Kiểm định chất lượng - yếu tố sống còn của cơ sở giáo dục

GD&TĐ - “Kiểm định chất lượng giáo dục, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, được đưa vào Việt Nam chưa lâu, nhưng tới nay có kết quả đáng ghi nhận”.

Sinh viên Trường Đại học Phương Đông (Hà Nội) trên giảng đường. Ảnh: Thế Đại
Sinh viên Trường Đại học Phương Đông (Hà Nội) trên giảng đường. Ảnh: Thế Đại

Đó là chia sẻ của TS Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Dấu ấn 10 năm

- Chúng ta vừa kết thúc lộ trình thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục(KĐCLGD) với GD ĐH và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011 - 2020”. Ông đánh giá thế nào về kết quả của Đề án này?

- Sau gần hai thập kỷ xây dựng, phát triển; nhất là khi triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển hệ thống KĐCLGD với GD ĐH, trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011 - 2020, công tác bảo đảm và KĐCLGD ĐH, CĐ sư phạm đạt được thành tựu quan trọng bước đầu. 

KĐCLGD giúp các nhà quản lý nhìn nhận toàn bộ hoạt động của cơ sở GD một cách hệ thống; xác định được điểm mạnh, điểm tồn tại, làm căn cứ xây dựng kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, để cơ sở giáo dục (CSGD) đạt những chuẩn mực chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. 

TS Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).
 TS Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT). 

Kết quả KĐCLGD được công khai giúp CSGD giải trình với các bên liên quan; người học, phụ huynh lựa chọn được CSGD phù hợp; làm cơ sở cho nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực và là một trong những điều kiện để thực hiện tự chủ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. 

Có thể nói, KĐCLGD có những tác động tích cực, góp phần thiết thực để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong toàn hệ thống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. 

Với Đề án “Xây dựng và phát triển hệ thống KĐCLGD đối với GD ĐH và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011 - 2020”, sau 10 năm triển khai, chúng ta đã xây dựng, ban hành được hệ thống văn bản về bảo đảm và KĐCLGD khá đầy đủ để có hành lang pháp lý triển khai hoạt động này ngày càng hiệu quả. Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên, sinh viên nói riêng và xã hội nói chung với công tác bảo đảm, KĐCLGD có chuyển biến tích cực. Chất lượng ngày càng được quan tâm và là yếu tố sống còn của CSGD. 

Việc xây dựng, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các CSGD ĐH, tổ chức KĐCLGD ngày càng được chú trọng; đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bảo đảm và KĐCLGD ngày càng được tăng cường. Ngoài ra, hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực, trên thế giới trong lĩnh vực KĐCLGD  ĐH cũng được tăng cường. 

- Công tác bảo đảm và KĐCLGD ở Việt Nam so với thế giới còn non trẻ, điều này có khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?

- Trong 10 năm qua, Việt Nam chủ động tiếp cận, học tập các mô hình tốt ở khu vực và trên thế giới; đồng thời lựa chọn hướng đi cho riêng mình để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập là không tránh khỏi.

Nguồn nhân lực, tài chính để thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, giảng viên ở CSGD trong thực hiện nhiệm vụ này còn chưa đồng đều. Tiến độ thực hiện KĐCLGD còn chậm, nhất là với KĐCL chương trình đào tạo, kết quả đạt được chưa bảo đảm chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Đội ngũ kiểm định viên còn mỏng, năng lực của các kiểm định viên chưa đồng đều. Bên cạnh đó, vẫn còn có đơn vị chưa chủ động thực hiện công tác KĐCLGD. Việc tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức KĐCLGD công lập theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH - Luật số 34 còn chậm.

Kiểm định chất lượng là thước đo quan trọng trong phát triển GD. Ảnh minh họa
Kiểm định chất lượng là thước đo quan trọng trong phát triển GD. Ảnh minh họa 

Tăng cường giám sát, thanh kiểm tra 

- Từ thực tiễn 10 năm, có những bài học nào được rút ra với các CSGD trong công tác bảo đảm và KĐCLGD, thưa ông?

- Tôi cho rằng, bài học quan trọng nhất là cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên, người lao động, người học ở các CSGD về công tác bảo đảm và KĐCLGD. 

Cùng với đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu CSGD trong chỉ đạo, triển khai thực hiện bảo đảm và KĐCLGD. Thực tế cho thấy, nếu người đứng đầu CSGD quan tâm, triển khai hoạt động tự đánh giá (khâu đầu tiên, quan trọng của quy trình KĐCLGD) theo đúng quy trình thì báo cáo tự đánh giá bảo đảm chất lượng. Từ đó, CSGD xác định được đúng hiện trạng, điểm mạnh, tồn tại để xây dựng được kế hoạch cải tiến chất lượng phù hợp, khả thi; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục các hoạt động trong nhà trường. 

Cuối cùng, cần đẩy mạnh tự chủ kèm theo đề cao trách nhiệm giải trình của CSGD ĐH, CĐ sư phạm đối với công tác bảo đảm và KĐCLGD.

- Để thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng giáo dục theo quy định của pháp luật, những nội dung gì sẽ được chú trọng triển khai trong thời gian tới?

- Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo đảm và KĐCLGD đã quy định tại Luật Giáo dục 2019 (Luật số 43), Luật Giáo dục ĐH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34), Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và các văn bản pháp quy liên quan đến tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để thực hiện.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác bảo đảm, KĐCLGD theo quy định của Luật và đáp ứng yêu cầu tự chủ giáo dục ĐH. 

Tiếp tục kiện toàn hệ thống, nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện công tác bảo đảm và KĐCLGD. Cụ thể: Tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức KĐCLGD công lập theo quy định của Luật số 34. Xây dựng, hoàn chỉnh mô hình bảo đảm và KĐCLGD CSGD ĐH, CĐ sư phạm giai đoạn sau 2020 phù hợp với thực tiễn Việt Nam; hội nhập với khu vực, quốc tế và bảo đảm theo quy định của pháp luật. 

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác bảo đảm, KĐCLGD theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu tự chủ giáo dục ĐH. Làm tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên KĐCLGD, công tác đánh giá, cấp thẻ kiểm định viên để kịp thời bổ sung đội ngũ kiểm định viên bảo đảm chất lượng, số lượng để thực hiện công tác KĐCLGD trong giai đoạn tới.

- Xin cảm ơn ông!

Ngành Giáo dục sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai phần mềm Quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KĐCLGD ĐH để giám sát kết quả hoạt động trong công tác bảo đảm, KĐCLGD của các CSGD ĐH, trường CĐ sư phạm và tổ chức KĐCLGD. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác bảo đảm và KĐCLGD với CSGD và tổ chức KĐCLGD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.