Kiểm định chất lượng quốc tế: Đắt có xắt ra miếng?

Kiểm định chất lượng quốc tế: Đắt có xắt ra miếng?

Đầu tư lâu dài

Trong hơn 3 năm tham gia kiểm định bởi Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) có 14 chương trình đào tạo (CTĐT) được cấp chứng nhận đạt chuẩn UAN-QA. Điều này mang lại lợi thế lớn cho SV của trường khi thị trường kinh tế ASEAN ngày càng hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, để có kết quả này, HCMUTE phải vượt qua một số rào cản mà kinh phí là thứ dễ thấy nhất.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE, kinh phí để thực hiện đánh giá ngoài 1 CTĐT theo AUN-QA, chủ yếu để sửa chữa cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng nhân sự về bảo đảm chất lượng, nộp các khoản phí do AUN quy định, chi phí tiếp đón đoàn AUN đến trường để đánh giá trực tiếp... Ngoài ra, trường cũng dành một khoản kinh phí để khen thưởng, cổ vũ cá nhân, đơn vị có đóng góp tích cực cho sự thành công của các đợt đánh giá.

“Trung bình mỗi CTĐT do trường triển khai đánh giá ngoài theo AUN-QA khoảng 550 - 600 triệu đồng. Như vậy, tổng kinh phí HCMUTE thực hiện đánh giá cho 14 CTĐT khoảng 8 - 9 tỷ đồng” - Hiệu trưởng HCMUTE chia sẻ.

Ngoài ra, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phần kinh phí này chưa bao gồm ngân sách dành cho cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như khoản đầu tư nâng cấp cho hệ thống công nghệ thông tin, dạy học số và mở rộng hệ thống mạng wifi hàng năm.

“Đây không phải là chi phí mà chúng tôi xem như khoản đầu tư để tiếp tục khai thác trong những năm tiếp theo. Một trong những hiệu quả đã được lường trước trong bản kế hoạch về quản lý rủi ro là nhà trường có thể nhanh chóng chuyển đổi mô hình dạy học từ truyền thống sang online 100% trong 4 tuần đầu của học kỳ này khi đại dịch Covid-19 đe dọa cả thế giới. Không phải tự nhiên nhà trường có thể chuyển đổi mô hình đào tạo nhanh đến vậy nếu không có sự chuẩn bị kỹ từ trước cả về nhân sự cũng như cơ sở vật chất” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng thông tin thêm.

Kiểm định chất lượng quốc tế: Đắt có xắt ra miếng? ảnh 1
CTĐT (CN may, CNTT, CN kỹ thuật in) của HCMUTE vừa đạt chuẩn kiểm định AUN-QA (tháng 3/2020). Ảnh: C.Chương

“Các hoạt động này được đầu tư từ nguồn kinh phí tự chủ của trường. Chỉ tính riêng chi phí cho việc chuẩn bị và thực hiện đánh giá đối với 1 chương trình AUN-QA khoảng 500 triệu đồng, và kiểm định một chương trình ABET gần 2 tỷ đồng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm, trang thiết bị và các hoạt động đào tạo trong những năm trước đó nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đạt chuẩn kiểm định” - TS Trần Tiến Khoa chia sẻ.

Tương tự, Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM (IU-VNU) là 1 trong 3 cơ sở GDĐH tại Việt Nam đạt chuẩn AUN-QA cấp cơ sở. Đồng thời, IU-VNU có 12 CTĐT đạt chuẩn đánh giá AUN-QA, 2 CTĐT đạt chuẩn kiểm định ABET, là cơ sở giáo dục đạt chuẩn kiểm định của Bộ GD&ĐT.

Theo TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng IU-VNU, để đạt kết quả kiểm định này, trường có đội ngũ bảo đảm chất lượng riêng, rải đều các đơn vị, được đào tạo và tập huấn bài bản. Chiến lược bảo đảm chất lượng được xác định rõ ràng khi xây dựng kế hoạch chiến lược chung của trường.

Mục tiêu phát triển từng trường

Mặc dù quá trình hội nhập ASEAN đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tuy nhiên có một điều dễ nhận thấy, hệ thống trường ĐH ngoài công lập tham gia kiểm định chuẩn quốc tế chưa nhiều.

Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) là cơ sở GDĐH tư thục đầu tiên ở phía Nam có 2 CTĐT đạt AUN-QA. TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU cho rằng: Trường ĐH ngoài công lập tham gia KĐCL đào tạo quốc tế chưa nhiều do chi phí cao, nhà đầu tư không mặn mà. Ngoài ra, việc hội đủ điều kiện (nội lực) để đáp ứng các tiêu chí mà tổ chức kiểm định đưa ra cũng là một thách thức không nhỏ.

“Ngoài chi phí, việc yêu cầu GV, SV tuân theo tiêu chuẩn mang tầm quốc tế đòi hỏi phải có thời gian và được tập huấn đào tạo liên tục. Đồng thời, việc theo đuổi kiểm định quốc tế còn tuỳ thuộc vào mục tiêu, chiến lược phát triển trường của các nhà đầu tư. Tại LHU, chúng tôi có mục tiêu chiến lược là 1 ĐH mang tầm quốc tế nên quyết tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và nội lực mạnh để làm điều này” - TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.

PGS.TS Đỗ Văn Xê (Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương, TPHCM) nêu quan điểm: Hầu hết trường làm KĐCL có mục đích PR. “Nếu thực hiện KĐCL nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu của Luật GD chỉ cần kiểm định trường theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT là được rồi. Bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT sát với thực tế của Việt Nam hơn”.

Trong khi đại diện HCMUTE, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh: Đánh giá/KĐCL cấp CTĐT và cơ sở giáo dục là tiền đề để nhà trường chủ động lựa chọn và tham gia bảng xếp hạng đại học cấp quốc gia/quốc tế nhằm hướng tới đối sánh năng lực và nhận diện đơn vị.

“Một trong những mục đích quan trọng của công tác đánh giá/kiểm định là đoàn đánh giá chỉ ra điểm cần cải tiến, đưa ra khuyến nghị để trường có định hướng cải tiến liên tục sau đánh giá nhằm không ngừng hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội của trường” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Muốn trường phát triển bền vững, hiệu trưởng phải xem quản lý chất lượng (không phải chỉ riêng KĐCL) là công cụ thường xuyên để điều hành trường. Nếu chỉ xem KĐCL là chuyện đối phó với yêu cầu của Luật GD hoặc nhằm mục đích PR, sự phát triển của trường sẽ bấp bênh. - PGS.TS Đỗ Văn Xê 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.