việc đạt mức sinh thay thế trong nhiều năm nhờ các biện pháp kiểm soát dân số. Sau thành quả trên, nhiều ý kiến cho rằng ngành dân số nên nới lỏng chính sách kiểm soát dân số, để người dân tự quyết số con, thời gian sinh con. 

Kiểm soát mức sinh phòng nguy cơ bùng nổ dân số

Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho rằng phải tiếp tục giám sát mức sinh để phòng nguy cơ bùng nổ dân số gây áp lực cho an sinh, xã hội.

Tiềm năng sinh đẻ rất lớn

Tính trung bình, mức sinh thay thế ở nước ta đã được như khuyến cáo (từ 1,9 - 2,1 con/phụ nữ) nhưng mức sinh trên chưa ổn định và có sự khác biệt giữa các vùng miền. 

Khu vực có mức sinh thấp hơn khuyến cáo là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long ở mức 1,6 - 1,7. Ngược lại, một số tỉnh miền Trung lại có tỷ lệ tăng vọt. Điển hình như Hà Tĩnh, tổng tỷ suất sinh lên đến 2,95; Quảng Trị là 2,75; Kon Tum là 2,7...

Khu vực miền núi phía Bắc cũng nằm trong danh sách những tỉnh có mức sinh cao, khu vực Đồng bằng sông Hồng lại rơi vào tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh, sinh con thứ 3 gia tăng. 

Bên cạnh đó, kết quả điều tra biến động dân số năm 2014 cho thấy, cả nước có khoảng 25 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 - 49 tuổi). 

Điều này đồng nghĩa với “tiềm năng” sinh đẻ trong những năm tới là rất lớn. Trong bối cảnh trên, nếu nới lỏng chính sách dân số, để cặp vợ chồng, cá nhân tự quyết định số con sẽ tiềm ẩn nguy cơ tăng dân số, với ước tính mỗi năm có khoảng 200.000 - 500.000 trẻ em được sinh thêm.

Bài học từ những năm trước cho thấy, bùng nổ dân số sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, phát triển kinh tế. Ước tính, với tỷ lệ sinh tăng vài phần nghìn mỗi năm, thì sau 5 - 10 năm, số trẻ em này lớn lên, nhu cầu về an sinh xã hội sẽ đặt ra nhiều vấn đề bức thiết khi tăng tới hàng triệu người ở mỗi nhóm tuổi. 

Các trường học sẽ gặp khó khăn vì lượng học sinh tăng đột biến, dẫn đến không bảo đảm số lớp. Ngành Y tế cũng sẽ chịu áp lực không nhỏ trong công tác khám chữa bệnh, quá tải bệnh viện. 

Trong lĩnh vực kinh tế, nếu tỷ lệ tăng dân số là 1%, để duy trì mức sống như hiện tại, thì mức tăng trưởng kinh tế phải tăng thêm 4%. Như vậy, tăng dân số không gắn liền với phát triển kinh tế hoặc kinh tế không theo kịp dân số sẽ dẫn đến nguy cơ kéo lùi sự phát triển của xã hội, đời sống người dân khó khăn hơn.

Chính sách linh hoạt cho từng đối tượng

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia về dân số khẳng định duy trì mức sinh với tổng tỷ suất sinh từ 1,9 - 2,0 con/phụ nữ là hợp lý nhất. Với mức sinh trên, quy mô dân số nước ta sẽ ổn định ở mức 115 - 120 triệu người. 

Việc duy trì mức sinh hợp lý sẽ tạo ra quy mô dân số ổn định ở mức thấp, cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng, giảm dần sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các vùng miền, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Đồng tình với quan điểm trên, theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân, quan điểm của ngành dân số là không nới lỏng mức sinh và có chính sách cụ thể cho từng vùng, từng địa phương. 

Đối với những nơi như vùng cao, miền núi, vùng khó khăn vẫn chưa đạt mức sinh thay thế, cần tiếp tục thực hiện các chính sách để giảm mức sinh nhằm đưa về mức sinh thay thế. 

Còn đối với những tỉnh đã duy trì được mức sinh thay thế thì tiếp tục duy trì mức sinh như hiện nay, đồng thời tập trung các chương trình, dự án để từng bước nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh, sau sinh.

Cũng theo ông Tân, việc tuyên truyền để hạn chế nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng như giáo dục sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên, cung cấp dịch vụ tránh thai… giúp các em có đời sống tình dục an toàn. 

Còn với những tỉnh, thành phố hiện ở mức sinh thấp, thì cần có những chính sách phù hợp để mỗi gia đình sinh đủ hai con theo quy định.

Nếu để mức sinh giảm xuống quá thấp và tổng tỷ suất chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ thì vào khoảng năm 2040, quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại khoảng 95 - 100 triệu dân.                                                                                                                                                   Trường hợp duy trì mức sinh thấp hợp lý, với tổng tỷ suất sinh khoảng từ 1,9 - 2,0 con/phụ nữ thì quy mô dân số nước ta sẽ chỉ đạt mức cao nhất khoảng 115 triệu người vào năm 2040 là hợp lý nhất để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng dân số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.