Kiểm định chất lượng giáo dục: “Điểm cộng” cho sinh viên và nhà trường

GD&TĐ - Kiểm định chất lượng giáo dục là công cụ hiệu quả giúp các trường kiểm soát và bảo đảm chất lượng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

Buổi thực hành phân tích vi sinh (thời điểm chưa có dịch Covid-19) của sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.
Buổi thực hành phân tích vi sinh (thời điểm chưa có dịch Covid-19) của sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Sau kiểm định, hầu hết các trường có chuyển biến tích cực và tạo hiệu ứng tốt đến người học và nhà tuyển dụng. 

Cải tiến hoạt động của trường

Là sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm Hồ Chí Minh, Yên Thị Hồng Viện – lớp 10DHDB1, ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm - cho hay: Có nhiều lợi ích từ việc học ở trường đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng. Theo đó, chất lượng các chương trình đào tạo được cải tiến liên tục, trên tất cả khía cạnh: Từ khung chương trình, các môn học, giảng viên… cho đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoạt động hỗ trợ học tập khác. Sinh viên được thụ hưởng điều kiện cơ sở vật chất khang trang hiện đại, với hệ thống giảng đường, khu thực hành nghề nghiệp, thư viện, ký túc xá, khu tự học, vui chơi giải trí... đảm bảo tiện nghi, tiện ích.

“Ngoài ra, chúng em được tham gia nhiều hội thảo chuyên đề với sự góp mặt của các doanh nghiệp. Qua đó, chúng em lĩnh hội được nhiều điều bổ ích từ những hoạt động này; trong đó có cả kiến thức thực tiễn, các yếu tố liên quan khởi nghiệp, cơ hội thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp” - Yên Thị Hồng Viện bày tỏ.

ThS Dương Hoàng Kiệt - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi hoàn thành đánh giá ngoài và được công nhận đạt chất lượng giáo dục năm 2017; trên cơ sở các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài, nhà trường đã xây dựng và triển khai kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục giai đoạn 2017 – 2022.

Có thể nói, kiểm định chất lượng giáo dục đã tác động tích cực đến toàn bộ hoạt động của trường; trong đó phải kể đến sự thay đổi về hệ thống bao gồm bảo đảm chất lượng bên trong, hoạt động đánh giá chất lượng bên trong và bên ngoài…

Theo ThS Dương Hoàng Kiệt, kiểm định chất lượng tác động đến sự thay đổi về mặt thực hiện chức năng, bao gồm 3 mảng chính: Đào tạo (tuyển sinh và nhập học, thiết kế và rà soát chương trình dạy học, giảng dạy và học tập, đánh giá sinh viên, các hoạt động phục vụ và hỗ trợ sinh viên); Nghiên cứu (quản lý nghiên cứu khoa học, quản lý sở hữu trí tuệ, hợp tác và đối tác nghiên cứu khoa học); Phục vụ cộng đồng.

“Cách tiếp cận này cùng với việc tuân thủ theo đúng chu trình lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra, đánh giá, cải tiến đã giúp hoạt động của trường cải tiến liên tục, đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Tuyển sinh hàng năm luôn đạt chỉ tiêu theo đề án tuyển sinh; 100% chương trình đào tạo được thiết kế, dạy học và đánh giá theo chuẩn đầu ra; công bố quốc tế hàng năm nằm trong tốp 30 của các cơ sở giáo dục Việt Nam...” - ThS Dương Hoàng Kiệt trao đổi, đồng thời nhấn mạnh: Tất cả hoạt động giáo dục đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, trong đó hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cần được xem là một trong những giải pháp quan trọng mà các cơ sở giáo dục cần triển khai.

Hệ thống công nghệ hiện đại hỗ trợ giảng dạy, học tập của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Hệ thống công nghệ hiện đại hỗ trợ giảng dạy, học tập của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Người học, doanh nghiệp cùng hưởng lợi

Là đơn vị được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục từ năm 2018, ThS Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết: Kiểm định chất lượng giúp nhà trường xác định được vị thế trong từng lĩnh vực hoạt động, qua đó có chiến lược phát triển bền vững và tăng cường chất lượng đào tạo.

“Việc đầu tiên Trường ĐH Mở Hà Nội thực hiện là tăng cường hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên. Đồng thời, có cơ chế hấp dẫn để “chiêu mộ” và đào tạo giảng viên trẻ có năng lực. Nhờ đó, trường có 157 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chiếm 38,77% đội ngũ giảng dạy. Một công việc quan trọng là xây dựng chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực người học và nhu cầu xã hội. Đặc biệt, tạo điều kiện “học đi đôi với hành” để người học vận dụng kiến thức, kỹ năng vào học tập  và làm việc sau này” - ThS Đỗ Ngọc Anh nói.

Theo ThS Đỗ Ngọc Anh, các chương trình đào tạo mới đã được nhà trường xây dựng và triển khai, đưa tổng số ngành đào tạo từ 13 lên 18. Hỗ trợ đắc lực cho việc bảo đảm chất lượng tại Trường ĐH Mở Hà Nội là đội ngũ kỹ thuật viên, cố vấn học tập và hệ thống công nghệ liên tục được cập nhật. Điều này không những giúp nhà trường thực hiện hoạt động quản lý và đào tạo thông suốt, kể cả thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, mà còn tích cực hỗ trợ ngành Giáo dục và các đơn vị khác triển khai tốt hoạt động đào tạo trực tuyến.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, ThS Nguyễn Phương Tài Lộc – Trưởng bộ phận nhân sự Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho hay: Thực tế cho thấy, những nhân sự được tuyển dụng từ sinh viên của trường đạt kiểm định chất lượng thường có kỹ năng, năng lực làm việc tốt hơn sinh viên của trường chưa đạt kiểm định. Sinh viên tốt nghiệp từ trường đạt kiểm định chất lượng thường không phải đào tạo lại, nếu có chỉ là bồi dưỡng nghiệp vụ để phù hợp với vị trí việc làm.

“Ở góc độ nhà tuyển dụng, chúng tôi chú trọng đến yếu tố năng lực làm việc và chất lượng công việc của các nhân sự được tuyển dụng. Vì thế, với sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục đại học đã đạt kiểm chất lượng giáo dục, được coi như “điểm cộng” khi công ty tuyển dụng nhân sự” - ThS Nguyễn Phương Tài Lộc thông tin, đồng thời cho biết: Trong quá trình ký kết thoả thuận hợp tác, công ty cũng lưu tâm hơn đến những trường đã đạt kiểm định chất lượng. Hiện, công ty đã ký kết hợp tác với 20 trường từ miền Bắc đến miền Nam.

Theo ThS Dương Hoàng Kiệt, kiểm định chất lượng giáo dục có những thay đổi tích cực từ nhận thức đến hành động của cán bộ, giảng viên, nhân viên và người học; tạo dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong cơ sở giáo dục. Đơn cử như Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, kiểm định chất lượng giáo dục đã tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất lượng toàn diện trong mọi hoạt động của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ