Trong đó, tham gia kiểm định chương trình đào tạo (CTĐT) theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á, được nhiều trường lựa chọn.
Vạn sự khởi đầu nan
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), nhà trường đang khởi động đánh giá AUN-QA cho 4 CTĐT tiếp theo là các ngành Ngôn ngữ Anh, Kế toán, Dược, Quản trị kinh doanh.
Các ngành này của trường đã tiến hành đợt đánh giá sơ bộ về cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin dưới sự theo dõi, giám sát của Ban thư ký AUN-QA.
“Đây là bước khởi động trong chuỗi các hoạt động đánh giá sau khi trường nộp báo cáo toàn văn và hồ sơ minh chứng của 4 ngành này để chuẩn bị cho công tác đánh giá chính thức vào cuối tháng 6/2021”, Phó Hiệu trưởng LHU chia sẻ.
Trước đó, 2 CTĐT của LHU là Công nghệ Kỹ thuật điện – Điện tử và Công nghệ thông tin đã đạt chuẩn kiểm định AUN-QA vào năm 2019. Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, để có khởi đầu thuận lợi, nhà trường đã chuẩn bị 52 điểm cơ sở vật chất của trường và 4 khoa gửi về AUN-QA.
Đồng thời, các đơn vị có liên quan trong trường như Trung tâm Thông tin tư liệu, Phòng Đào tạo, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng cùng các khoa có CTĐT được đánh giá cũng rà soát lại hệ thống mạng, các phương án kỹ thuật và nhân sự quay livestream, bố trí trình tự các điểm quay phù hợp với mốc thời gian làm việc mà AUN-QA đề ra.
Cùng khuynh hướng này, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU, TPHCM) có 4 CTĐT đạt chuẩn kiểm định AUN-QA. Theo đại diện NTTU, thông qua lần kiểm định này, các khoa khác trong nhà trường có thể học hỏi, rút kinh nghiệm, chuẩn bị một cách tốt nhất để tiến hành đánh giá ngoài theo chuẩn khu vực và quốc tế trong tương lai. Với kết quả này, nhà trường trở thành cơ sở GDĐH ngoài công lập đầu tiên tại khu vực phía Nam có nhiều chương trình kiểm định chất lượng AUN-QA.
Tương tự, Trường ĐH Văn Lang (VLU) chính thức trở thành thành viên liên kết của tổ chức AUN-QA vào ngày 19/2/2019. TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng VLU, cho biết: Nhà trường đã xác định các tiêu chuẩn chất lượng về CTĐT theo AUN-QA phù hợp với sự phát triển của trường trong tương lai.
“Đầu năm 2020, trường đăng ký đánh giá ngoài thành công 4 CTĐT: Công nghệ kỹ thuật môi trường, Thiết kế đồ họa, Kế toán và Quản trị khách sạn. Dự kiến sẽ đánh giá ngoài vào đầu năm 2022.
Hiện tại, cán bộ, giảng viên, nhân viên của 4 ngành này và các đơn vị liên quan đang hoàn thiện báo cáo tự đánh giá và chuẩn bị chuyến thăm thực địa của AUN-QA. Dựa trên kết quả đánh giá, VLU tiếp tục xem xét, cải tiến và triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của nhà trường…”, TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng VLU trao đổi.
Nhà trường thay đổi thế nào?
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, kết quả kiểm định AUN-QA giúp người sử dụng lao động có một cơ sở tin cậy để tìm kiếm nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, từ một CTĐT có những tham chiếu mang tính quốc tế hóa.
“Với quy trình kiểm định chặt chẽ, minh bạch, bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo và được công nhận bởi hệ thống giáo dục của các quốc gia trong và ngoài trong khu vực Đông Nam Á, kiểm định AUN giúp LHU cũng như các cơ sở GDĐH khác ở Việt Nam từng bước xác định vị thế của mình trên trường quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh thông tin.
Đại diện LHU cho rằng, việc tham gia kiểm định AUN-QA khẳng định sự cam kết của nhà trường đối với người học, xã hội và nhà tuyển dụng về chất lượng sản phẩm đầu ra của CTĐT, đó là nguồn nhân lực được đào tạo theo chuẩn chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt.
Sinh viên của trường cũng dễ dàng tham gia chương trình trao đổi (student exchange) hoặc chuyển đổi tín chỉ với các trường ĐH trong khu vực. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp từ những chương trình này sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm trong thị trường khu vực và quốc tế…
Đồng quan điểm này, TS Võ Văn Tuấn (VLU) cho rằng, thực tiễn cho thấy đánh giá và kiểm định CTĐT mang lại nhiều lợi ích cho người học, người dạy, CTĐT, cơ sở GDĐH, hệ thống bảo đảm chất lượng quốc gia và cả người sử dụng lao động.
“SV được học CTĐT được kiểm định/đánh giá chất lượng tại cơ sở GDĐH đã được kiểm định chất lượng bảo đảm được tính ngang bằng hoặc không quá khác biệt so với các CTĐT của cơ sở GDĐH khác trong cùng khu vực.
Đồng thời, cơ sở GDĐH được công nhận chất lượng tạo ra vị thế mới cho trường, thu hút SV giỏi, GV giỏi và các đối tác lớn tầm cỡ quốc tế... Điểm quan trọng nhất trong quá trình xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, cơ sở GDĐH hình thành văn hóa chất lượng, toàn thể đội ngũ thực hiện công việc theo quy trình và tiêu chuẩn mà đơn vị hướng đến...”, TS Võ Văn Tuấn chia sẻ.