Kiểm định chất lượng giáo dục: Bắt “bệnh” để bốc thuốc

GD&TĐ - Tính đến thời điểm này, nhiều trường ĐH vẫn chưa thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục.

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trong giờ thực hành, thí nghiệm.
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trong giờ thực hành, thí nghiệm.

Cần nhìn nhận vấn đề này thế nào và giải pháp ra sao để chúng ta sớm đạt 100% cơ sở giáo dục ĐH được kiểm định trong thời gian sớm nhất?

Bắt đúng “bệnh”

Theo ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm, (ĐH Đà Nẵng), Bộ GD&ĐT nhiều lần công bố mục tiêu đến năm 2020, 100% các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ sư phạm được kiểm định. Luật Giáo dục ĐH năm 2019 cũng quy định rõ, các chương trình đào tạo không được kiểm định sẽ dừng tuyển sinh. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khá nhiều cơ sở giáo dục ĐH chưa được kiểm định, số lượng chương trình đào tạo được kiểm định chiếm tỉ lệ nhỏ so với số lượng chương trình đang tuyển sinh đào tạo.

Đưa nguyên nhân, ông San cho rằng: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động của nhà trường và tổ chức kiểm định. Các cơ sở giáo dục ĐH đang phải thích ứng với việc triển khai hoạt động đào tạo trong điều kiện dịch bệnh và tìm cách hỗ trợ cho người học.

Bên cạnh đó, số lượng các trung tâm kiểm định, kiểm định viên còn khá nhỏ so với nhu cầu kiểm định của hàng trăm cơ sở giáo dục ĐH và hàng ngàn chương trình đào tạo, trong khi chu trình kiểm định là 5 năm. Hiện nay, các trường thuộc nhóm đầu tiên kiểm định như Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Giao thông Vận tải… đang bước vào chu kỳ kiểm định thứ 2.

“Bộ GD&ĐT chưa ban hành văn bản hướng dẫn, ràng buộc hoạt động kiểm định gắn với hoạt động tuyển sinh của cơ sở đào tạo. Chưa có cơ sở giáo dục hay chương trình đào tạo nào bị dừng tuyển sinh do chưa kiểm định. Các mục tiêu như đến năm 2020 hoàn thành kiểm định cơ sở giáo dục, 2023 hoàn thành kiểm định chương trình đào tạo chưa được thể chế thành quy định.

Một số cơ sở giáo dục ĐH vẫn chưa đủ tự tin để bước vào sân chơi chất lượng khi luôn tìm cách trì hoãn hoạt động kiểm định nhà trường. Đây là bước lùi của các trường vì nếu không kiểm định sẽ rất khó để tiếp tục phát triển hay có những cải tiến, đổi mới, phát triển đơn vị” - ông Nguyễn Vinh San cho biết thêm.

Bà Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Mở Hà Nội cũng nhìn nhận tình trạng trên với cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo đó, từ phía các trường ĐH, một số nhà trường chưa nhận thức đúng về sự cần thiết, tính tất yếu phải thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục nên chưa chú trọng tới công tác này.

Một số trường xác định được sự cần thiết nhưng ngại thay đổi, do để thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục cần thay đổi từ tư duy đến hành động, chuyển mạnh từ tư duy quản lý định tính, hành chính sang tư duy quản lý chất lượng quá trình với các hồ sơ, minh chứng hoạt động cho tất cả  lĩnh vực trong giai đoạn kiểm định.

Một số trường nhận thức và quyết tâm thay đổi nhưng gặp khó khăn về nguồn lực thực hiện trong quá trình tập hợp hồ sơ, minh chứng nên kéo dài thời gian tự kiểm định và chuẩn bị kiểm định ngoài. Đây là công việc rất công phu, đòi hỏi sự quyết liệt, kiên trì của mọi thành viên trong trường để thực hiện công tác kiểm định cho giai đoạn hoạt động 5 năm của nhà trường.

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trong giờ học.
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trong giờ học.

Nỗ lực tự thân các trường rất quan trọng

TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Song song với hoạt động kiểm định, Bộ GD&ĐT cũng như các bên liên quan khác cần có chính sách và giải pháp hỗ trợ để  cơ sở giáo dục ĐH xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. Làm sao phổ biến được văn hóa chất lượng trong các mặt hoạt động của trường ĐH.

Khi mọi hoạt động của trường ĐH được thực hiện đúng theo các nguyên tắc bảo đảm chất lượng thì việc kiểm định chất lượng sẽ không còn là “nỗi lo” lớn của trường ĐH nữa, thậm chí nó trở thành nhu cầu tự thân của trường ĐH.

Cũng theo TS Nghiêm Xuân Huy, cần có quy định và chế tài mạnh mẽ gắn với việc giám sát quá trình thực hiện trách nhiệm giải trình của trường ĐH. Đồng thời với đó là giải pháp để nâng cao vai trò và năng lực chuyên môn của các trung tâm kiểm định chất lượng; cần có cơ chế, nguồn lực để các trung tâm này “toàn tâm toàn ý” cho sứ mệnh đánh giá chất lượng giáo dục của mình, thay vì quá phải lo lắng cho sự cạnh tranh, tồn tại hay “sống sót” của mình.

Cuối cùng, không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, hoạt động kiểm định chất lượng, đảm bảo chất lượng cũng nên được vận hành trên nền tảng số và hệ thống thông tin đồng bộ, thống nhất. Bộ GD&ĐT có thể triển khai một hệ thống thông tin trực tuyến về đảm bảo chất lượng, gắn kết trực tiếp tới các cơ sở giáo dục, nhằm cập nhật liên tục thông tin, dữ liệu về đảm bảo chất lượng của cả hệ thống cũng như từng cơ sở giáo dục.

Để giải quyết bài toán 100% các cơ sở giáo dục được kiểm định và đạt chuẩn, 3 giải pháp cơ bản được ông Nguyễn Vinh San đưa ra. Trong đó, đầu tiên phải là xuất phát tự thân từ các cơ sở giáo dục ĐH và quyết tâm của lãnh đạo đơn vị. Các cơ sở giáo dục ĐH cần xem kiểm định nhà trường là giải pháp để hoàn thiện và phát triển nhà trường có sự giám sát của xã hội thông qua các tổ chức kiểm định.

Bộ GD&ĐT cần thể chế hóa, có biện pháp đối với cơ sở chây ì trong hoàn thành kiểm định nhà trường, chương trình đào tạo. Kiên quyết dừng tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục không đạt chuẩn hoặc chưa được công nhận đạt chuẩn.

Nâng cao năng lực của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; sẵn sàng mở rộng thêm cơ sở kiểm định tư nhân; có giải pháp giám sát việc công khai chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH và hoạt động kiểm định của các tổ chức kiểm định. Cuối cùng, khuyến khích  cơ sở giáo dục ĐH lớn tham gia kiểm định bởi tổ chức kiểm định quốc tế nhằm nâng cao uy tín của giáo dục ĐH Việt Nam cũng như từng bước hội nhập với giáo dục thế giới.

Theo bà Nguyễn Mai Hương, mặc dù đã tiến hành giám sát và công khai thông tin về kiểm định của các cơ sở giáo dục ĐH nhưng cơ quan quản lý chưa quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát việc lập và thực hiện kế hoạch kiểm định của cơ sở giáo dục và chưa có chế tài xử lý nếu thực hiện không đúng kế hoạch. Nguồn lực của các tổ chức kiểm định ngoài còn có những hạn chế nhất định về quy mô và chất lượng đánh giá. Xã hội chưa thực sự quan tâm đến kết quả kiểm định của các trường trong việc lựa chọn trường để đăng ký học hay trong việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực do trường đào tạo. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...