Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh: Không chỉ là kêu gọi, khuyến cáo

GD&TĐ - Mất cân bằng giới tính khi sinh không còn là chuyện lạ ở nước ta, thậm chí ở một số nơi còn rơi vào tình trạng báo động. Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh đã thể hiện rõ ở các quốc gia láng giềng. 

Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh: Không chỉ là kêu gọi, khuyến cáo

Tại Việt Nam, người dân vẫn mơ hồ về tác hại của xã hội thừa nam thiếu nữ bởi nó chưa xảy ra. Điều này đòi hỏi ngành Y tế cần vào cuộc từ bây giờ để ngăn chặn, giảm hậu quả xấu trong tương lai gần.

Nở rộ nhu cầu săn… con trai

Mất cân bằng giới tính khi sinh là tồn tại đáng lo ngại ở các quốc gia khu vực châu Á. Đã có nhiều nước phải trả giá cho tình trạng trên nhưng dường như định kiến về giới vẫn là lý do khiến các bậc cha mẹ lựa chọn giới tính thai nhi.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ số giới tính đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái (năm 2000) lên 112,2 bé trai/100 bé gái (năm 2014) và xu hướng này vẫn đang tiếp tục gia tăng. Hiện 55/63 tỉnh, thành đang có tỷ số giới tính khi sinh cao (108 bé trai/100 bé gái).

Điều đáng nói ở chỗ, lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng tư tưởng thích đông con nhiều cháu, thích con trai chỉ có ở nông thôn, miền biển, nơi cần nhiều lao động chân tay nhưng thực tế không như vậy. Theo kết quả nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), nhóm 20% dân số nghèo nhất thường có tỷ số giới tính khi sinh rất gần với mức tự nhiên là 105 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.

Trong khi đó, với nhóm dân số giàu thì con số này lên đến 112. Khi xem xét theo thứ tự sinh, nghiên cứu của UNFPA chỉ ra sự khác biệt của tỷ số giới tính khi sinh theo 5 nhóm kinh tế - xã hội, thì ở các lần sinh thứ nhất và thứ hai, các nhóm nghèo nhất và nghèo, đạt đỉnh ở mức chênh lệch là 111,9 rồi giảm xuống. Nhưng đối với các lần sinh thứ ba trở lên thì tỷ số giới tính khi sinh ở nhóm dân số nghèo cũng chỉ nhỉnh hơn mức bình thường chút ít (108), trong khi ở 3 nhóm mức thu nhập trung bình, giàu và giàu nhất, tỷ số giới tính khi sinh rất cao, lần lượt là 116, 121 và 133.

Nghiên cứu trên cũng đồng nghĩa với việc phụ nữ trình độ càng cao, lựa chọn giới tính thai nhi càng nhiều. Hiện tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh thấp nhất ở nhóm phụ nữ không biết chữ là 107 và tăng dần theo trình độ học vấn lên 111,4 ở nhóm THPT và học nghề và tới 114 ở nhóm bà mẹ có trình độ cao đẳng trở lên.

Có thể thấy, ngoài yếu tố tâm lý vẫn chuộng con trai, những phụ nữ có trình độ giáo dục cao sống trong các hộ gia đình khá giả về tiềm lực tài chính, dễ dàng tiếp cận với các kỹ thuật chọn lọc giới tính trước khi sinh hiện đại nên tỷ số mất cân bằng giới tính càng cao.

Lấy lại thế cân bằng

Nhiều năm nay, các chuyên gia về dân số trong và ngoài nước liên tục cảnh báo tình trạng dư thừa đàn ông ở nước ta trong thời gian tới nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời từ bây giờ. Tuy nhiên, dường như con số 2,3 - 4,3 triệu đàn ông Việt sẽ không tìm được vợ là viễn cảnh xa vời, nhiều người chưa nghĩ đến nên vẫn cố gắng lựa chọn giới tính thai nhi hoặc sinh cho được thằng cu mới thôi.

Mất cân bằng giới tính hiện hữu ở nhiều địa phương, hậu quả được chứng minh ở nhiều quốc gia. Để giảm thiểu tình trạng trên, cần một chương trình tổng thể, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội. Đây là lý do Bộ Y tế ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, đây là một quyết định mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả các hoạt động vận động, truyền thông giáo dục về công tác này, định hình vững chắc quan điểm, nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng, để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi hệ thống giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sự cam kết vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự chấp hành nghiêm túc của người dân. Có như vậy, mục tiêu giảm mất cần bằng giới tính khi sinh mới không dừng lại ở việc kêu gọi, khuyến khích từ cơ quan chức năng còn người dân vẫn mạnh ai người ấy làm như bấy lâu nay.

Phấn đấu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 115/100 vào năm 2020. Ở các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 115/100 trở lên, giảm ít nhất 0,4 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016 - 2020; phấn đấu giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107/100 sau năm 2025, đưa về mức cân bằng tự nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ